(VnMedia) - Sáng 5/12, Bí thư Huyện ủy Từ Liêm cho biết, Đề án điều chỉnh địa giới hành chính huyện Từ Liêm để thành lập 2 quận và 23 phường mới đã được chuẩn bị cách đây 7 năm. Quá trình lấy ý kiến, có tới 90,5% người dân đồng ý về tên gọi hai quận mới.
>>“Đặt tên quận là Bắc và Nam Từ Liêm để tri ân cha, ông”
>>Chi tiết lập 23 phường mới của hai quận Từ Liêm
>>Hà Nội thêm 2 quận mới Bắc và Nam Từ Liêm
Sáng 5/12, Hội đồng Nhân dân huyện Từ Liêm đã họp bất thường kỳ họp thứ 8, khóa XVIII, nhiệm kỳ 2011-2016 thông qua Đề án điều chỉnh địa giới hành chính để thành lập 2 quận và 23 phường mới.
Tại cuộc họp ông Lê Văn Thư, Bí thư huyện cho biết, Đề án điều chỉnh địa giới hành chính huyện Từ Liêm để thành lập 2 quận và 23 phường mới đã được chuẩn bị cách đây 7 năm. Tuy nhiên, sau đó bị gián đoạn do thành phố có một số sự kiện lớn.
Tiếp đó, ông Bí thư Huyện ủy Từ Liêm khái quát một số thế mạnh của huyện để tách ra thành 2 quận và cho rằng đến nay điều kiện để thành lập 2 quận mới đã chín muồi.
Đề cập đến tên gọi của 2 quận mới, ông Bí thư Huyện ủy Từ Liêm cho biết, tên gọi Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm được người dân đồng tình cao.
Cụ thể, trong tổng số 87.766 hộ dân đang sinh sống trên địa bàn, huyện này đã tổ chức 206 hội nghị và đã mời 87.655 hộ đến lấy ý kiến và đã có 72.406 đại biểu dự hội nghị và có ý kiến.
|
Trụ sở HĐND - UBND huyện Từ Liêm. |
Số hộ nhất trí với đề án về tách huyện để thành lập 2 quận mới với 23 phường là 72.330 (bằng 99,9%). Chỉ có 0,1% số hộ được hỏi ý kiến không đồng ý với đề án (tương đương với 76 người).
“Với tên gọi 2 quận mới là Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm có 65.473 ý kiến đồng ý (bằng 90,5%); còn lại 0,5% không đồng ý và đề xuất 24 tên khác. Tên phường có 12/16 xã, thị trấn đồng ý với tên trong dự án”, ông Bí thư Huyện ủy Từ Liêm cho biết.
Tại cuộc họp, sau khi nghe UBND huyện trình bày báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến nhân dân về Đề án điều chỉnh địa giới hành chính huyện Từ Liêm để thành lập 2 quận và 23 phường mới; Thường trực HĐND huyện báo cáo kết quả tổ chức kỳ họp bất thường HĐND các xã, thị trấn và báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế… các đại biểu HĐND huyện Từ Liêm đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về điều chỉnh địa giới hành chính huyện.
Theo đó, có 32/33 đại biểu có mặt đồng ý với Đề án điều chỉnh địa giới hành chính huyện Từ Liêm để thành lập 2 quận và 23 phường mới do UBND huyện đưa ra. Chỉ có 1 đại biểu duy nhất không tán thành với lý do không đồng ý về việc tách thành 2 quận.
Như vậy, Đề án điều chỉnh địa giới hành chính huyện Từ Liêm để tách thành 2 quận và 23 phường mới đã được HĐND huyện Từ Liêm thông qua với sự nhất trí cao.
|
Bản đồ dự kiến điều chỉnh địa giới hành chính huyện Từ Liêm (Hà Nội). |
Theo Đề án điều chỉnh địa giới hành chính được HĐND huyện Từ Liêm vừa thông qua sáng nay, huyện này sẽ tách thành 2 quận và 23 phường. Trong đó, quận Bắc Từ Liêm bao gồm phần đất ở phía bắc của huyện với dân số hơn 319.000 người, diện tích hơn 4.335 ha, mật độ dân số 7.377 người/km2.
Phía bắc của "Bắc Từ Liêm" giáp huyện Đông Anh, phía nam giáp quận "Nam Từ Liêm"; phía đông giáp quận Cầu Giấy, Tây Hồ; phía tây giáp huyện Hoài Đức, Đan Phương. Trụ sở của quận rộng khoảng 20 ha, ở khu đất nông nghiệp xã Minh Khai.
Địa giới hành chính của quận bao gồm toàn bộ diện tích trong địa giới hành chính của 9 xã Thượng Cát, Tây Tựu, Liên Mạc, Thụy Phương, Đông Ngạc, Xuân Đỉnh, Phú Diễn, Minh Khai, Cổ Nhuế và phần đất thị trấn Cầu Diễn phía Tây sông Nhuệ.
Sau khi lập quận mới, các xã sẽ được tách ra làm 13 phường: Thượng Cát; Tây Tựu; Liên Mạc; Thụy Phương; Đông Ngạc; Đức Thắng; Xuân Đỉnh; Xuân Tảo; Phú Diễn; Phúc Diễn; Minh Khai; Cổ Nhuế 1; Cổ Nhuế 2.
Còn quận "Nam Từ Liêm" có dân số hơn 233.000 người, diện tích hơn 3.227 ha, mật độ dân số 7.234 người/km2. Phía bắc giáp quận "Bắc Từ Liêm", phía nam giáp quận Hà Đông, phía đông giáp quận Cầu Giấy và Thanh Xuân, phía tây giáp huyện Hoài Đức. Trụ sở làm việc sẽ sử dụng toàn bộ khu liên cơ quan rộng 4 ha của huyện Từ Liêm đang sử dụng.
Quận "Nam Từ Liêm" sẽ bao gồm toàn bộ diện tích trong địa giới hành chính xã Mễ Trì, Mỹ Đình, Trung Văn, Tây Mỗ, Đại Mỗ và phần lớn diện tích tự nhiên xã Xuân Phương (phía nam quốc lộ 32) và phần đất thị trấn Cầu Diễn (phía nam quốc lộ 32).
Dự kiến, "Nam Từ Liêm" sẽ có 10 phường: Mễ Trì; Trung Văn; Tây Mỗ; Đại Mỗ; Phú Đô; Mỹ Đình 1; Mỹ Đình 2; Cầu Diễn; Phương Canh; Xuân Phương.
Ý kiến bạn đọc