Giật mình hàng loạt kỷ lục thời tiết dị thường 2013

07:44, 28/01/2014
|

(VnMedia) - Năm 2013 đã trôi qua với hàng loạt hiện tượng thời tiết dị thường ảnh hưởng đến Việt Nam, đạt kỷ lục so với 30 hoặc 50 năm trở lại đây. Điều này cho thấy biến đổi khí hậu đang ngày càng hiển hiện rõ ràng trong cuộc sống của chúng ta.

Điểm lại những hiện tượng thời tiết bất thường năm qua cho thấy, trong năm đã có hơn 30 đợt không khí lạnh, bao gồm 9 đợt gió mùa đông và các đợt không khí lạnh tăng cường. Đặc biệt, đợt gió mùa Đông Bắc vào cuối tháng 3 đã gây ra mưa đá trên diện rộng trên khu vực các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng và nhất là Lào Cai gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Ngay trong tháng 6/2013 cũng đã xuất hiện một đợt gió mùa Đông Bắc với cường độ trung bình đã gây mưa vừa, mưa to diện rộng cho các tỉnh Bắc Bộ.

 

Thống kê cho thấy, trong năm 2013 cũng đã xuất hiện 4 đợt rét đậm, rét hại tại các tỉnh miền Bắc với tổng cộng 37 ngày xuất hiện rét đậm, rét hại (trong đó xảy ra 20 ngày rét hại). Đáng chú ý là đợt rét đậm, rét hại kéo dài trên diện rộng đầu tháng 1/2013, duy trì liên tiếp trong 15 ngày (từ ngày 1/1 đến 15/1) và đợt rét đậm, rét hại kéo dài 18 ngày trong tháng 12/2013 (từ ngày 15/12 đến 1/1/2014). Một số nơi nhiệt độ thấp nhất xuống dưới 1 độ C như ở Sìn Hồ (Lai Châu) là -0,9 độ C, Sa Pa (Lào Cai) là 0,7 độ C, Ngân Sơn (Bắc Cạn) và Trung Khánh (Cao Bằng) là 0,0 độ C, Mẫu Sơn (Lạng Sơn) là -1,1 độ C; nhiều nơi ở vùng núi Bắc Bộ có sương muối kéo dài. Ở các huyện Đồng Văn và Quảng Bạ (Hà Giang), Bát Xát và Sa Pa (Lào Cai) đã xảy ra mưa tuyết. Đây là đợt mưa tuyết sớm nhất và tuyết rơi có độ dày lớn nhất đã được ghi nhận trong khoảng 50 năm trở lại đây.

 

Ngược lại với thời tiết cực đoan trong mùa đông thì hè năm 2013, hình thế xuất hiện các đợt nắng nóng lại không rõ ràng đã gây rất nhiều khó khăn trong công tác cảnh báo, dự báo. Trong năm trên phạm vi cả nước đã xảy ra 12 đợt nắng nóng trên diện rộng (trừ khu vực Tây Nguyên).

Đáng chú ý nhất là đợt nắng nóng giữa tháng 5/2013. Từ ngày 14-20/5 ở Bắc Bộ và từ 14-23/5 ở các tỉnh Trung Bộ, nhiệt độ cao nhất ở các nơi phổ biến từ 37-39 độ, một số nơi thuộc vùng Đồng Bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trên 40 độ C. Riêng một số nơi ở Đồng Bằng Bắc Bộ như: Bắc Giang (38,6 độ C ngày 16/5), Bắc Ninh (39,6 độ C ngày 16/5), Nam Định (39,7 độ C ngày 15/5), Văn Lý (38,9 độ C ngày 16/5), Ninh Bình (39,6 độ C ngày 15/5), Hà Nam (39,5 độ C ngày 16/5), Thái Bình (38,2 độ C ngày 16/5).

"Đây là nhiệt độ cao nhất được ghi nhận trong chuỗi số liệu lịch sử cùng thời kỳ từ năm 1960 đến nay." - Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương Bùi Minh Tăng cho biết.

 

Về bão và áp thấp nhiệt đới, đây cũng là năm xuất hiện nhiều hơn hẳn so với số liệu trung bình nhiều năm, với 14 cơn bão và 5 ATNĐ hoạt động trên Biển Đông. Trong số 14 cơn bão hoạt động trên Biển Đông có đến 9 cơn bão và ATNĐ ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. “Đây là năm có số lượng bão và ATNĐ hoạt động trên biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta nhiều nhất trong vòng 50 năm qua. Tất cả các cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta trong năm 2013 trước khi đổ bộ vào đất liền đều có hướng di chuyển và diễn biến về cường độ rất phức tạp. Trong số 9 cơn bão đổ bộ vào đất liền nước ta có đến 3 cơn bão có cường độ mạnh (≥ cấp 12)." - Giám đốc Trung tâm Bùi Minh Tăng khẳng định.

Ảnh minh họa

2013 cũng là một năm kỷ lục có số cơn bão mạnh đổ bộ vào nước ta


2013 cũng là một năm kỷ lục có số cơn bão mạnh đổ bộ vào nước ta. Bão số 14 (HaiYan) là cơn bão rất mạnh về cường độ có thể so sánh với bão Katrina đổ bộ vào nước Mỹ, hình thành ở vĩ độ rất thấp (6,1 độ N), đổ bộ vào Philippin với cường độ trên cấp 17 (vượt quá khung bảng tính cường độ gió trên khu vực biển Thái Bình Dương) sau đó đi vào biển Đông vẫn giữ cường độ cấp 14, cấp 15, đổi hướng di chuyển lên phía bắc đổ bộ vào Quảng Ninh – Hải Phòng với cường độ gió cấp 11, cấp 12 và giật đến cấp 14 gây hậu quả rất lớn về người và tài sản cho người dân các khu vực nói trên. Hướng di chuyển của bão số 14 là rất phức tạp và không theo quy luật khí hậu, trong khi thông thường vào thời điểm cuối mùa bão, hướng di chuyển của các cơn bão thường di chuyển về phía Tây thậm chí là Tây Nam, đổ bộ vào khu vực các tỉnh Trung và Nam Trung Bộ” - ông Bùi Minh Tăng nhấn mạnh.

 

Năm qua, trên toàn lãnh thổ đã xảy ra 31 đợt mưa lớn diện rộng, nhiều hơn rất nhiều so với các năm trước đây cùng thời kỳ. Đợt mưa lớn diện rộng đầu tiên trong năm 2013 xảy ra vào đầu tháng 5 trên khu vực các tỉnh Bắc Bộ là muộn hơn trung bình 30 năm trở lại đây. Đây cũng là điểm bất thường của mùa mưa năm 2013.




Ảnh minh họa

Mưa tuyết chưa từng có xuất hiện tại Lào Cai

 

Đặt biệt, đợt mưa xảy ra trên khu vực các tỉnh Thừa Thiên Huế đến Bình Định do ảnh hưởng trực tiếp của bão số 15 (Pudol) cho tổng lượng mưa phổ biến 400 – 600mm, thậm chí một số nơi trên 900mm đã gây ra thiệt hại rất lớn về người và tài sản của người dân. Riêng ngày 15/11 tại (Ba Tơ) Quảng Ngãi xảy ra lượng mưa ngày đạt giá trị cao nhất trong chuỗi số liệu lịch sử là 661mm ngày 15/11/2013 và kỷ lục cũ được ghi nhận là 515mm ngày 12/11/1938.

 

Ngoài những đợt mưa đáng chú ý nói trên, còn phải kể thêm đợt mưa trái mùa bất thường trong tháng 12/2013 ở Bắc Bộ từ 13/12 đến 16/12, tổng lượng mưa ở vùng đồng bằng trung du Bắc Bộ phổ biến 20 – 50mm; vùng núi phía Đông Bắc Bộ phổ biến 70 – 120mm; vùng núi phía Tây Bắc Bộ phổ biến 150 - 200mm, có nơi lớn hơn như ở Pha Đin là 218mm và TP.Điện Biên (Điện Biên) là 264mm, Phiêng Lanh (Sơn La) là 218mm và đây là lượng mưa lớn nhất từ trước tới nay trong chuỗi số liệu quan trắc được trong cùng thời kỳ.

 

Về nhiệt độ, nền nhiệt độ các tháng trong năm 2013 trên phạm vi toàn quốc phân bố không đều theo thời gian, tháng 2, 3 và 11/2013 phổ biến cao hơn trung bình 30 năm trở lại đây, trong khi tháng 1 và tháng 12/2013 ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm, đặc biệt tháng 12/2013 do rét đậm, rét hại kéo dài nên nền nhiệt độ tại các tỉnh miền Bắc thấp hơn trung bình nhiều năm từ 1.5 đến 2.5 độ C.


Ảnh minh họa

Hơn 100 cơn lốc xoáy, dông sét và mưa đá gây thiệt hại nặng nề trong năm 2013

 

Trong năm 2013, trên cả nước đã xảy ra hơn 100 cơn lốc xoáy, dông sét và mưa đá gây thiệt hại nhiều về người tài sản, nhà cửa và hoa màu cho các địa phương (Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Cao Bằng, Hòa Bình, Phú Thọ, Bắc Giang, Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum, Đắc Lắc, Đắc Nông, Lâm Đồng, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, Trà Vinh, Vĩnh Long, Sóc Trăng…) Đặc biệt, trong những ngày cuối tháng 3/2013 ở Lào Cai liên tiếp xảy ra lốc xoáy và mưa đá vào rạng sáng các ngày 27, 29 và 30/3 gây thiệt hại lớn về nhà cửa, hoa màu, làm bị thương 19 người.

Hàng loạt kỷ lục thời tiết bất thường trong năm qua càng khẳng định thêm rằng, biến đổi khí hậu đang ngày càng hiện hữu rõ hơn trong cuộc sống của chúng ta và ý thức bảo vệ môi trường là điều hết sức quan trọng để chúng ta có thể phần nào tránh được những cơn nổi giận của "bà mẹ thiên nhiên".


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc