(VnMedia) - Lựa chọn nghề nghiệp không đơn giản là tìm một cách mưu sinh mà quan trọng hơn, nếu lựa chọn đúng, bạn trẻ có cơ hội được làm điều mà mình yêu thích, cơ hội thành công cũng cao hơn và đặc biệt, được sống một cuộc đời hạnh phúc, ngay cả khi bạn chỉ là một người thợ.
Ngược lại, chọn một nghề nghiệp không đúng với sở thích, sở trường của mình, bạn có nguy cơ phải làm việc một cách chật vật và sống một cuộc đời đau khổ, cho dù bạn có được đủ mọi loại bằng cấp hoặc có thể kiếm được rất, rất nhiều tiền.
Đây là thông điệp mà các diễn giả muốn truyền tải tới các bạn thanh niên đến từ các vùng nông thôn ngoại thành Hà Nội trong chương trình “Ngày hội Hướng nghiệp Thanh niên Hà Nội”, tổ chức vào sáng 28/12, tại Trường Cao đẳng nghề Cơ điện Hà Nội.
Chương trình do Hiệp Hội Internet Việt Nam và Tổ chức lao động quốc tế (ILO) tổ chức.
Các diễn giả trong Ngày hội hướng nghiệp thanh niên Hà Nội |
Tham dự chương trình bà Đinh Phương Thảo - Điều phối viên dự án Quốc gia của ILO cho biết, kỹ năng không phù hợp trên thị trường lao động trẻ của Việt Nam đã trở thành xu hướng phổ biến, bao gồm cả vấn đề học quá cao và đào tạo kỹ năng quá cao song song tồn tại cùng vấn đề học tập và trang bị kỹ năng chuyên môn chưa đáp ứng yêu cầu.
“Không phải chỉ có học đại học thì mới có nghề nghiệp tốt. Chọn nghề phải dựa vào sở thích và năng lực của bản thân các bạn và cha mẹ nên là người tư vấn, không phải ra quyết định hướng nghiệp cho con.” – bà Đinh Phương Thảo nói.
Nói chuyện với các em, diễn giả Hoàng Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Viễn thông FPT chia sẻ: “Sự học kéo dài cả đời. Nếu bây giờ các em không vào đại học nhưng vẫn ước mơ được học đại học thì cơ hội của các em còn trong suốt 40 năm nữa. Đại học là một điều kiện rất tốt, nhưng bây giờ các em chưa có cơ hội thì hãy dành thời gian để làm những công việc phù hợp với năng lực và sở thích của mình. Sau đó, khi có điều kiện, các em quay trở lại vẫn với giảng đường đại học vẫn chưa muộn.”
Diễn giả Đỗ Văn Dũng chia sẻ những kinh nghiệm quý báu trong việc lựa chọn nghề nghiệp |
Đặt câu hỏi cho các em rằng, “chọn nghề hay chọn điều mình yêu thích”, rồi diễn giả Hoàng Trung Kiên lại tự giải thích: Ngay cả chọn điều mà mình tưởng rằng thích bây giờ, nhưng chưa chắc đó đã phải là điều mà mình thực sự thích. Cũng như chuyện tình cảm, sở thích có thể thay đổi, biến chuyển trong mỗi giai đoạn khác nhau của cuộc đời. Vì vậy, ông Kiên khuyên các bạn trẻ, trước mắt hãy làm những gì phù hợp với khả năng, điều kiện và quan trọng là làm với tất cả sự đam mê của mình.
Trong Ngày hội Hướng nghiệp, các bạn trẻ còn có một may mắn được gặp và nghe lời chia sẻ từ diễn giả Đỗ Văn Dũng – Chủ tịch HĐQT Kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Liên Minh Giáo Dục Masterlife, người đã cùng với các đồng nghiệp từng chia sẻ với số lượng lên tới gần 60.000 người, giúp họ có sự phát triển về tư duy, tăng trưởng về sự nghiệp và gặt hái được nhiều thành công trong cuộc sống.
Các bạn trẻ hào hứng tham gia Ngày hội hướng nghiệp thanh niên Hà Nội |
Mở đầu bài nói chuyện, diễn giả Đỗ Văn Dũng khẳng định: Ngày nay, nhiều người, thậm chí nhiều tổ chức không biết mình sẽ đi đến đâu bởi vì bản thân họ chưa từng đặt ra một cái đích đến cho bản thân mình. Và anh nói: “Bằng cấp không phải là đích đến. Tôi tốt nghiệp ngành kinh tế, nhưng chưa từng dùng đến tấm bằng, chưa từng dùng bằng cấp để đi xin việc. Đích đến cũng không phải công việc và tiền bạc cũng không phải là đích đến của cuộc sống. Bởi vì nếu những thứ đó là đích đến, thì khi đạt được nó, mọi người sẽ phải rất hạnh phúc và viên mãn. Nhưng trên thực tế, nhiều người có bằng cấp, có công việc, thậm chí có rất, rất nhiều tiền nhưng vẫn rất đau khổ. Vì vậy, bằng cấp, công việc hay tiền bạc cũng chỉ là phương tiện”.
Bằng kinh nghiệm của bản thân mình khi đã trải qua nhiều năm du học để rồi trở về làm một công việc mà theo anh, “Chỉ cần tự học trong 3 tháng”, diễn giả Đỗ Văn Dũng đã chân thành khuyên các bạn trẻ: “Bạn đừng bao giờ chọn bừa một trường học nào đó vì cho rằng nó sẽ mang lại cho bạn một nghề tốt, kiếm được nhiều tiền… bởi bạn sẽ đau khổ, bất mãn suốt đời vì phải “lựa” theo nghề đó để sống…”
Cho rằng “nghiệp” mới là đích đến của cuộc sống và mỗi người có thể làm rất nhiều nghề để phục vụ cho cái “nghiệp” mà họ sẽ đam mê suốt cả cuộc đời, sống hạnh phúc với nó, diễn giả Đỗ Văn Dũng khuyên rằng, điều đầu tiên mà các bạn trẻ cần học, đó là “kỹ năng chọn nghề nghiệp”…
Nhà báo Ngô Bá Lục giao lưu với các bạn trẻ |
Một diễn giả khá cũng khá đặc biệt tại Ngày hội hướng nghiệp, đó là nhà báo Ngô Bá Lục, thư ký tòa soạn báo điện tử VnMedia. Chia sẻ với các em, nhà báo “tay ngang” nhưng đã gặt hái được nhiều thành công trong cái “nghiệp” của mình, đã nói: “Những người dám sống, dám hết mình với đam mê sẽ có cơ hội thành công lớn. Nhiều người không chọn đại học mà đi học nghề sau khi tốt nghiệp PTTH và đã thành công. Trong khi đó, nhiều người lựa chọn sai, học xong đại học, đi làm rồi nhưng vẫn không chí thú vì công việc “tréo ngoe” sở thích và khả năng, vì thế họ chấp nhận thay đổi công việc. Sau khi thay đổi thì họ rất thành công bởi được làm đúng công việc mà mình yêu thích và phù hợp với khả năng."
Với cương vị là một người đi trước, đã từng thay đổi nghề nghiệp 180 độ, nhà báo Ngô Bá Lục đã khuyên các bạn trẻ "hãy nhìn nhận thật kỹ trong việc chọn lựa con đường phía trước. Dám sống với ước mơ hoài bão của mình và dám nêu lên chính kiến để thuyết phục bố mẹ nếu họ không đồng ý. Có như vậy, các em mới có thể được làm những công việc mình yêu thích, theo đúng khả năng để vừa làm ra những sản phẩm tốt cho xã hội, vừa kiếm được tiền nuôi sống bản thân, gia đình mà vừa có niềm vui, hạnh phúc."
Ý kiến bạn đọc