Cho phép nổ súng trấn áp bạo loạn

07:20, 24/12/2013
|

Pháp lệnh Cảnh sát cơ động đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua tại phiên họp thứ 23 ngày hôm qua (23/12), với việc cảnh sát cơ động được trang bị máy bay, tàu thủy và các vũ khí tối tân khác.

 

Tuy nhiên, trong các tình huống xảy ra bạo loạn, tụ tập đông người phá rối an ninh, việc sử dụng vũ khí vừa phải tuân thủ những quy định của pháp lệnh nêu trên và vừa phải tuân thủ các quy định riêng để bảo đảm không làm ảnh hưởng đến an ninh, chính trị và tính mạng, sức khỏe con người.

 

Là lực lượng đặc biệt, cảnh sát cơ động được ưu tiên trang bị vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, tàu bay, tàu thủy, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ và trang thiết bị đặc chủng chuyên dụng hiện đại.

 

Theo ông Nguyễn Kim Khoa - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội - do tính chất đặc thù, cảnh sát cơ động ngoài việc được trang bị, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ quy định trong Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, còn được trang bị, sử dụng một số loại vũ khí khác không thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp lệnh đó và được trang bị, sử dụng các loại phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, trang thiết bị đặc chủng chuyên dụng.

 

Trong các tình huống xảy ra bạo loạn, tụ tập đông người phá rối an ninh, việc sử dụng vũ khí vừa phải tuân thủ những quy định của pháp lệnh nêu trên và vừa phải tuân thủ các quy định riêng để bảo đảm không làm ảnh hưởng đến an ninh, chính trị và tính mạng, sức khỏe con người.

 

Quá trình thảo luận về việc sử dụng vũ khí, ý kiến Đại biểu Quốc hội đã đặt câu hỏi về quy định cho phép nổ súng của cảnh sát cơ động trong trường hợp xảy ra bạo loạn, biểu tình, tụ tập đông người phá rối an ninh. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh, pháp lệnh cũng quy định việc nổ súng của cảnh sát cơ động trong trường hợp xảy ra bạo loạn, tụ tập đông người phá rối an ninh do Bộ trưởng Bộ Công an quyết định.

 

Đánh giá lại kỳ họp thứ 6 của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Nguyễn Kim Khoa cho biết có những buổi thảo luận, có đoàn Đại biểu Quốc hội chỉ có 1 người tham dự. “Cử tri đặt câu hỏi khi trong nhiều phiên họp đại biểu vắng quá nhiều” - ông nói. Dù thông tin mỗi ngày Quốc hội họp chi phí mất 1 tỉ đồng đã được Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định là không có cơ sở từ trước, nhưng chuyện trách nhiệm của các Đại biểu Quốc hội trong chuyện họp hành vẫn bị cử tri than phiền.

 

Chính Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, cử tri nhắn tin vào điện thoại của bà hỏi tại sao ở Quốc hội ghế trống nhiều quá, Đại biểu Quốc hội vắng họp nhiều. Và “Cử tri hỏi xem trách nhiệm của đại biểu thế nào”.

 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng sau đó đề nghị Ban Công tác đại biểu gửi văn bản yêu cầu Đại biểu Quốc hội rút kinh nghiệm việc vắng họp. “Mấy kỳ gần đây đại biểu vắng họp quá nhiều, nói rõ là cử tri phê bình về nhiều phiên họp vắng quá nhiều đại biểu”. Ông cũng đề nghị các Đại biểu Quốc hội tham dự họp đầy đủ, không xếp lịch đi công tác nước ngoài và các chương trình khác khi Quốc hội họp.

Theo Nghị định vừa được Chính phủ ban hành (có hiệu lực kể từ ngày 1/2/2014), để ngăn chặn hành vi chống người thi hành công vụ, có thể áp dụng những biện pháp cụ thể như: Giải thích cho người có hành vi vi phạm biết rõ là họ đã vi phạm pháp luật và yêu cầu chấm dứt ngay hành vi vi phạm đó; Cưỡng chế người có hành vi vi phạm pháp luật chấm dứt hành vi vi phạm và chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của người thi hành công vụ.

Ngoài ra, có thể áp dụng biện pháp bắt giữ người có hành vi chống người thi hành công vụ; khám người, phương tiện vi phạm; tước bỏ, vô hiệu hóa hung khí, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Trong trường hợp cần thiết, cấp bách hoặc người có hành vi chống người thi hành công vụ sử dụng vũ khí quân dụng, vũ khí thô sơ tấn công người thi hành công vụ thì tuy theo tính chất, mức độ vi phạm và từng trường hợp cụ thể, người thi hành công vụ được sử dụng vũ lực, công cụ hỗ trợ và các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hoặc nổ súng để phòng vệ chính đáng, tấn công khống chế, bắt giữ người có hành vi chống người thi hành công vụ.

Việc nổ súng trong khi thi hành nhiệm vụ phải được thực hiện theo pháp lệnh quản lí, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ...(quy định tại Điều 22) và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Điều 22, Pháp lệnh quy định: Nguyên tắc là chỉ được nổ súng khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi sau khi đã cảnh báo, không nổ súng vào phụ nữ, người tàn tật, trẻ em, trừ trường hợp những người này sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc chống trả, đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác; trong mọi trường hợp nổ súng, người sử dụng súng cần hạn chế thiệt hại do việc nổ súng gây ra.



(LĐ, ĐĐK)

Ý kiến bạn đọc