Đồng hương Quảng Bình nhớ Đại tướng

19:53, 11/01/2014
|

(VnMedia) - Hôm qua (10/1/2014), nhân 100 ngày Đại tướng đi về cõi vĩnh hằng, những người con Quảng Binh - đồng hương của Đại tướng tại Hà Nội đã lại có mặt ở ngôi nhà số 30 Hoàng Diệu để thắp nén tâm hương tưởng nhớ tới người Anh cả mà họ vô cùng yêu kính.

Ảnh minh họa

Những người đồng hương Quảng Bình thắp nén tâm hương tưởng nhớ Đại tướng nhân 100 ngày ông ra đi về cõi vĩnh hằng


Suốt nhiều năm qua, những người đồng hương Quảng Bình tại Hà Nội luôn coi ngôi nhà số 30 Hoàng Diệu như một địa chỉ thân thương mà họ muốn tới mỗi dịp Xuân về hay trong ngày sinh nhật Đại tướng. Và trong suốt 100 ngày qua kể từ khi Đại tướng qua đời, những người đồng hương Quảng Bình đó luôn mang trong lòng một nỗi tiếc nhớ vô hạn đối với ông. Giờ đây, những kỷ niệm về người Anh cả luôn ấm áp trong trái tim mỗi người con Quảng Bình sinh sống trên mảnh đất Hà Nội.

Những kỷ niệm thân thương

Nhớ về tình cảm sâu nặng đối với Đại tướng, bác Lê Thanh Huyên, thường trực hội đồng hương Quảng Bình tại Hà Nội kể: Hồi còn làm ở Ga Thuận Lý (thời Pháp), nay là ga Đồng Hới, trong thời gian ở Hải quân, tháng 7/1975, bác được gặp Đại tướng khi ông vào dự tổng kết chiến tranh quân khu 5.

“Lúc ấy, tôi là trợ lý bảo vệ Vùng 3, Quân Chủng Hải quân hiện nay, và chỉ mới mang quân hàm thiếu úy - cấp bậc thấp nhất trong ban bảo vệ gồm 5 người. Đại tướng thấy tôi lăng xăng liền hỏi: Cậu quê ở mô đó? tôi đứng nghiêm: Báo cáo Đại tướng quê cháu ở Quảng Bình. À, đồng hương quảng Bình. Thế Quảng Bình cậu ở huyện mô? báo cáo Đại tướng cháu ở Lệ Thủy. Ơ, thế thì cùng huyện. Thế Lệ Thủy thì ở xã mô? Báo cáo Đại tướng cháu ở xã An Nghĩa. Vậy cậu ở bên tê sông, tôi ở bên này sông. Ấn tượng về lần đầu gặp Đại tướng, đó là ông rất gần gũi, tình cảm.” – bác Huyên nhớ lại.

Sau này khi về hưu, bác Huyên tham gia trong ban chấp hành hội đồng hương Quảng Bình ở Hà Nội. Mỗi năm 2 lần bác được đến nhà Đại tướng chúc thọ, đó là ngày sinh nhật Đại tướng 25/8 và chúc Tết. Những lần gặp gỡ như vậy, bác Huyên càng cảm nhận tấm lòng của Đại tướng với quê hương Quảng Bình rất sâu nặng.

“Mặc dầu tuổi cao sức yếu, về nghỉ đời thường, nhưng những lần Hội đồng hương đến chúc thọ và chúc tết, Đại tướng vẫn luôn hỏi một câu: “Bây giờ tình hình tỉnh nhà thế nào rồi?” Chỉ một câu nói ấy thôi, nhưng nó chứng tỏ lúc nào Đại tướng cũng nghĩ về quê hương Quảng Bình.” – bác Huyên kể.

Những năm sau này, khi Đại tướng nằm viện, dù không được vào bệnh viện thăm Đại tướng nhưng Hội đồng hương Quảng Bình vẫn đến chúc thọ Đại tướng tại nhà riêng.

Là một người có may mắn được gặp gỡ, tiếp xúc với Đại tướng trong nhiều dịp trọng đại, được trực tiếp chụp ảnh, quay phim về Đại tướng, bác Từ Ngọc Đỉnh kể:

“Đối với chúng tôi, Đại tướng không chỉ là một vị tướng huyền thoại mà Đại tướng là một người cực kỳ khiêm tốn. Khi chúng tôi làm phim về bác và muốn đặt tên phim là “Võ Nguyên Giáp - người con ưu tú của quê hương Quảng Bình”, bác bảo: chữ ưu tú nên dùng cho những bà mẹ Việt Nam anh hùng, những chiến sĩ xứng đáng. Bác là người không bao giờ thích sự tâng bốc, khen nịnh. Gặp bác rất thoải mái, thân mật dù bác là một vị tướng huyền thoại.

Tôi còn nhớ khi bác đi tàu khách trong lần vào thăm quê hương Quảng Bình. Lúc đó có cặp vợ chồng người Nhật cùng đi chuyến tàu đã đến chào hỏi, bác gặp gỡ, nói chuyện rất thân mật. Trong những lần được gặp bác, tôi cảm nhận bác luôn luôn nghĩ đến đồng bào và người dân, không những đồng bào trong nước mà cả việt kiều. Mỗi khi có dịp gặp mặt, bác đều tiếp thân mật vui vẻ.

Mỗi khi họp hội đồng hương Quảng Bình ở Hà Nội, bác đều đến dự và dặn dò. Bác mong hội đồng hương Quảng Bình luôn cố gắng giúp đỡ lẫn nhau, hy vọng hội đi đầu về tình đoàn kết, cùng tỉnh Quảng Bình phấn đấu từ tỉnh nghèo ngày càng tiến lên. Khi nói, bác hay dùng từ: “Chúc Hội đồng hương ta…”, nghe rất thân thương.

Năm nào vào dịp giáp Tết Nguyên đán, bác cũng mời anh chị em phục vụ bác từ hồi Điện Biên Phủ đến gặp mặt, từ thư ký, bảo vệ, bác sĩ… đông lắm. Bác nói chuyện thân mật, tặng sách, kỷ niệm… nhưng không bao giờ tổ chức tiệc tùng ăn uống.

Chính sự giản dị, tình cảm của Đại tướng đã khiến cho những người biết đến ông cũng luôn muốn bày tỏ tình cảm với Đại tướng một cách chân thật nhất. Vì thế, một cụ già hồi xưa nấu cơm cho Bác Hồ và bác Giáp, nhân ngày Tết cách đây mấy năm đã đem một bu gà từ quê xuống tặng bác. Biết bác thích ăn món ăn Quảng Bình, chị em phụ nữ thường gửi tặng nước mắm hay những sản vật bình dị của quê hương.

Tôi cũng có một ấn tượng đặc biệt đối với Đại tướng, đó là ông rất giỏi ngoại ngữ. Tôi từng chứng kiến, khi bác tiếp đoàn tùy viên quân sự ở Mỹ Đình gồm mấy chục nước, nếu nói với các tùy viên Pháp thì bác nói bằng tiếng Pháp, với người Lào bác nói bằng tiếng Lào, với người Cam-Pu-Chia bác nói bằng tiếng Cam-Pu-Chia, với người Anh thì nói tiếng Anh, với người Trung Quốc lại nói tiếng Trung Quốc… Trước đó, tôi không thể tưởng tượng bác vừa đức độ lại vừa tài năng đến vậy."

Bác Đỉnh cũng cho biết, Hội đồng hương Quảng Bình đang xúc tiến làm một bộ phim tài liệu về Đại tướng.

Nghĩa tình sâu đậm

Xa quê, sinh sống và làm việc trên đất Hà Nội mấy chục năm cho đến khi từ giã cõi đời, mối thâm tình của Đại tướng với những người đồng hương Quảng Bình sâu nặng không kể xiết. Vì thế, sự ra đi của Đại tướng, dẫu không phải là đột ngột, nhưng vẫn khiến những người con Quảng Bình vô cùng đau đớn.

“Hôm nghe tin bác Giáp mất, chúng tôi ai cũng rụng rời. Ngay lập tức, bàn thờ Đại tướng đã được lập để con em Quảng Bình tại Hà Nội đến viếng. Suốt mấy ngày sau đó, lúc nào tôi cũng thẫn thờ. Những người đồng hương Quảng Bình ở khắp nơi gọi điện thoại hỏi thăm về lễ tang của Đại tướng. Ai cũng khóc.” – bác Huyên nhớ lại.

Khi biết Đại tướng sẽ được an táng ở Vũng Chùa, các bác đã ngay lập tức lên kế hoạch tổ chức đoàn về Quảng Bình đưa tiễn Đại tướng. Sáng sớm ngày 12/10/2013, họ - người lớn tuổi nhất đã gần 80, trẻ nhất cũng đã trên 50 – hẹn nhau tập trung trước cổng ngôi nhà số 30 Hoàng Diệu, cúi chào Đại tướng lần cuối trước khi lên xe đi Quảng Bình. Vượt qua tuổi tác, vượt quãng đường hơn 600 cây số, vượt qua cả những cảnh tắc đường kéo dài trong ngày Đại tướng về với Cụ Hồ, những người con Quảng Bình tóc bạc đó đã bằng mọi cách có mặt ở Vũng Chùa, đưa tiễn người Anh cả của họ về Đất Mẹ.

Và ngày hôm qua, đúng 100 ngày Đại tướng ra đi, ngay từ sáng sớm, họ lại đã có mặt ở ngôi nhà số 30 Hoàng Diệu để thắp nén tâm hương tưởng nhớ Người. Trong sân nhà Đại tướng, những bình hoa cúc vàng được đặt chạy dọc theo lối đi, trông thật ấm áp. Có thể thấy được suốt 100 ngày qua, người dân Hà Nội và người dân ở khắp nơi trên đất nước vẫn luôn hướng về Đại tướng.

“Chúng tôi đến đây hôm nay vừa là tấm lòng của một người dân như bao người Việt Nam khác đối với vị Đại tướng của nhân dân, vừa là tấm lòng của một người đồng hương luôn tự hào về người con ưu tú của Quảng Bình, người đã làm rạng danh cho đất nước, quê hương.” – bác Đặng Ngọc Tuân xúc động nói.

Cảm động và ân cần tiếp nhận tình cảm quý báu, nghĩa tình, thủy chung của những người đồng hương Quảng Bình, anh Võ Hoài Nam, con trai Đại tướng bùi ngùi chia sẻ: “Ba tôi thoát ly gia đình, xa quê hương Lệ Thủy Quảng Bình từ lúc đang còn học trung học. Trong thời gian hoạt động, chiến đấu, đi khắp các vùng của Tổ quốc theo những chiến dịch, nhưng tình cảm của Ba tôi đối với quê hương Quảng Bình vẫn rất sâu nặng, mặc dù đối với Ba tôi, đất nước Việt Nam ở đâu cũng là quê hương. Những dịp gặp mặt Hội đồng hương Quảng Bình cũng là những dịp để Ba tôi biết được tình hình của quê nhà. Tình cảm của những người đồng hương đối với Ba tôi rất ấm áp.”

Một số hình ảnh ghi dấu những tình cảm sâu nặng của đồng hương Quảng Bình với Đại tướng và của Đại tướng với đồng hương Quảng Bình:

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đồng hương Quảng Bình trong những dịp chúc thọ và chúc Tết Đại tướng (ảnh do Hội đồng hương Quảng Bình tại Hà Nội cung cấp)

Ảnh minh họa

Đại tướng luôn trân trọng tình cảm của những người yêu mến ông. Vì vậy, trong các dịp sinh nhật những năm cuối đời, do nằm viện không có điều kiện gặp gỡ, Đại tướng đã chuẩn bị sẵn những tấm thiệp để cảm ơn. Những tấm thiệp này nay đã trở thành những báu vật đối với những người được nhận.

Ảnh minh họa

Tấm thiệp của Đại tướng cảm ơn những người đồng hương Quảng Bình trong dịp sinh nhật lần cuối cùng, ngay trước khi Đại tướng ra đi về cõi vĩnh hằng chỉ hơn 1 tháng

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Vượt qua hơn 600 km, Hội đồng hương Quảng Bình tại Hà Nội là một trong những đoàn cuối cùng viếng Đại tướng trong tối 12/10/2013 tai Quảng Bình

Ảnh minh họa

Và hôm qua (10/1/2014), sau 100 ngày Đại tướng ra đi, họ lại đến ngôi nhà quen thuộc số 30 Hoàng Diệu để thắp nén tâm hương

Ảnh minh họa

Tưởng nhớ tới người đồng hương, người Anh cả mà họ vô cùng yêu kính

 Ảnh minh họa

Hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp mãi mãi trong tim những người đồng hương Quảng Bình

 Ảnh minh họa

Anh Võ Hoài Nam, con trai Đại tướng Võ Nguyên Giáp trân trọng đón nhận tình cảm mà những người đồng hương Quảng Bình dành cho người cha thân yêu của mình



Tuệ Khanh - (bài, ảnh)

Ý kiến bạn đọc