(VnMedia) - Trả lời câu hỏi của phóng viên trong buổi họp báo ngay sau khi bế mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 13, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, thông tin Quốc hội họp mỗi ngày tốn 1 tỷ đồng là không có cơ sở.
Cuối giờ chiều qua (29/11), tại buổi họp báo sau khi Quốc hội họp phiên bế mạc, một số phóng viên đã quan tâm đến số tiền được chi phí cho các cuộc họp Quốc hội, trong đó đặc biệt là thông tin về con số “1 tỷ đồng mỗi ngày họp” mà đại biểu đã đưa ra trong một phiên họp trước đó.
Trả lời những câu hỏi này, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, nói như vậy là không có cơ sở. "Hội trường do Bộ Quốc phòng cho mượn không thu kinh phí, các chiến sĩ phục vụ Quốc hội cũng hoàn toàn là sự hỗ trợ. Quốc hội chỉ chi phí cho đại biểu về họp các khoản ăn và ở khách sạn trong điều kiện chưa có chỗ ở tập trung, đại biểu phải ở và họp tổ rải rác ở nhiều địa điểm rất khó khăn", ông Phúc giải thích.
Về con số cụ thể, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết mỗi kỳ có chi phí khác nhau và sẽ “thông tin sau”.
Về thông tin có thể giảm thời gian họp Quốc hội xuống 5-6 ngày, ông Phúc cho biết, Kỳ họp thứ 6 phải kéo dài thời gian làm việc hơn so với những kỳ họp khác là do khối lượng công việc của Kỳ họp nhiều hơn đòi hỏi phải đảm bảo đủ thời gian để các đại biểu Quốc hội nghiên cứu tài liệu, xem xét quyết định các nội dung nghị sự.
Liên quan đến câu hỏi về tên gọi chính thức Hiến pháp vừa được sửa đổi và thông qua, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chỉ có một bản Hiến pháp. Khi bản Hiến pháp mới có hiệu lực thì tất cả những bản Hiến pháp trước đó đều vô hiệu. Do vậy, tên gọi của bản Hiến pháp này chỉ là Hiến pháp.
Cũng theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, thông qua Hiến pháp sửa đổi là công việc cần thiết nhưng để đưa Hiến pháp vào cuộc sống cũng là việc làm hết sức hệ trọng. Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ sớm xây dựng Kế hoạch triển khai Hiến pháp để từng cấp, ngành, địa phương tổ chức thực hiện. Những công việc cần ưu tiên triển khai Hiến pháp là rà soát lại tất cả văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành trước đến nay, nhất là các luật về tổ chức để đảm bảo tính hợp Hiến của luật.
Về việc lựa chọn đăng đàn trả lời chất vấn, một số phóng viên cho biết có một số đại biểu vẫn phàn nàn về việc có Bộ trưởng đã trả lời chất vấn nhiều lần, vấn đề lại không quá nóng (Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Cao Đức Phát), thì lại được chọn để trả lời tiếp trong lần này, trong khi những Bộ trưởng đang được dư luận, cử tri đặc biệt quan tâm như Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thì lại không được chọn. Trước câu hỏi này, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, việc chọn Bộ trưởng trả lời được thực hiện đúng theo quy định, gần như dựa hoàn toàn vào số lượng phiêu đặt câu hỏi của các đại biểu.
“Trước phiên chất vấn, văn phòng Quốc hội đã phát phiếu xin ý kiến đại biểu về chất vấn. Việc lựa chọn Bộ trưởng sẽ dựa vào tỷ lệ câu hỏi nhận được từ các đại biểu, được ưu tiên thứ tự từ cao đến thấp. Ngoài ra việc lựa chọn còn dựa vào những vấn đề bức xúc trong xã hội đang được quan tâm và cũng ưu tiên Bộ trưởng chưa đăng đàn bao giờ.” – ông Nguyễn Hạnh Phúc nói.
Riêng về Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, ông Phúc cho biết, Bộ trưởng Tiến chỉ nhận được 28 câu hỏi chất vấn từ đại biểu, trong khi các Bộ trưởng khác nhận được ít nhất 100 câu hỏi.
Ông cũng cho biết, có Bộ trưởng không nhận được phiếu đặt câu hỏi nào, đó là trường hợp của Bộ trưởng Giàng Seo Phử.
Liên quan đến luật Đất đai, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quanggiải thích, cơ quan soạn thảo đã sửa tên Điều 62 quy định về thu hồi đất phục vụ dự án phát triển kinh tế xã hội trong bản dự thảo trình Quốc hội thông qua theo hướng đảo nội dung “thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội” lên trước, đưa cụm từ “vì lợi ích quốc gia, công cộng” xuống vế sau như một điều kiện ràng buộc. Còn về nội dung thì về cơ bản vẫn giữ nguyên như trước.
Xuân Hưng
Ý kiến bạn đọc