Chủ đầu tư bị truy cứu hình sự: Dân hoang mang

14:08, 05/12/2013
|

(VnMedia) - Chất vấn UBND Thành phố trong kỳ họp thứ 8, đại biểu HĐND TP Hà Nội cho biết, tình trạng một số chủ đầu tư dự án nhà ở bị truy cứu trách nhiệm hình sự đã dẫn đến tâm lý hoang mang của nhà đầu tư. Đại biểu đặt câu hỏi về trách nhiệm của UBND Thành phố trong vấn đề này…

 

Hôm nay (5/12), các đại biểu HĐND thành phố Hà Nội đã tiến hành phiên chất vấn đối với lãnh đạo Thành phố. Trước đó, các đại biểu cũng đã gửi câu hỏi đến UBND Thành phố để chất vấn nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề góp vốn mua nhà ở của người dân.

Theo các đại biểu HĐND thành phố Hà Nội, hiện nay trên địa bàn Thành phố có nhiều dự án nhà ở người dân đã đóng góp tiền để mua nhà, song chủ đầu tư không đủ năng lực để thực hiện dự án, một số chủ đầu tư đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự, dẫn đến tâm lý hoang mang, lo lắng của người dân và tạo dư luận xấu trong xã hội.

 

Về vấn đề này, đại biểu đề nghị UBND Thành phố cho biết giải pháp, quan điểm của Thành phố để bảo vệ lợi ích của người dân, đồng thời yêu cầu lãnh đạo Thành phố trả lời về trách nhiệm của UBND Thành phố trong việc để xảy ra tình trạng này.

 

Trả lời câu hỏi nói trên, UBND Thành phố cho biết đã triển khai thực hiện cơ chế chính sách mua lại quỹ nhà ở thương mại để chuyển sang nhà ở tái định cư, đã giao Sở Xây dựng có văn bản đề nghị các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại đăng ký chuyển đổi thành nhà ở tái định cư bán cho Thành phố kèm điều kiện về giá bán. Tuy nhiên, đến nay chưa có chủ đầu tư nào tham gia bởi còn nhiều bất cập trong việc cơ cấu lại giá nhà tái định cư và khả năng bù của ngân sách Thành phố cho giá nhà tái định cư hoặc gia tăng kinh phí đền bù GPMB.

 

Theo UBND Thành phố, việc chuyển đổi từ nhà ở thương mại tồn kho thành nhà ở xã hội đang gặp nhiều bất cập về cơ cấu giá cũng như chính sách nhà ở nên không khả thi. Để giảm bớt phân khúc đầu tư nhà ở thương mại, Thành phố đã không cấp phép đầu tư cho những dự án mới. Thực hiện rà soát tình hình sử dụng đất của các dự án đã có quyết định thu hồi 7 dự án với 807,1 ha. Đồng thời, tổ chức kiểm tra rà soát 19 dự án để chuẩn bị xử lý

 

Thành phố cũng đã chỉ đạo xem xét 40 dự án, trong đó có 15 dự án xin chuyển đổi mục đích từ nhà ở thương mại sang làm nhà ở xã hội và 25 dự án xin điều chỉnh cơ cấu căn hộ.

 

UBND thành phố cũng cho biết, trong quá trình thẩm định dự án, UBND Thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan kiểm tra, xác định rõ các điều kiện theo quy định của pháp luật và quy định rõ trách nhiệm của chủ đầu tư khi cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án, nhưng vẫn có một số chủ đầu tư cố tình vi phạm. Hiện, UBND Thành phố đang chỉ đạo các cấp, các ngành kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật.

 

UBND Thành phố nhận định, tình hình phát triển nhà ở và thị trường bất động sản đã có những chuyển biến ban đầu khá tích cực. Theo thống kê sơ bộ, đạt được 4 triệu m2 nhà ở, trong đó nhà dân tự xây khoảng 1,8 triệu. Nhiều dự án đang gấp rút hoàn thành, nhiều dự án đã hoạt động trở lại.

 

Tuy nhiên, Thành phố cũng thừa nhận, có một vài chủ đầu tư do đầu tư dàn trải tại nhiều dự án, ở nhiều địa phương khác nhau dẫn đến thiếu vốn để triển khai dự án, chưa thực hiện đúng pháp luật về đầu tư xây dựng, vi phạm về quản lý sử dụng đất đai, huy động vốn khi chưa đủ điều kiện... do đó dự án bị đình trệ, thậm chí chủ đầu tư phải nhượng lại dự án, một số chủ đầu tư đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tạo dư luận xấu trong xã hội.


 Ảnh minh họa

 Dự án B5 Cầu Diễn sau 3 năm nhận tiền góp vốn của khách hàng vẫn chỉ là bãi đất trống, mới giải phóng mặt bằng được khoảng 60%.

 

Chưa có giải pháp đột phá

 

Mặc dù thừa nhận thực tế khó khăn và những tồn tại nói trên, nhưng giải pháp mà UBND Thành phố đưa ra vẫn còn chung chung, chưa có đột phá, phần lớn là “tăng cường” và “tập trung”, “kiên quyết”, “xử nghiêm”…

 

Theo đó, UBND Thành phố cho biết, đã chỉ đạo các cấp, các ngành, đơn vị liên quan tập trung phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các chủ đầu tư để thực hiện dự án; Tăng cường công tác thanh kiểm tra, rà soát các dự án nhà ở đang triển khai, không đúng tiến độ thực hiện dự án theo quyết định đầu tư được phê duyệt, các dự án đã được giao đất triển khai xây dựng nhà ở nhưng không sử dụng trong 12 tháng hoặc chậm triển khai;

 

Kiên quyết thu hồi đất theo quy định của Luật đất đai và tiến hành phân loại các dự án tiếp tục triển khai, các dự án tạm dừng, các dự án cần điều chỉnh cho phù hợp với quy hoạch, nhu cầu của thị trường và nguồn lực xã hội. Phát hiện sớm sai phạm của chủ đầu tư, xử lý nghiêm việc thu hồi dự án; kiểm soát chặt chẽ tiến độ thực hiện dự án, kịp thời báo cáo Thành phố để có biện pháp xử lý, tránh gây bức xúc cho người dân; Chỉ đạo kiên quyết xử lý các vi phạm của các tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật.

 

Thành phố cũng sẽ tăng cường công khai minh bạch các dự án đủ điều kiện triển khai và thông tin liên quan đến chủ đầu tư dự án để người dân có thông tin khi lựa chọn mua nhà (thông qua các sàn giao dịch bất động sản).

 

Về trách nhiệm, UBND Thành phố cho biết “luôn xác định trách nhiệm phải tăng cường quản lý Nhà nước để kịp thời chỉ đạo đồng bộ, giải quyết những vướng mắc phát sinh trong quá trình phát triển nhà ở nhằm lành mạnh hóa thị trường bất động sản trên địa bàn Thành phố.”

 

Năm 2013 Thành phố có 1.161 giao dịch với tổng số tiền là 3.200,074 tỷ đồng, số lượng căn hộ tồn kho đã giảm từ 7.223 căn (gồm thấp tầng và căn hộ chung cư) xuống còn 6.060 căn (giảm 16,07%), số lượng tồn kho văn phòng cho thuê từ 17,5 vạn m2 xuống còn 16,6 vạn m2 (giảm 5,14%).


Mỹ Hạnh

Ý kiến bạn đọc