Báo động đỏ chất lượng giáo viên mầm non

07:26, 23/12/2013
|

Một loạt kết quả khảo sát do khoa Giáo dục mầm non (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) công bố mới đây cho thấy “bức tranh” về đào tạo cũng như hoạt động của giáo viên ở bậc học mầm non có rất nhiều vấn đề đáng suy ngẫm.

Thiếu chuyên nghiệp trong đào tạo giáo viên

Bà Lã Thị Bắc Lý, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết hiện nay ở Việt Nam không có cơ sở đào tạo giảng viên cho các trường chuyên nghiệp đào tạo giáo viên mầm non (GVMN).

Đội ngũ giảng viên này được lấy từ hai nguồn: một là từ các khoa cơ bản để dạy các môn cơ bản, cơ sở; hai là từ khoa Giáo dục mầm non, chủ yếu của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội để dạy các môn phương pháp.

Cần lắm những giám viên tận tâm. Một buổi cho trẻ ăn trưa của giáo viên mầm non Trường mầm non 19.5, quận 1, TP.HCM (Ảnh: Một thế giới)
Cần lắm những giám viên tận tâm. Một buổi cho trẻ ăn trưa của giáo viên
mầm non Trường mầm non 19.5, quận 1, TP.HCM (Ảnh: Một thế giới).

Tuy nhiên, do hệ thống các trường ĐH trong mấy năm qua, đặc biệt là các trường ĐH địa phương, trường dân lập được thành lập một cách ồ ạt, nên vấn đề tuyển chọn giảng viên cũng không được tinh lọc.

Việc thành lập khoa GDMN và đào tạo GVMN cũng mang tính “ăn xổi ở thì”. Thậm chí, có trường, khoa GDMN mới chỉ thành lập bộ khung Ban chủ nhiệm mà đã ồ ạt tuyển sinh chính quy, rồi mời giáo viên hợp đồng về dạy hoặc lấy GV từ các khoa khác sang dạy, mà bản thân những GV này hầu như không có một chút kiến thức gì về GDMN. Một số SV tốt nghiệp khoa GDMN được tuyển dụng làm cán bộ giảng dạy nhưng lại không được bồi dưỡng thêm, vì thế các kiến thức cơ bản rất thiếu và yếu.

Sinh viên ngại học thực hành

Nguồn GV thì như thế, đến SV cũng có rất nhiều điều để nói.

Bà Nguyễn Thị Hoà, khoa GDMN (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) thực hiện khảo sát thực trạng biện pháp nâng cao tính tích cực của SV chuyên ngành GDMN của một số trường ĐH, CĐ sư phạm thuộc một số tỉnh thành Bắc, Trung, Nam cho thấy, 85% ý kiến của GV được hỏi đã nhận thức được sự cần thiết phải phát huy tính tích cực cho SV trong giờ thực hành môn “giáo dục học MN”.

Tuy nhiên, đa số ý kiến được hỏi (86,25%) trả lời rằng họ chưa thực sự quan tâm đến việc phát huy tính tích cực của SV trong giờ thực hành vì họ rất khó khăn trong việc tìm kiếm và lựa chọn các phương pháp, biện pháp dạy học tích cực trong giờ thực hành bộ môn.

Kết quả khảo sát thực trạng biểu hiện tính tích cực của sinh viên (120 SV năm thứ 2 và năm thứ 3 khoa GDMN, Trường CĐ Cần Thơ, Hậu Giang, Tuyên Quang) trong giờ học thực hành bộ môn “Giáo dục học MN” cho thấy, tỉ lệ SV có hứng thú học còn thấp, chiếm 67,9%.

Khi được hỏi có thích học thực hành không, họ trả lời không thích học giờ thực hành vì ngại học, vì học không hấp dẫn. Hơn một nửa số SV, 59,8%, còn thụ động và kết quả thực hành đạt ở mức độ thấp.

Quan sát trên giờ thực hành cho thấy, một số SV mang tư tưởng ỷ lại, chờ sự giải đáp, bày cách làm sẵn. Số SV biết vận dụng lý thuyết vào thực tiễn ở mức độ cao chỉ chiếm hơn 20%.

Ít giáo viên tâm huyết

Bà Nguyễn Thị Như Mai, khoa GDMN (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) tiến hành khảo sát 106 GVMN đang dạy ở các quận, huyện thuộc thành phố Hà Nội năm 2012, người dạy trẻ nhiều nhất là 20 năm, ít nhất 1 năm bằng phiếu điều tra.

Kết quả cho thấy, trong số 16 phẩm chất và năng lực được hỏi các GVMN cho rằng quan trọng nhất, cần thiết nhất đối với một người GVMN lần lượt là Tôn trọng trẻ em, chịu khó học hỏi, giao tiếp ứng xử đúng mực.

Theo các GVMN, những phẩm chất ít quan trọng nhất là: Có khả năng nhất định về lãnh đạo, độc lập giải quyết các công việc, làm việc theo nhóm. Khả năng kiềm chế cao được xếp thứ 7 về mức độ quan trọng, nhiệt tình được xếp thứ 5, có động cơ làm việc đúng đắn được xếp thứ 9…

Bà Trần Thị Kim Liên, khoa GDMN (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) cho biết điều tra trên 60 GVMN tại một số trường MN ở địa bàn huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định có thống kê kết quả như sau: 1,67% GV có thái độ áp đặt trẻ, 5% GV thể hiện quan điểm thả nổi trẻ và 93,33% GV đưa ra quan điểm coi trẻ là trung tâm.

Có 26,67% GV say sưa, tâm huyết với nghề, 36,67% GV thể hiện thái độ bình thường, chấp nhận theo nghề và 36,67% GV muốn có sự thay đổi nghề nghiệp.

Như vậy, trong số GV điều tra có rất nhiều GV có thái độ bình thường và muốn có sự thay đổi nghề nghiệp. Đa phần ý kiến trả lời tập trung phản ánh sự vất vả của công việc, thời gian làm việc nhiều với chế độ ưu đãi thấp mà trách nhiệm lại cao.

Số khác đến với nghề không phải yêu thích mà xuất phát bởi các lý do khác. Lương thấp, ít được quan tâm

Cũng khảo sát thực trạng và một số nguyên nhân ảnh hưởng đến lòng yêu nghề của GVMN hiện nay, bà Nguyễn Thị Mỹ Dung lại đưa ra con số: 62% GVMN rất yêu thích hoặc yêu thích công việc của mình, số GV cảm thấy yêu công việc này ở mức độ bình thường chiếm 38%.

Nhưng, khi được hỏi về mức lương mà họ đang được hưởng và mức độ hài lòng của họ với mức lương đó như thế nào, thì chỉ có 4% cảm thấy hài lòng. 42% cho rằng mức lương đó là bình thường. Và số GV cảm thấy không hài lòng chiếm tới 54%.

Về những nguyên nhân ảnh hưởng tới lòng yêu nghề của GVMN, hầu hết GV cho rằng đó là do chế độ lương, thưởng không hợp lý (78%); do cơ sở vật chất, trang thiết bị không đáp ứng được yêu cầu của công việc (56%); do chế độ nghỉ ngơi chưa hợp lý (54%)...

Ý kiến khác cho rằng đó là do thiếu sự đoàn kết nhất trí, chia sẻ giữa các đồng nghiệp với nhau, và do sự quan tâm, động viên, khuyến khích của Ban giám hiệu đối với mỗi cá nhân còn ít.

Ngoài ra, một số GV chia sẻ với nhóm nghiên cứu nỗi băn khoăn trước tâm lý coi thường công việc của người GVMN vẫn tồn tại ở một số phụ huynh đang gửi con tại nhà trường…Điều này cũng dễ khiến họ cảm thấy mặc cảm với nghề nghiệp của mình.


Theo Vietnamnet

Ý kiến bạn đọc