(VnMedia) - Nền nhiệt độ trung bình các tháng 1 và 2 năm 2014 ở Bắc Bộ được dự báo phổ biến ở mức cao hơn một ít so với trung bình nhiều năm (30 năm) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết.
Thời tiết 2 tháng đầu năm 2011 ấm áp hơn trung bình 30 năm qua - ảnh: Tuệ Khanh |
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, trong những tháng đầu năm 2014, bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) vẫn có khả năng xuất hiện và hoạt động trên khu vực Biển Đông và có thể ảnh hưởng đến khu vực Nam Trung Bộ và Nam Bộ.
Nền nhiệt độ trung bình các tháng 1 và 2 năm 2014 ở Bắc Bộ được dự báo phổ biến ở mức cao hơn một ít so với trung bình nhiều năm (TBNN) cùng thời kỳ, các khu vực khác phổ biến ở mức xấp xỉ với TBNN cùng thời kỳ. Các tháng 3 và 4 năm 2014 trên phạm vi toàn quốc phổ biến ở mức xấp xỉ với TBNN cùng thời kỳ.
Các đợt rét đậm, rét hại (nhiệt độ trung bình ngày ở các tỉnh Đồng Bằng Bắc Bộ xuống dưới 15 độ C, kéo dài từ 3 ngày trở lên) ở các tỉnh Bắc Bộ vẫn còn có khả năng xảy ra trong tháng 1 và nửa đầu tháng 2/2014, tuy nhiên ít có khả năng kéo dài như đợt rét cuối tháng 12 năm 2013 vừa qua.
Dự báo lượng mưa các tháng 1 và 2/2014 của mùa đông xuân 2013-2014 ở Bắc Bộ phổ biến ở mức thấp hơn một ít so với TBNN. Đến tháng 3 và 4 năm 2014 có khả năng ở mức cao hơn một ít so vớiTBNN.
Ở Trung Bộ, các tháng từ tháng 1 đến tháng 4/2014 ở phía bắc phổ biến ở mức xấp xỉ với TBNN; khu vực NamTrung Bộ ở mức cao hơn một ít so với TBNN cùng thời kỳ.
Nam Bộ và Tây Nguyên các tháng từ tháng 1 đến tháng 4/2014 phổ biến ở mức cao hơn một ít so với TBNN. Trong mùa khô cũng có khả năng xảy ra các đợt mưa trái mùa.
Vụ đông xuân năm 2013-2014, dòng chảy toàn hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình có khả năng ở mức nhỏ hơn TBNN khoảng 5-18%, trong đó các tháng 1 và tháng 2/2014 thiếu hụt khoảng 10-40% và các tháng 3 và tháng 4/2014 thiếu hụt khoảng 5-10%.
Trên sông Hồng tại Hà Nội, lưu lượng trung bình từ tháng 1 đến tháng 4/2014 ở mức 900-1100 m3/s (TBNN là 1180m3/s). Mực nước thấp nhất tại trạm thủy văn Hà Nội có khả năng ở mức 0,3-0,5m và xuất hiện vào cuối tháng 2 hoặc đầu tháng 3 năm 2014.
Mùa cạn năm 2013-2014 tình trang thiếu nước ít khả năng sẽ diễn ra gay gắt trên diện rộng. Một số nơi vẫn có thể xuất hiện tình trạng khô hạn cục bộ như vùng Đông Bắc và miền núi phía Bắc. Các hồ chứa thủy điện lớn như Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà đã tích đến mực nước thiết kế, việc gia tăng cấp nước cho hạ du sẽ được tăng cường, tình trạng khó khăn trong giao thông đường thủy, cấp nước và phát điện trong mùa khô năm 2013-2014 sẽ bớt căng thẳng hơn các năm trước.
Trong khi đó, dòng chảy trên các sông ở Thanh Hóa luôn thấp hơn TBNN từ 20-35%; dòng chảy trên các sông Nghệ An, Hà Tĩnh từ nay đến cuối mùa có khả năng ở mức TBNN.
Ở Trung và Nam Trung Bộ: Đầu mùa, dòng chảy trên hầu hết các sông ở Trung, Nam Trung Bộ thấp hơn TBNN cùng kỳ từ 8-30% (riêng ở Quảng Nam, Phú Yên cao hơn từ 20-35%), cuối mùa có khả năng thấp hơn TBNN khoảng 30-40%, có nơi thấp hơn 40%.
Tây Nguyên: Đầu mùa dòng chảy các sông ở Bắc Tây Nguyên ở mức cao hơn TBNN khoảng 35-50%, đến cuối mùa ở mức cao hơn từ 10-15%; đầu mùa các sông ở Nam Tây Nguyên thấp hơn từ 18-40%, cuối mùa ở mức xấp xỉ TBNN.
Đầu mùa, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long cao hơn TBNN cùng kỳ từ 0,1-0,2m, đến giữa và cuối mùa có khả năng cao hơn TBNN khoảng 0,25-0,35m. Ở các tỉnh ven biển miền tây Nam Bộ, cần đề phòng tình trạng thiếu nước và xâm nhập mặn sâu vào đất liền.
Trong các tháng cuối đông xuân 2013-2014, ở các tỉnh Thanh Hóa, Tây Nguyên và Nam Bộ cần chủ động đối phó với tình trạng thiếu nước, khô hạn cục bộ và xâm nhập mặn ở một số vùng.
Trong các tháng cuối của vụ đông xuân 2013-2014, một số nơi ở khu vực Đông Bắc, vùng núi phía bắc, Thanh Hóa, Tây Nguyên và Nam Bộ cần chủ động đối phó với tình trạng thiếu nước và khô hạn cục bộ. Ngoài ra, từ nửa cuối tháng 3 và tháng 4/2014 là thời kỳ giao mùa,các tỉnh Bắc Bộ, đặc biệt tại các tỉnh vùng núi phía bắc đề phòng khả năng xuất hiện những hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc mạnh và mưa đá.
Ý kiến bạn đọc