Công trình nào được chú ý nhất Thủ đô?

12:52, 31/01/2014
|

(VnMedia) - Năm qua, Hà Nội đã xây dựng và đưa vào thông xe một số công trình giao thông trọng điểm. Những công trình này sau khi được đưa vào sử dụng đã góp phần từng bước thay đổi diện mạo giao thông Thủ đô.

>>Tai nạn giao thông: “Bài toán” thách thức Bộ trưởng Đinh La Thăng

Phát huy khả năng chống ùn tắc của các cây cầu vượt nhẹ trong năm 2012, năm qua, Hà Nội đã cho xây dựng thêm 2 cây cầu vượt nhẹ lắp ghép bằng thép tại 2 ngã tư có mật độ tham gia giao thông khá phức tạp ở Thủ đô đó là: DeaWoo và Đại Cồ Việt – Trần Khát Chân. Điều đáng nói là những cây cầu vượt này đều được Hà Nội xây dựng và hoàn thành với thời gian rất ngắn.

Cây cầu thứ nhất phải kể đến là cầu vượt tại ngã tư Trần Khát Chân – Đại Cồ Việt – phố Huế - Bạch Mai. Cầu được Hà Nội thông xe vào ngày 30/8, sau 6 tháng tích cực thi công.

Dài hơn 352 mét, được xây dựng với quy mô 2 làn xe ôtô và 2 làn xe hỗn hợp (xe buýt được phép lưu thông), cầu vượt tại nút giao Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân có mặt cắt ngang khoảng 9 - 12m với tổng mức đầu tư 181,395 tỷ đồng được Liên doanh giữa Ban quản lý dự án Giao thông 2 (Sở GTVT Hà Nội) với Xí nghiệp cơ khí Quang Trung xây dựng.

Đây là cây cầu vượt kết cấu thép được xây dựng với kỹ thuật dự ứng lực móc bu – lông tạo độ cong trước vào kết cấu thép nên đã giúp tạo độ cong cho dầm cầu mềm mại như công trình nghệ thuật trong nội đô. Vì thế nhiều người cho rằng, đây là công trình được thiết kế có tính mềm mại nhất trong các cầu vượt bằng sắt đã được lắp ghép tại Thủ đô Hà Nội hiện nay.

Ngoài ra, các trụ cầu cũng được thiết kế xây dựng theo hình chữ H (Hà Nội) cách điệu tạo thêm những điểm nhấn khác biệt với các cây cầu khác đã được xây dựng trước đó. Để làm được hình trụ cầu đứng xiên này, các đơn vị thiết kế đã tính toán để đảm bảo lực nâng của trụ bằng cách sử dụng các khối thép cường độ cao.

 Ảnh minh họa

 Sau khi được thông xe, cầu vượt nút giao DeaWoo đã góp phần cải thiện đáng kể tình trạng ùn ứ giao thông ở nút giao phức tạp này. Đây là một công trình được người dân Hà Nội khá chờ đợi trong năm qua. Ảnh: Vạn Xuân

Tiếp đó, sáng 5/10, UBND Hà Nội đã tổ chức lễ thông xe cây cầu vượt bằng thép thứ 6 trong nội đô tại nút giao DeaWoo, ngã tư Nguyễn Chí Thanh - Liễu Giai – Kim Mã. Đây được coi là cây cầu dầm thép rộng nhất cả nước.

Cầu vượt nút giao Deawoo có tổng mức đầu tư 360 tỷ đồng, được xây dựng theo hướng từ đường Nguyễn Chí Thanh – Liễu Giai với 4 làn xe 2 chiều; tổng chiều dài cầu là 484m, mặt cắt ngang 16m.

Sở dĩ đây được coi là cây cầu vượt rộng nhất Việt Nam là vì duy nhất có mặt cắt ngang đường rộng tới 16m với 4 làn xe 2 chiều, cộng với hệ thống vỉa hè, cây xanh chiếu sáng ở bên.
 
Dự án được khởi công ngày 6/2/2013, sau 8 tháng tích cực thi công, công trình đã hoàn thành và được thông xe đưa vào khai thác sử dụng, góp phần giảm ùn tắc giao thông cho các tuyến giao thông phức tạp thông qua nút giao đường Nguyễn Chí Thanh - Kim Mã. 

Như vậy, đây sẽ là cây cầu vượt nhẹ thứ 6 ở nội đô Hà Nội được thông xe và đưa vào sử dụng tại các ngã tư để giải quyết bài toán ùn tắc giao thông sau các cây cầu: Thái Hà - Chùa Bộc, Láng Hạ - Huỳnh Thúc Kháng, Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân....

Theo quy hoạch, từ nay đến 2015, Hà Nội sẽ xây dựng thêm các cây cầu vượt nhẹ tại các nút: Hoàng Quốc Việt - Phạm Văn Đồng, Nguyễn Sơn - Nguyễn Văn Cừ,  đường 69 - Phạm Văn Đồng, Cổ Nhuế - Phạm Văn Đồng…

 Ảnh minh họa

 Tuyến đường Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu, trị giá gần 2 tỷ đồng/ mét được thông xe vào ngày 31/12 vừa qua cũng là công trình được chú ý trong năm qua của Hà Nội. Ảnh: VnE

Trước đó, dịp đầu năm 2013, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã tiến hành thông xe tuyến đường được chờ đợi lâu nhất ở Thủ đô, tuyến Cát Linh-La Thành-Thái Hà-Thái Thịnh-Láng.

Đây là một dự án điển hình về chậm tiến độ do những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, cộng với việc phải thi công trên tuyến mương thoát nước chính của thành phố.

Tuyến đường từ Cát Linh đến đường Láng chỉ dài 3km, chạy theo trục Cát Linh-La Thành-Thái Hà-Thái Thịnh-Láng, khởi công từ năm 2003 nhưng sau 10 năm mới hoàn thành.

Do công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều vướng mắc, thi công kéo dài, nên trước đó đơn vị chủ đầu tư đã phải thông xe đoạn La Thành - Bộ Tư lệnh Thông tin dài khoảng 590m và đoạn La Thành-Võ Văn Dũng dài khoảng 700m để đưa vào phục vụ nhu cầu đi lại của người dân và đến tận cuối tháng 1/2013, sau 10 năm chờ đợi, tuyến này mới hoàn thành và thông xe toàn tuyến.

Mới đây nhất, nhằm phục vụ nhân dân đi lại thuận tiện dịp Tết, ngày 31/12, Hà Nội đã thông xe đoạn đường “đắt nhất hành tinh” - đường vành đai I (Ô Chợ Dừa - Hoàng cầu).

Dự án xây dựng đường vành đai 1, đoạn từ Ô Chợ Dừa đến Hoàng Cầu, được khởi công tháng 4/2010. Đoạn đường dài 547m, rộng 50 m, gồm hai làn đường, mỗi làn rộng 16m, dải phân cách giữa rộng 3m, vỉa hè 7m, đầu tư đồng bộ hệ thống cấp, thoát nước, hào kỹ thuật, chiếu sáng, cây xanh và tổ chức giao thông... với tổng vốn đầu tư lên tới hơn gần 1000 tỷ đồng. 

Được hoàn thành sau gần 4 năm, đoạn đường có mức đầu tư gần 2 tỷ đồng mỗi mét dài được kỳ vọng giúp giải tỏa tình trạng ùn tắc ở nút giao Ô Chợ Dừa trong giờ cao điểm.

Sau khi thông xe tuyến đường này, UBND TP Hà Nội cũng đã có quyết định khởi công xây dựng tuyến đường vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục dài 2,2 km và rộng 50 m vào quý II/2015, thông suốt từ Kim Liên Mới nhằm giảm thiểu lưu lượng phương tiện di chuyển trên các tuyến đường trong giờ cao điểm.

Trên đây chỉ là một số các công trình tiêu biểu Hà Nội đã xây dựng và thông xe vào năm qua. Theo đánh giá sau khi được thông xe và đưa vào sử dụng, các công trình giao thông này đã góp phần giảm ùn tắc cho một số khu vực trên địa bàn Thủ đô và cải thiện hạ tầng giao thông của thành phố. Có một điểm chung giữa các công trình này, đó là đây đều là những công trình được người dân Thủ đô chú ý và chờ đợi nhất trong năm qua.


Xuân Tùng

Ý kiến bạn đọc