(VnMedia) - Sáng 6/12, HĐND Hà Nội đã thảo luận thông qua Nghị quyết việc tách huyện Từ Liêm thành 2 quận mới. Với 93,7% số phiếu tán thành, HĐND Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về việc tách huyện Từ Liêm thành 2 quận mới.
>>Từ Liêm: 1 đại biểu HĐND không muốn tách quận
Theo tờ trình Đề án điều chỉnh địa giới hành chính huyện Từ Liêm do ông Trần Huy Sáng, Giám đốc Sở Nội vụ trình bày, huyện Từ Liêm sẽ tách thành hai quận Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm với 23 phường mới.
Sau khi ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng Ban Pháp chế HĐND Hà Nội đọc báo cáo thẩm tra về Đề án điều chỉnh địa giới hành chính huyện Từ Liêm; thảo luận tại tổ, ông Lê Văn Thư, Bí thư Huyện ủy Từ Liêm cho biết, về tên gọi hai quận mới, có nhiều ý kiến trao đổi khác nhau, những ý kiến trên tuy cá nhân ông không nghe được hết song đều có lý do và ý nghĩa.
Theo ông Bí thư Huyện ủy Từ Liêm, sau khi Chính phủ có chủ trương tách huyện để thành lập quận, nhân dân Từ Liêm rất phấn khởi. Điều đó thể hiện rõ qua tỷ lệ người tham gia ý kiến vào đề án chiếm tới 82,5% số hộ trên toàn huyện. Trong đó, có tới 99,9% số hộ nhất trí với đề án thành lập 2 quận, chỉ có 0,1% số hộ đề nghị 1 quận.
Về tên gọi của quận, sau khi lấy ý kiến nhân dân, ông Bí thư Huyện ủy Từ Liêm cho biết, có 25 cặp tên được đề xuất. Những tên này đều gắn với các địa danh, trong đó kết quả lấy ý kiến người dân tên Bắc Từ Liêm - Nam Từ Liêm 90,5% đồng ý, Từ Liêm - Mỹ Đình 7,6%, Từ Liêm - Hoàng Liêm 0,2%.
"Bắc Nam không phải là tên mà là chỉ dẫn địa lý, chứ tên đích thực vẫn là Từ Liêm”, ông Bí thư huyện cho biết.
|
Một trong những khu đô thị hiện đại trên địa bàn huyện Từ Liêm. |
Thảo luận tại tổ, nhiều ý kiến đại biểu căn bản đồng tình với đề án do huyện Từ Liêm trình. Một số đại biểu đánh giá, phương án điều chỉnh địa giới từ xã lên phường đã tiếp thu và sửa.
Về tên gọi của hai quận, ý tưởng giữ tên gọi là Từ Liêm cũng được các đại biểu HĐND ủng hộ nhưng một số đại biểu cho rằng, đặt tên là Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm chưa hẳn hay. Tuy nhiên, các đại biểu cũng nhận định, do thời gian ngắn nên việc tìm tên hay là rất khó. Mặt khác, tên gọi hai quận sau này có thể sửa được. Nhiều đại biểu cũng đề nghị sau khi được Chính phủ duyệt, UBND Hà Nội cần triển khai nhanh việc thành lập 2 quận mới để sớm ổn định.
Sau phần thảo luận tại tổ ông Nguyễn Huy Sáng, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội đã tiếp thu những ý kiến tham gia của các đại biểu để bổ sung vào tờ trình chính thức của UBND thành phố trình Chính phủ.
Sau phát biểu của ông Giám đốc Sở Nội vụ, các đại biểu HĐND Hà Nội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về điều chỉnh địa giới hành chính huyện Từ Liêm để tách thành 2 quận mới và 23 phường mới.
Với kết quả biểu quyết 89/95 đại biểu đồng ý (chiếm 93,7%), HĐND Hà Nội đã thông qua Đề án điều chỉnh địa giới hành chính huyện Từ Liêm để thành lập 2 quận Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm với 23 phường mới.
Theo Đề án điều chỉnh địa giới hành chính huyện Từ Liêm vừa được HĐND Hà Nội thông qua sáng nay, huyện Từ Liêm sẽ tách thành 2 quận và 23 phường. Trong đó, quận Bắc Từ Liêm bao gồm phần đất ở phía bắc của huyện với dân số hơn 319.000 người, diện tích hơn 4.335 ha, mật độ dân số 7.377 người/km2.
Phía bắc của "Bắc Từ Liêm" giáp huyện Đông Anh, phía nam giáp quận "Nam Từ Liêm"; phía đông giáp quận Cầu Giấy, Tây Hồ; phía tây giáp huyện Hoài Đức, Đan Phương. Trụ sở của quận rộng khoảng 20 ha, ở khu đất nông nghiệp xã Minh Khai.
Địa giới hành chính của quận bao gồm toàn bộ diện tích trong địa giới hành chính của 9 xã Thượng Cát, Tây Tựu, Liên Mạc, Thụy Phương, Đông Ngạc, Xuân Đỉnh, Phú Diễn, Minh Khai, Cổ Nhuế và phần đất thị trấn Cầu Diễn phía Tây sông Nhuệ.
Sau khi lập quận mới, các xã sẽ được tách ra làm 13 phường: Thượng Cát; Tây Tựu; Liên Mạc; Thụy Phương; Đông Ngạc; Đức Thắng; Xuân Đỉnh; Xuân Tảo; Phú Diễn; Phúc Diễn; Minh Khai; Cổ Nhuế 1; Cổ Nhuế 2.
Còn quận "Nam Từ Liêm" có dân số hơn 233.000 người, diện tích hơn 3.227 ha, mật độ dân số 7.234 người/km2. Phía bắc giáp quận "Bắc Từ Liêm", phía nam giáp quận Hà Đông, phía đông giáp quận Cầu Giấy và Thanh Xuân, phía tây giáp huyện Hoài Đức. Trụ sở làm việc sẽ sử dụng toàn bộ khu liên cơ quan rộng 4 ha của huyện Từ Liêm đang sử dụng.
Quận "Nam Từ Liêm" sẽ bao gồm toàn bộ diện tích trong địa giới hành chính xã Mễ Trì, Mỹ Đình, Trung Văn, Tây Mỗ, Đại Mỗ và phần lớn diện tích tự nhiên xã Xuân Phương (phía nam quốc lộ 32) và phần đất thị trấn Cầu Diễn (phía nam quốc lộ 32).
Dự kiến, "Nam Từ Liêm" sẽ có 10 phường: Mễ Trì; Trung Văn; Tây Mỗ; Đại Mỗ; Phú Đô; Mỹ Đình 1; Mỹ Đình 2; Cầu Diễn; Phương Canh; Xuân Phương.
Ý kiến bạn đọc