Vụ chặt tay cướp SH: Người mẹ đáng trách?!

08:01, 28/12/2013
|

(VnMedia) - “Nhân chi sơ tính bản thiện”, đứa trẻ nào sinh khi ra đời cũng đều là những thiên thần. Thế nhưng, khi lớn lên, nhiều người đã trở thành ác thú. Góp phần không nhỏ trong những kết cục đau lòng, có không ít “công lao” của các bà mẹ…

Ảnh minh họa

Người mẹ này, trong khi đau đớn vì con mình bị tuyên tử hình, lại "hối hận" vì không mang dao chém chết con người khác. Câu nói "ai biểu mang hột xoàn làm chi cho nó chém" của bà đã khiến dư luận dậy sóng.


Những ngày này, dư luận đặc biệt quan tâm tới phát ngôn của một bà mẹ tại phiên tòa xử con mình. Khi biết “cậu ấm” bị xử tử, người mẹ này đã như điên dại, gào thét: “Ai kêu đeo hột xoàn, đi xe tay ga làm chi cho nó cướp?”…
 
Câu nói đã thực sự gây nên một cơn sốt trên mạng xã hội, trong đó phần lớn các ý kiến đều nói rằng, tội lỗi mà đứa con gây ra ngày hôm nay được hình thành từ chính tư duy và cách dạy con của người mẹ đó.
 
Cảm giác, nỗi đau khi biết rằng mình sẽ mất đi một người thân, đặc biệt là mất đi đứa con mà mình rứt ruột đẻ ra thì không ai có thể hiểu hết được. Tuy nhiên, lời kêu gào của bà mẹ và những hành động gây náo loạn của bà ta trong phiên tòa đã cho thấy, kẻ vừa bị tuyên án tử hình vì đã có những hành động cực kỳ tàn nhẫn trong khi tiến hành các vụ cướp, đã lớn lên trong một môi trường không phân biệt được đâu là cái ác, đâu là cái thiện.
 
Với một người mẹ, ngay tại tòa án còn “hối hận” vì không mang dao chém chết nạn nhân của con mình, thì làm sao Trúc có thể lớn lên trở thành một con người có nhân tâm?
 
Các cụ xưa có câu: “phúc đức tại mẫu", "con hư tại mẹ…”, những câu nói này không hẳn đúng 100% trong mọi trường hợp, nhưng với tội phạm Hồ Duy Trúc, ai cũng dễ dàng nhận thấy cái thuyết “nhân - quả” đã rất linh nghiệm.
 
Người ta vẫn nói rằng, người mẹ nào cũng mong con mình lớn lên thành người tử tế, nhưng với mẹ của Hồ Duy Trúc, có lẽ bà ta chỉ mong con mình trở thành một tên cướp khét tiếng mà thôi. Và với những người mẹ như vậy, lẽ ra, họ nên chuẩn bị sẵn tư tưởng rằng, không phải bây giờ thì một lúc nào đó, con của họ cũng sẽ bị pháp luật trừng trị.
 
Mới đây, thân nhân của một bệnh nhân nằm điều trị tại bệnh viện TN (Hà Nội) kể lại trường hợp một cậu bé 17 tuổi đã phải vào cấp cứu tại bệnh viện này do bị một nhóm giang hồ chém trọng thương. Mẹ của “bệnh nhi” này, chỉ khoảng hơn 30 tuổi, hồn nhiên kể: "Lúc nghe điện thoại gọi tưởng đứa nào, hóa ra thằng cu nhà mình bị chém!". Rồi chị ta tranh thủ khoe khoang những phi vụ xiết nợ kinh hoàng…
 
Trong mấy ngày “cậu ấm” này nằm viện, cả bố mẹ, bà nội và “bạn hữu”, gần một chục người kéo nhau vào “nghỉ dưỡng” luôn trong căn phòng dịch vụ. Họ ăn uống, nô đùa hò hét, đuổi nhau chạy rình rịch quanh phòng suốt đêm. Thậm chí có cả một đôi trai gái ôm nhau ngủ đêm luôn trên chiếc ghế sofa của bệnh viện, mặc cho những bệnh nhân khác cùng phòng khó chịu nhưng không dám hé răng phàn nàn. “Có điều gì không bằng lòng hay gọi mà y tá chưa kịp đến là cả nhà họ chửi bới ầm ĩ. Họ còn kéo cả giường bệnh vào giữa phòng, quây cùng sofa để chơi bời” - một người chứng kiến mấy ngày “quý tử” này nằm viện kể lại rồi thêm rằng: “Bố mẹ hành xử như thế thì mất con lúc nào không biết!”.
 
Trên thực tế, có rất nhiều vụ án đã xảy ra, mà nguyên nhân là do những người làm cha, làm mẹ không kiềm chế được bản thân, lôi kéo con mình vào đường phạm tội. Đã có nhiều vụ việc, xuất phát từ mâu thuẫn cá nhân với hàng xóm, đồng nghiệp… họ đã gọi con cái đến giúp cha mẹ “xử lý”, và kết cục, người thì mất mạng, kẻ phải đi tù. Đến lúc đó, họ có hối hận cũng đã muộn rồi.
 
Cái ác phải bị trừng trị, Trúc đã gây ra biết bao tội lỗi và án tử hình đối với Trúc được nhiều người cho là xứng đáng. Tuy nhiên, xét sâu xa về nguồn gốc của tội lỗi, cậu thanh niên 20 tuổi này cũng thật đáng thương. Nếu được sinh ra trong một gia đình tử tế, được bố mẹ chỉ cho biết đâu là phải, đâu là trái, được dạy dỗ về đạo làm người, có lẽ cuộc đời Trúc đã không đi kết kết cục bi thảm như ngày hôm nay.
 
Có câu chuyển kể lại rằng, khi một phạm nhân khét tiếng tàn ác được một quản giáo tâm sự, chia sẻ về đạo làm người, rằng không ai có quyền tước đi mạng sống của người khác… đã bật khóc mà nói rằng, “giá như cháu được gặp chú sớm hơn. Đời cháu chưa bao giờ được nghe nói về đạo làm người phải như thế nào. Cháu chỉ biết, khi cần thì chém, giết mà thôi. Cháu luôn có lý do để giết người”.
 
Xã hội sẽ chẳng sung sướng gì khi biết một con người sẽ bị tước đi mạng sống, cho dù đó là một trùm băng cướp dã man. Nhưng pháp luật phải nghiêm minh, và kẻ ác phải đền tội cho những đau thương, mất mát mà chúng đã reo rắc cho bao nhiêu con người lương thiện. Chỉ mong rằng, những bản án như vậy sẽ phần nào thức tỉnh được những người phụ nữ, khi họ coi con mình là bảo bối, nhưng lại sẵn sàng để chúng cướp đi sinh mạng của con cái những người mẹ khác.


Tuấn Nghĩa

Ý kiến bạn đọc