Khởi công xây dựng đường Hồ Chí Minh với 4 làn xe

20:58, 23/12/2013
|

(VnMedia) - Dự án được phân kỳ xây dựng thành 2 giai đoạn: giai đoạn 1 đầu tư 2 làn xe; giai đoạn 2 hoàn thành quy mô đường cao tốc 4 làn xe. Trong đó, tuyến cao tốc dài khoảng 77,6 km.

Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức khởi công xây dựng dự án đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan theo hình thức Xây dựng - Chuyển giao (BT). Dự án có tổng mức đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng.
 
Dự án này được phân kỳ xây dựng thành 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 đầu tư 2 làn xe; giai đoạn 2 hoàn thành quy mô đường cao tốc 4 làn xe. Trong đó, tuyến cao tốc dài khoảng 77,6 km có điểm đầu là đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan giao với thị trấn La Sơn, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế và điểm cuối ở thị tứ Túy Loan, Thành phố Đà Nẵng. 
 
Tổng mức đầu tư cho dự án đường Hồ Chí Minh đoạn qua La Sơn - Túy Loan là khoảng gần 11.500.000 triệu đồng. Dự kiến, dự án được hoàn thành vào năm 2016. 
 
Công ty TNHH Đầu tư BT Cam Lộ - Túy Loan là nhà đầu tư dự án đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (BT). 

 Ảnh minh họa

Đường Hồ Chí Minh đã hoàn thành đoạn chạy qua một số tỉnh phía Bắc.

 
Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan nằm trong khuôn khổ dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh, được Quốc hội Khóa XI, Kỳ họp thứ 6 thông qua Nghị quyết số 38/2004/QH11 ngày 3/12/2004 về chủ trương là công trình quan trọng quốc gia và được Quốc hội Khóa XIII, Kỳ họp thứ 6 thông qua Nghị quyết số 66/2013/QH 13 ngày 29/11/2013 về điều chỉnh một số nội dung và giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 38/2004/QH11 của Quốc hội.
 
Dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh cũng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể tại Quyết định số 242/QĐ-TTg ngày 15/2/2007 và Quy hoạch chi tiết tại Quyết định số 194/QĐ-TTg ngày 15/2/2012.
 
Theo đó, phạm vi quy hoạch đường Hồ Chí Minh đi qua địa phận 28 tỉnh, thành phố với tổng chiều dài toàn tuyến 3.183 km (trong đó tuyến chính dài 2.499 km, tuyến nhánh phía Tây dài 684 km). Điểm đầu của tuyến đường là Pác Bó thuộc tỉnh Cao Bằng và điểm cuối là Đất Mũi thuộc tỉnh Cà Mau. 
 
Dự án đường Hồ Chí Minh được phân kỳ thành 3 giai đoạn đầu tư xây dựng, gồm: giai đoạn 1 từ năm 2000 đến năm 2007 đầu tư hoàn chỉnh với quy mô 2 làn xe, bao gồm cả kiên cố hoá và chống sạt lở đoạn từ Hoà Lạc - Hà Nội đến Tân Cảnh - Kon Tum.

Giai đoạn 2 từ năm 2007 đến năm 2020: Nối thông toàn tuyến với quy mô 2 làn xe từ điểm đầu Pác Bó - Cao Bằng đến điểm cuối Đất Mũi - Cà Mau. Giai đoạn 3 từ sau năm 2020: Nâng cấp các đoạn tuyến theo tiêu chuẩn đường cao tốc phù hợp với quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam.
 
Do tính chất quan trọng và ý nghĩa chiến lược của tuyến đường Hồ Chí Minh, trong điều kiện khó khăn về nguồn vốn, Chính phủ đã cho phép huy động các nguồn vốn khác ngoài ngân sách Nhà nước để đầu tư xây dựng nối thông đường Hồ Chí Minh. Đồng thời Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết cho phép phát hành trái phiếu để đầu tư xây dựng đồng bộ đường Hồ Chí Minh tại khu vực Tây Nguyên và cả khu vực Năm Căn - Đất Mũi tỉnh Cà Mau.

Riêng đối với đoạn Cam Lộ - Túy Loan (thuộc tuyến chính của đường Hồ Chí Minh), Chính phủ đã chấp thuận đầu tư theo hình thức hợp đồng BT (Xây dựng - Chuyển giao). Hiện tại đoạn Cam Lộ - Túy Loan được tách thành 2 dự án thành phần gồm: Cam Lộ - La Sơn (dài khoảng 103 Km, TMĐT khoảng 14 ngàn tỷ đồng) và La Sơn - Túy Loan (dài khoảng 83 Km, TMĐT khoảng 12 ngàn tỷ đồng).
 
Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh được khởi công ngày 5/4/2000 tại địa phận Xuân Sơn, tỉnh Quảng Bình. Đến nay, sau hơn 13 năm xây dựng, dự án đã hoàn thành giai đoạn 1 với việc đưa vào sử dụng, khai thác một tuyến đường dài hơn 1.350 Km từ Hoà Lạc - Hà Nội đến Tân Cảnh - Kon Tum. Giai đoạn 2 của dự án đang tiếp tục được triển khai xây dựng và đã hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng một số đoạn tuyến tại Cao Bằng, Phú Thọ, Tây Nguyên, Đồng Tháp, Cà Mau ...
 
Theo đánh giá của Bộ Giao thông vận tải, việc đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan nhằm hoàn thiện một phần tuyến chính của đường Hồ Chí Minh, kết nối với tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và hòa nhập vào tuyến đường Xuyên Á; góp phần từng bước hoàn thiện hệ thống đường cao tốc Việt Nam. Sau khi hoàn thành, công trình giao thông này sẽ phá thế độc đạo của tuyến đường bộ qua hầm Hải Vân, giải quyết ngập lụt và sự cố trên QL1A.
 
Đây là dự án giao thông có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của 2 tỉnh Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng nói riêng và cả khu vực miền Trung, Tây Nguyên nói chung. 


Vạn Xuân

Ý kiến bạn đọc