(VnMedia) - Không được trang bị những kiến thức cơ bản thoát khỏi đám cháy cho nên khi bất ngờ ở trong một vụ cháy lớn, nhiều người hoảng loạn, co mình trong đám cháy... dẫn đến chết thảm. Vụ cháy lò than ở Quảng Ninh vừa qua là một ví dụ.
Vài năm trở lại đây, trên địa bàn cả nước liên tiếp xảy ra các vụ cháy lớn gây thiệt hại lớn về người và của. Không ít vụ "bà hỏa" cướp đi sinh mạng của hàng chục người. Đáng tiếc có rất nhiều vụ, nạn nhân bị chết cháy do không hiểu biết và không được trang bị những kiến thức căn bản để thoát khỏi vụ cháy.
Điển hình của những vụ không hiểu biết gây chết hàng chục người trong khi cháy xảy ra ở Hải Phòng. Chiều 29/7/1012, một vụ cháy kinh hoảng xảy ra tại một xưởng gia công giày da ở thôn Đại Hoàng, xã Tân Dân, huyện An Lão.
Vụ cháy xảy ra tại xưởng may của ông Bùi Đức Lạng và bà Bùi Thị Sự. Theo người dân địa phương, xưởng may được một người Trung Quốc tên là A Phong (40 tuổi) và vợ là Bùi Thị Hiên thuê. Thời điểm xảy ra hỏa hoạn, trong xưởng may có 44 công nhân đang làm việc.
Khoảng 16 giờ, công nhân phát hiện một đám khói lớn đùn ra từ cửa ra vào của xưởng may. Do xưởng may là một ngôi nhà hình ống và chỉ duy nhất một cửa ra vào nên khi lửa bùng lên thì toàn bộ 44 công nhân đang có mặt đều sợ hãi lui về phía cuối nhà, kêu cứu.
Người dân có mặt tại hiện trường đã tập trung dập lửa bằng mọi cách nhưng không thể cứu số công nhân thoát ra bởi sau lưng họ là bức tường sau cùng. Đám cháy ngày càng bùng phát sâu vào phía cuối xưởng may.
Sau khoảng 15 phút, bức tường kiên cố được phá vỡ. Lúc này đã có nhiều công nhân bị bỏng, ngạt. Người dân đã đưa ngay những người bị ngạt, bỏng nặng đi cấp cứu. Đến 17 giờ, đám cháy được dập tắt.
Sau vụ cháy, chỉ có 6 công nhân thoát ra được khỏi khu xưởng bị cháy vì ở gần cửa lên đã liều mình lao ra ngoài, những công nhân còn do lại không dám chạy ra ngoài mà lùi về phía cuối xưởng thì 13 người thiệt mạng (10 người là nữ, 3 người là nam) và 15 nạn nhân bị thương được đưa đến Bệnh viện Việt - Tiệp, 9 nạn nhân đến Bệnh viện Kiến An và 1 người khác được đưa đến Bệnh viện An Lão.
Một vụ khác cũng tương đối điển hình trong việc không hiểu biết về cháy, nổ dẫn đến chết "oan" xảy ra chiều 19/11/2013 vừa qua khiến 6 người chết trong vụ cháy bar ở Zone 9, Trần Thánh Tông, sát Nhà tang lễ Quốc gia, Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Hiện trường vụ cháy nhà máy Dianna ở Bắc Ninh. Ảnh: Internet |
Hỏa hoạn xảy ra lúc 14h30 khi nhóm thợ 10 người đang cải tạo một khu vực trong Zone 9 để làm quán café. Do bất cẩn, lửa hàn đã bắn vào đống vật liệu thi công có nhiều tấm xốp. Dù lửa chỉ bùng lên dữ dội khoảng 30 phút và được khống chế ngay sau đó, nhưng lượng tấm mút, xốp lớn nên khói đen đặc quánh và rất độc.
Mặc dù thời gian cháy rất ngắn, tuy nhiên do không dám chạy ra ngoài cho nên 2 trong số 10 công nhân chết tại chỗ, 8 người khác được đưa vào viện cấp cứu và 4 người qua đời sau đó....
Làm gì để tránh "chết oan" khi xảy ra cháy lớn?
Trên đây chỉ là 2 trong số hàng chục vụ các nạn nhân bị chết cháy do không hiểu biết. Theo một chuyên gia tâm lý, sở dĩ nhiều người thường bị chết thảm khi xảy ra cháy là do không hiểu biết về phòng cháy, chữa cháy cũng như không được trang bị những kiến thức cơ bản để thoát khỏi "giặc lửa" khi gặp sự cố; cho nên hầu hết mọi người khi xảy ra cháy lớn thường sợ hãi, hoảng loạn, rối trí nên không biết làm gì đành co mình trong đám cháy chờ đợi dẫn đến thiệt mạng.
Tuy nhiên, trên thực tế, đã có không ít vụ cháy khi ở thế "cùng đường" nhiều nạn nhân đã liều mình lao ra ngoài, thậm chí nhảy từ tầng cao xuống dưới đất trốn sự "truy sát" của "giắc lửa" đã giành được sự sống.
Tiêu biểu như, rạng sáng 26/7/2013, tiệm vàng Đức Anh, khu 3, P. Hòn Gai, TP Hạ Long (Quảng Ninh) bất ngờ xảy ra cháy lớn. Khi mở cửa sổ tầng 3, thấy lửa từ tầng hai vẫn bốc lên nghi ngút, khói đen đặc trong nhà nên không thể xuống mở cửa được, anh Đức đã ôm con nhảy từ tầng 3 xuống đất và may mắn thoát chết.
Theo anh Đức kể lại, lúc 3 giờ 30 phút, hai vợ chồng tỉnh giấc thì có mùi khói nồng nặc trong phòng, anh ra mở cửa sổ thì thấy lửa cháy bốc từ biển hiệu lên tầng hai. Anh chạy từ tầng 3 xuống tầng hai thì thấy khói đen đặc bốc lên khiến nghẹt thở, anh liền chạy lên tầng ba gọi vợ và mở cửa sổ để nhảy xuống. “Vì vợ tôi mới sinh con, sức khỏe yếu nên tôi yêu cầu vợ phải nhảy xuống vì ở trong nhà lâu, ngạt khó rất nguy hiểm”, anh Đức kể lại.
Ngay sau khi vợ nhảy xuống và được người dân cứu, anh Đức đã ôm đứa con 6 tháng tuổi vào người và nhảy từ tầng ba qua ngọn lửa đang bốc ngùn ngụt xuống mặt đất. Sau vụ cháy trên, 5 nạn nhân không kịp thoát ra ngoài đã bị "bà hỏa" thiêu cháy.
Hay mới đây nhất, đêm 15/1, trong tình thế đối mặt với cái chết, một người thợ mỏ ở lò than Đồng Vông (Quảng Ninh) đã băng qua đám cháy thoát sang vỉa khác. Hiện sức khỏe anh cũng nguy kịch, trong khi 6 đồng nghiệp khác đã tử vong.
Gần 4 giờ sáng 16/1, chị Hường nhận được tin báo chồng trong tình trạng nguy kịch đã vội bỏ 3 đứa con thơ ở nhà, chạy đến bên chồng. Lúc nhập viện, anh Quyền vẫn còn tỉnh táo đã kể lại toàn bộ vụ tai nạn.
Theo chị Hường, nhóm anh Quyền làm ca ba, bắt đầu từ 23h đến khoảng 4h sáng hôm sau. Như mọi ngày, anh cùng 6 đồng nghiệp vác cọc xuống hầm. Lúc đó nhiệt độ trong hầm hơi nóng hơn mọi ngày nhưng không ai để ý. Càng đi xuống càng nóng, khói và khó thở.
Anh Lực - lò trưởng đi đầu, anh Quyền nối tiếp, mấy người khác theo sau trong đó có Tiệp. Thang xuống dưới hầm thẳng đứng, sâu 200m. Đến khi phát hiện đám cháy thì anh Quyền vứt cọc bỏ chạy, được một đoạn gặp Tiệp cũng đang chạy.
Tiệp rủ anh Quyền leo lên cầu thang nhưng anh gàn vì leo cầu thang mệt sức, vài người đang mắc kẹt, đó lại là nơi hút khí độc càng nguy hiểm. Thế là hai người bàn nhau chạy xiên sang vỉa khác để thoát. Hầm tối om, khói mù mịt, ban đầu Tiệp chạy trước, gần ra đến cửa thì kiệt sức, không thở được rồi ngã ở rãnh nước. Anh Quyền cũng kiệt sức, ôm cây cột nhìn đám lửa trước mặt. Tuy nhiên, đây là đường sống duy nhất của anh bởi nếu vượt qua đám cháy sẽ sang được vỉa khác.
"Trong tình thế đối diện với cái chết, anh ấy bảo rằng đã nghĩ đến vợ và 3 đứa con nên liều mình băng qua đám lửa thoát ra ngoài. Khoảng hơn 1h sáng anh được đưa đi cấp cứu. Buổi sáng vẫn còn nói tỉnh táo nhưng đầu giờ chiều sức khỏe trở nguy, phải thở máy", chị Hường nghẹn giọng.
Ý kiến bạn đọc