Quản lý An toàn vệ sinh thực phẩm:: “Hà Nội không có Sở nào yếu kém!”

10:55, 06/12/2013
|

(VnMedia) - Trong khi các đại biểu cho biết cử tri hoang mang, lo lắng về tình trạng mất ATVSTP có thể làm gia tăng bệnh ung thư, vô sinh,... thì đại diện Thành phố khẳng định, công tác ATVSTP ở Hà Nội được làm tốt và “không có sở nào quản lý yếu kém”.
 
Trả lời chất vấn của đại biểu HĐND về công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm, Giám đốc Sở Y tế khẳng định Hà Nội đã làm tốt hơn các địa phương khác và “không có Sở nào yếu kém”…
 
Chiều qua (5/12), sau khi chất vấn về vấn đề quản lý đất đai, các đại biểu HĐND thành phố Hà Nội tiếp tục phiên chất vấn với các vấn đề dân sinh, an toàn vệ sinh thực phẩm… Đây cũng là một vấn đề được cử tri và các đại biểu đặc biệt quan tâm, lo ngại bởi tình trạng thực phẩm không rõ nguồn gốc, quá thời hạn sử dụng đang ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân.
 
Đại biểu lo ung thư, vô sinh gia tăng 
 
Là người đặt câu hỏi đầu tiên, đại biểu Bùi Đức Hiếu nêu lên thực trạng trẻ nhỏ uống sữa nhập không được dán tem, kiểm định nhập ngoại, học sinh ăn quà ngoài cổng trường với thực phẩm nhiều mầu mè, không rõ nguồn gốc, mất vệ sinh nhưng không ai kiểm dịch và quản lý… thức ăn hàng ngày như rau, hoa quả, thịt cá… có nhiều loại bị nhiễm thuốc tăng trọng, thuốc kích thích… người già thì sử dụng thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc…
 
“Thực trạng trên khiến ngày càng có nhiều người bị mắc bệnh ung thư, vô sinh, hoặc những bệnh khó chữa trị xuất phát từ ăn uống. Tất cả tình trạng trên đã, đang và sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người dân trước mắt và lâu dài. Vậy đề nghị của UBND TP cho biết trách nhiệm của mình để giảm nỗi lo của người dân về vấn đề ATVSTP” – đại biểu Bùi Đức Hiếu đặt câu hỏi.
 
Theo đại biểu Hiếu, VSATTP có trách nhiệm của 3 sở: Nông nghiệp (sản xuất), Công thương (lưu thong), Y tế (chế biến), song người dân lại rất tin tưởng vào quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là truyền hình.
 
“Quảng cáo cái gì là nhân dân đi mua cái đó và tin dùng. Vậy trách nhiệm của Sở TT&TT như thế nào khi để các đơn vị đăng tải những thực phẩm chức năng, thuốc không đúng chất lượng, ảnh hưởng đến người dân.” – đại biểu Hải tiếp tục chất vấn.
 
Tiếp theo đại biểu Hiếu, đại biểu Đỗ Trung Hai cũng nêu: Tại nhiệm kỳ trước vấn đề VSATTP đã được đưa ra chất vấn, từ đó đến nay đã có chuyển biến nhất định nhưng chưa đạt kết quả, dân chưa yên tâm. “Đđể nghị UBND làm rõ Ban chỉ đạo làm có hiệu quả không? Những yếu kém trong quản lý nhà nước về ATVSTP thì trách nhiệm của Ban chỉ đạo như thế nào?” – đại biểu Đỗ Trung Hai nói.
 
Quan tâm đến nguồn gốc từ Trung Quốc được bày bán tràn lan ở chợ dân sinh có thể gây ung thư, đại biểu Phạm Xuân Tài đặt câu hỏi: “UBND đã tổ chức kiểm nghiệm, công bố về các loại trái cây này chưa? Chợ đầu mối hoa quả Long Biên bán khối lượng lớn vào nửa đêm, chuyển đi khắp thành phố, phương thức quản lý chợ  này như thế nào, Thành phố có đảm bảo đảm hoa quả từ chợ Long Biên đi các nơi trong thành phố là an toàn hay không?”…
 
Với yêu cầu việc công khai, minh bạch thông tin, đại biểu Nguyễn Thị Thùy, Trưởng Ban Văn hóa - xã hội cho biết, trước Tết Nguyên Đán Quý Tỵ, Ban Văn Hóa – Xã hội có kiến nghị với Ban Chỉ đạo ATVSTP lập một chuyên trang về ATVSTP, trong đó công khai địa chỉ của các tổ chức cá nhân này, nội dung sai phạm… để người dân biết, nhận diện và tránh vì đây là một giải pháp hữu hiệu. “Vậy Ban Chỉ đạo có tiếp thu nội dung này không? Kết quả ra sao? Tất cả sản phẩm ở các tỉnh và ở nước ngoài đều bán ở Thủ đô, được kiểm soát như thế nào?” – bà Thùy đặt câu hỏi.

Thành phố bảo: “Hà Nội đã làm tốt, không có sở nào yếu kém”
 
Là người đầu tiên đại điện trả lời các câu hỏi trên, GĐ Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền cho rằng, hoạt động công tác ATVSTP của Thành phố, dưới sự chỉ đạo của Trưởng ban là Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Bích Ngọc, đã hoạt động rất tích cực. “Công tác VSATTP của Thành phố là một trong những tỉnh, thành phố được đánh giá cao, trong nhiều năm không có vụ ngộ độc nào lớn mà chỉ có 2 vụ ngộ độc nhỏ có tính chất gia đình (một vụ 23 người và một vụ 8 người).” – ông Hiền mở đầu phần trả lời chất vấn như vậy.
 
Liên quan đến y tế trường học (thức ăn bán quanh trường học), ông Hiền cho biết Sở Y tế “rất quan tâm” và đã phối hợp với các quận huyện chỉ đạo, đảm bảo ATTP, khuyến cáo phụ huynh học sinh…
 
Về việc công khai thông tin trên chuyên trang, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cũng cho biết, đã phối hợp với các báo đài của Hà Nội, trang web của Sở Y tế (hàng trăm tin bài)…
 
Ông Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, dù thừa nhận là vẫn còn tồn tại, nhưng vẫn khẳng định: “Các ngành đã rất tích cực, kể cả Công thương, Nông nghiệp…” và “không có ngành nào yếu kém”. Những tồn tại, chưa đáp ứng được yêu cầu, theo ông Hiền, là do “nhiệm vụ rất lớn”.
 
Không hài lòng với phần trả lời này, đại biểu Nguyễn Thị Thùy tái chất vấn: “Giám đốc Sở Y tế trả lời chưa rõ. Tôi muốn hỏi đã công khai địa chỉ vi phạm chưa, để dân còn biết?”.
 
“Chia lửa” với Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Sở Công Thương Lê Hồng Thăng cũng trả lời chung chung rằng, Thành phố đã có các đội liên ngành kiểm tra chợ đầu mối, hoạt động theo chu kỳ thời gian hoạt động của các chợ “rất tích cực và có trách nhiệm”.
 
 “ATVSTP giờ là quốc nạn. Phải có sự chung tay góp sức của toàn xã hội mới có thể dần đi vào quy củ. Nếu cử tri có thông tin về địa chỉ vi phạm, cần gửi ngay tới cơ quan chức năng để chúng tôi xử lý kịp thời...” – ông Thăng đề nghị.
 
Giám đốc Sở Công thương cũng cho biết, trong năm qua đã xử lý 1209 vụ, phạt hành chính hơn 5 tỷ đồng, số hàng tiêu hủy trị giá trên 10 tỷ đồng, trong đó thịt gia cầm là hơn 3 tấn, hàng trăm nghìn quả trứng...


Ngọc Quỳnh

Ý kiến bạn đọc