(VnMedia) - Nhiều trẻ chết thương tâm, nhiều trẻ bị hành hạ dã man ở các nhà trẻ tư; Đã có những người ngồi tù để suy ngẫm về tội ác của mình, nhưng những vụ việc tương tự vẫn chưa dừng lại.
Điều đó cho thấy, không chỉ trông chờ vào đạo đức của những bảo mẫu, mà nhất thiết các nhà quản lý phải đưa ra được những giải pháp hữu hiệu để bảo vệ sức khỏe và tính mạng của trẻ, tạo sự an tâm cho các bà mẹ đang ngày đêm lao động vất vả, dù là để kiểm sống nhưng cũng là để tạo ra của cải vật chất, góp phần vào sự phát triển chung của TP. Hồ Chí Minh cũng như của cả nước.
>>Kinh hoàng đòn hành hạ trẻ mầm non
Bảo mẫu phi nhân tính và những án tù
Trong vài năm gần đây, một số vụ bạo hành trẻ trẻ mầm non đã gây sốc trong dư luận xã hội, đặc biệt là các bà mẹ. Điển hình và “nổ phát súng” đầu tiên vào dư luận chính vụ bảo mẫu Quảng Thị Kim Hoa tại Đồng Nai. Sau khi phóng sự về sự hành hạ trẻ mầm non của Đài truyền hình Đồng Nai được phát đi, bảo mẫu này đã bị bắt trong sự bàng hoàng của các bà mẹ đang và đã từng gửi con ở nhà trẻ này. Theo chính lời khai của “mẹ mìn” Quảng Thị Kim Hoa, thì "tới bữa, tôi đặt các cháu ngồi im trên ghế cao, bên dưới là một cây thước và một cái lược dài để đe. Cháu nào không vâng lời, tôi sẽ đánh vào đầu, mặt, miệng hay bất cứ đâu". Quả là một cách hành xử không thể chấp nhận được của một người làm nghề bảo mẫu. “Mẹ mìn” này sau đó đã bị xử phạt 18 tháng tù giam.
Năm 2007, tại TP. Hồ Chí Minh, một vụ việc cũng đã khiến dư luận hết sức phẫn nộ. Theo đó, bé Đỗ Thị Thảo Trân (18 tháng tuổi) được cấp cứu hồi sức, rồi chuyển lên điều trị tại phòng chăm sóc đặc biệt của Bệnh viện Nhân dân Gia Định TPHCM. Nguyên nhân sau đó được làm rõ là do bé khóc, cô giáo Lê Thị Lê Vy đã dùng băng keo dán vào miệng để bé hết khóc khiến bé bị ngạt. Sau ít ngày hôn mê sâu, bé Thảo Trân đã tử vong. Bảo mẫu Lê Thị Lê Vy bị xử phạt 3 năm tù giam mặc dù đã được gia đình bé Thảo Trân làm đơn bãi nại.
Mới đây nhất, hôm 17/11, đối tượng Hồ Ngọc Nhờ (SN 1995, quê Cần Thơ, tạm trú Q.Thủ Đức) đã bị bắt do trực tiếp gây ra cái chết thương tâm đối với cháu Đỗ Nhất L (18 tháng tuổi).
Theo điều tra, Nhờ ở nhà nội trợ và chăm sóc con gần 3 tuổi. Hàng ngày Nhờ nhận chăm sóc cháu L, là con của chị Võ Thị H (SN 1989, quê Nghệ An, tạm trú Q.Thủ Đức) với tiền công thỏa thuận là 1,5 triệu đồng/tháng. Sáng 16/11, chị H chở cháu L đến phòng trọ giao cho Nhờ như thường ngày. Sau khi nhận cháu L, Nhờ cho cháu bé này ăn sáng. Lúc ăn cháu L có khóc, Nhờ dỗ mãi không im. Lúc này Nhờ cầm tay, chân dốc ngược cháu L lên để dọa. Nhờ khai, do tuột tay làm cháu L té xuống nền nhà. Thấy cháu L vẫn nằm khóc, Nhờ dùng chân đạp mạnh vào ngực, vào bụng cháu bé. Nhờ bỏ vào nhà vệ sinh 20 phút sau quay ra thì thấy cháu L nằm bất động. Nhờ dùng tay ấn ngực cháu nhưng không có kết quả, nên nhờ hàng xóm đưa cháu L đến bệnh viện Quân dân Miền Đông cấp cứu. Tuy nhiên, tại đây cháu L được xác định là đã tử vong trước đó. Vụ việc cũng khiến cộng đồng mạng rúng động.
Đối tượng nhờ sinh năm 1995, chưa biết ngày tháng năm sinh cụ thể nhưng tính đến nay, Nhờ mới được 18 tuổi là nhiều nhất. Vậy mà đối tượng này đã có con được 2 tuổi 4 tháng.Tức là lúc đẻ con mới có 16 tuổi, trừ đi 9 tháng mang thai thì chắc chắn lúc mang thai, Nhờ mới được 15 tuổi.
Và đến hôm qua (17/12), clip bảo mẫu hành hạ trẻ mầm non với những hành động hết sức ghê sợ đã khiến dư luận một lần nữa rúng động. Ngay lập tức, 2 bảo mẫu có cách hành xử mất nhân tính đó đã bị bắt và chắc chắn tới đây, họ sẽ bị pháp luật trừng trị nghiêm khắc. Tuy nhiên, không ai có thể khẳng định rằng, đây là vụ việc cuối cùng.
Đã có những án tù nghiêm khắc cho những bảo mẫu phạm tội hành hạ trẻ em, tuy nhiên, nhiều vụ việc nghiêm trọng vẫn tiếp tục xảy ra |
Để xảy ra việc mới “bấn loạn lên”
Các tỉnh phía Nam như Đồng Nai, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh những năm gần đây phát triển kinh tế rất mạnh và mọc lên nhiều khu công nghiệp. Những khu công nghiệp này thu hút người lao động trẻ từ khắp các tỉnh thành về lập nghiệp. Do phát triển quá nóng, các khu công nghiệp, khu chế xuất không đáp ứng được yêu cầu về hạ tầng cho đời sống cho công nhân. Rất ít khu công nghiệp có nhà trẻ, mẫu giáo, vì vậy, các gia đình phải gửi con cho nhà trẻ tư nhân, nơi mà họ không thể kiểm soát được chất lượng thực sự mà chỉ biết nhắm mắt tin vào những lời quảng cáo hay những vẻ bề ngoài của các bảo mẫu. Trong khi đó, cho đến nay, TP. Hồ Chí Minh vẫn chưa có được một giải pháp nào "đặc trị" cho tình trạng này.
Trao đổi về vấn đề này bên lề kỳ họp Quốc hội vừa qua, ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM cho biết, với những trường hợp để xảy ra hậu quả nghiêm trọng, đầu tiên là trách nhiệm của những đơn vị chưa hoàn thiện cơ sở nuôi dạy trẻ cho con em công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng cho rằng, khi những vụ việc đau lòng xảy ra những người lãnh đạo, quản lý cần phải quan tâm hơn nữa đến công tác trông giữ trẻ ở các khu công nghiệp, trên cơ sở đó có sự chấn chỉnh kịp thời.
Theo bà, giải pháp cốt lõi vẫn là phải có những cơ sở giữ trẻ ở các khu công nghiệp với đầy đủ các tiêu chí, điều kiện đảm bảo để người công nhân yên tâm khi gửi con cái họ vào đó, bởi xét cho cùng, người công nhân đi làm cũng là để tạo ra của cải vật chất, góp phần vào sự phát triển kinh tế cho xã hội.
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - phó Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh - ảnh: Xuân Hưng |
Bà Tâm cũng cho biết, Thành phố đã có chỉ đạo tất cả các khu chế xuất, khu công nghiệp phải có những nhà nuôi dạy trẻ cho con em công nhân. Vì công nhân phải đi làm theo ca, không có giờ hành chính nên các cơ sở trông giữ trẻ theo giờ hành chính thì công nhân không gửi con được. Thành ủy cũng đã có chỉ đạo về vấn đề này. Theo đó, trong nghị quyết của Thành ủy đã đặt ra vấn đề các cơ sở giữ trẻ ở thành phố, ở những khu vực đông công nhân lao động phải phối hợp để có những cơ sở giữ trẻ ngoài giờ. Các cơ sở đó có thể giữ trẻ sớm hơn, hoặc muộn hơn để công nhân gửi con được.
Tuy nhiên, bà Tâm cũng thừa nhận, việc chỉ đạo chưa được thực hiện một cách nghiêm túc, quá trình thực hiện cũng còn nhiều thiếu sót.
“Trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khi xây dựng có thể không đầy đủ các cơ sở nuôi dạy trẻ thì bây giờ phải khắc phục. Tuy nhiên do tình hình kinh tế khó khăn nên họ chưa làm. Chúng tôi cũng chưa có biện pháp mạnh để giải quyết vấn đề này. Trách nhiệm trước hết thuộc về các cấp lãnh đạo khi để xảy ra tình trạng đau lòng như thế. Về công tác kiểm tra của các địa phương đối với những cơ sở giữ trẻ ngoài công lập, UBND TP. Hồ Chí Minh đã có nhiều công văn để chỉ đạo. Trong thực tiễn rõ ràng còn rất lỏng lẻo trong kiểm tra giám sát với những cơ sở giữ trẻ, đặc biệt là việc giữ trẻ gia đình” – bà Tâm thừa nhận.
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng cho rằng, các quận, huyện có đông công nhân phải tiến hành rà soát lại các cơ sở nuôi dạy trẻ tại các khu công nghiệp. “HĐND TP đã rà soát, đã đi giám sát rồi và tất nhiên không thể chấm dứt ngay được tình trạng gửi con em họ cho các gia đình. Bởi đó là nhu cầu chính đáng của người ta.” – bà Tâm nói.
Cũng theo bà Tâm, “điều quan trọng vẫn phải là giáo dục đạo đức xã hội và kiểm tra các cơ sở trông giữ trẻ... cần phải kết hợp thực hiện nhiều biện pháp, chứ không phải khi xảy ra vụ việc lại bấn loạn lên. Cần phải xem xét lại một loạt các nguyên nhân. Trước hết phải xác định nguyên nhân vì sao lại xảy ra tình trạng đó. Từ những nguyên nhân tìm ra ấy sẽ xác định trách nhiệm nên cần xử lý thì phải xử lý, cần chấn chỉnh thì phải kịp thời chấn chỉnh ngay.”
Ý kiến bạn đọc