(VnMedia) - Chỉ tính đến thời điểm 30/6/2013, Thành phố có 31 đơn vị có khối lượng thực hiện xây dựng cơ bản vượt kế hoạch giao chưa được thanh toán, gồm 2.243 dự án với số vốn đầu tư là 3.246,9 tỷ đồng. Đây là vấn đề làm "nóng" phiên chất vấn sáng 5/12 tại kỳ họp HĐND Thành phố.
Số nợ cao hơn số được cấp
Báo cáo với các đại biểu HĐND, UBND Thành phố cho biết, tính đến thời điểm 30/6/2013, Thành phố có 31 đơn vị có khối lượng thực hiện XDCB vượt kế hoạch giao chưa được thanh toángồm 2.243 dự án với số vốn đầu tư: 3.246,9 tỷ đồng, trong đó khối lượng các dự án thuộc nhiệm vụ chi ngân sách Thành phố và Ngân sách Thành phố hỗ trợ các quận huyện thị xã là 345 dự án với số vốn 1.402 tỷ đồng chiếm 43%.
Số còn lại, trong số còn lại, khối lượng XDCB thuộc nhiệm vụ chi ngân sách cấp huyện chưa được thanh toán là lớn nhất, với 1.175 dự án và số vốn là 1.282,7 tỷ đồng, chiếm 40%, trong đó 998 dự án hoàn thành với số vốn 904,1 tỷ đồng, 157 dự án đang triển khai: với số vốn 336,5 tỷ đồng... “Hiện nay, nhiều huyện, thị xã có số vốn XDCB nợ chưa được thanh toán lớn hơn tổng số vốn XDCB phân cấp” - báo cáo của Thành phố thừa nhận.
Trong khi đó, khối lượng XDCB ngân sách cấp xã còn nợ là 720 dự án với số vốn 554,3 tỷ.
Thành phố cũng cho biết, một số đơn vị có tỷ lệ nợ XDCB trên 50% tổng vốn XDCB phân cấp hàng năm: Ba Vì: 181%, Phúc Thọ: 181%; Phú Xuyên: 180%; Ứng Hòa 175%; Thạch Thất: 124,6%; Quốc Oai: 97,5%; Đan Phượng: 91%; Thị xã Sơn Tây: 88,7 %; Mê Linh: 81% ; Chương Mỹ: 75%; Thường Tín: 59%.
Tuy có số nợ đọng cao như vậy nhưng UBND thành phố Hà Nội vẫn khẳng định, tỷ lệ vốn nợ XDCB trên tổng vốn đầu tư phát triển chung của Thành phố thấp hơn so với ước tính bình quân chung các tỉnh có nợ trong cả nước (khoảng 13,5 % so với 24%)
Theo báo cáo, việc triển khai thực hiện vượt kế hoạch vốn do chủ đầu tư thực hiện trên cơ sở Nhà thầu tự ứng vốn, không tính lãi, có điều kiện đẩy nhanh tiến độ công trình, sớm đưa vào sử dụng; đối với doanh nghiệp mang lại việc làm cho người lao động. Tuy nhiên việc để tình hình như trên gây ra tình trạng không lành mạnh về tài chính, ảnh hưởng đến cân đối thu chi ngân sách.
Số nợ XDCB tăng đến hơn 3.000 tỷ là thực sự đáng lo ngại và báo động... |
"Khất" con số nợ thật
Trong phiên chất vấn sáng nay (5/12), đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (quận Hà Đông) nói rằng, số nợ XDCB tăng đến hơn 3.000 tỷ là thực sự đáng lo ngại và báo động.
“Tại sao thành phố đã chỉ đạo, cảnh báo mà số nợ vẫn tăng? có hay không sự chủ quan trong chỉ đạo, điều hành? Trong bối cảnh thu ngân sách gặp khó khăn, dự báo sẽ còn khó khăn trong 2014, có hay không việc chạy theo thành tích, gây áp lực chỉ tiêu giao quá cao ở một số nơi mà ngân sách không có khả năng đáp ứng? - đại biểu Phạm Thị Thanh Mai nói.
Lý giải nguyên nhân khiến tỷ lệ nợ đầu tư XDCB tăng lên, ông Ngô Văn Quý, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư đưa ra 3 lý do, đó là đối tượng nợ tăng lên, một số huyện báo cáo tăng và có 10 đơn vị có kê khai thêm nợ.
Ông Quý cũng cho biết, theo chỉ đạo của UBND TP, hàng năm việc thống kê được thực hiện ở hai thời điểm: 30/6 và 31/12. Do đó, thời điểm hiện nay chưa thể biết được số nợ của năm 2013 có tiếp tục tăng lên nữa hay không. Về con số thực tế, Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư “khất” sẽ báo cáo các đại biểu ở kỳ họp sau.
Liên quan đến việc một số chủ đầu tư cho triển khai dự án khi chưa có kế hoạch vốn bố trí, ông Quý khẳng định từng quận, huyện, đơn vị phải kiểm điểm nghiêm túc.
Trong khi đó, UBND Thành phố cho rằng, trách nhiệm để xảy ra tình trạng khối lượng XDCB vượt kế hoạch vốn đầu tư và chưa được thanh toán trước hết là các chủ đầu tư các dự án, các sở ngành, UBND các quận, huyện, thị xã có khối lượng vượt kế hoạch chưa có vốn thanh toán; công tác tham mưu quản lý nhà nước về XDCB của các sở, ngành liên quan, chỉ đạo của Thành phố đã tích cực tuy nhiên còn chưa quyết liệt…
Khó chữa “bệnh” nợ xây dựng cơ bản
Sau những chất vấn khá gay gắt của các đại biểu và câu trả lời có vẻ như chưa thỏa đáng, Chủ tịch HĐND thành phố Ngô Thị Doãn Thanh đã nêu câu hỏi: “Bệnh nợ XDCB có chữa được không? Giải pháp gì và lúc nào thì chữa xong?”
Tuy nhiên, câu trả lời của vị đại diện cho UBND Thành phố chỉ là: Để chấm dứt nợ XDCB hoàn toàn là rất khó.
“Tuy nhiên, nếu Thành phố quyết liệt, các quận, huyện, sở, ngành thực hiện nghiêm thì tin rằng xử lý được tình trạng nợ XDCB.” - ông Quý nói.
Đồng tình cao với những câu hỏi chất vấn của đại biểu, Phó Chủ tịch HĐND Thành phố Lê Văn Hoạt cho biết, đây không phải là lần đầu tiên vấn đề được đưa ra chất vấn.
“Trong số các nguyên nhân mà UBND Thành phố đã trình bày, qua giám sát của Thường trực HĐND cho thấy còn một nguyên nhân nữa là nhận thức của cán bộ cấp huyện còn “mù mờ”, cho rằng nợ XDCB là “chuyện bình thường”. Ngoài ra, trong công tác kiểm tra, kiểm soát có tình trạng cứ ra văn bản là xong” – Ông Hoạt khẳng định.
Về các biện pháp xử lý và khắc phục, UBND Thành phố cho biết, với 1.409,0 tỷ đồng thuộc trách nhiệm giải quyết của ngân sách Thành phố, theo phương án kế hoạch XDCB năm 2014 trình HĐND Thành phố, đã dự kiến bố trí 938,7 tỷ đồng (67%) để thanh toán khối lượng XDCB đã thực hiện; các dự án chờ quyết toán dự kiến thanh toán từ nguồn vốn thanh quyết toán công trình hoàn thành là 50 tỷ đồng; còn lại 84,7 tỷ đồng chủ yếu là các dự án có vướng mắc, chưa điều chỉnh dự án, chưa có tổng dự toán điều chỉnh, Thành phố xem xét sẽ bố trí vốn sau khi điều chỉnh dự án và có quyết toán công trình hoàn thành hoặc tất toán tài khoản tại kỳ bố trí vốn gần nhất.
Với khối lượng XDCB thuộc trách nhiệm cấp Huyện, Thành phố chỉ đạo UBND các huyện, thị xã tiếp tục cân đối, bố trí ngân sách cấp huyện năm 2013 để thanh toán khối lượng XDCB vượt kế hoạch vốn từ nguồn kết dư ngân sách năm 2012 và các nguồn vốn khác.
Đối với khối lượng XDCB còn lại (sau khi bố trí trả nợ đến 31/12/2013), các quận, huyện, thị xã xây dựng phương án thanh toán bằng nguồn ngân sách của địa phương trong kế hoạch năm 2014, đảm bảo hết năm 2015 phải hoàn thành xử lý khối lượng XDCB và không phát sinh mới…
Ý kiến bạn đọc