10 sự kiện nổi bật của ngành Tư pháp năm 2013

12:19, 31/12/2013
|

(VnMedia) - Sáng nay (31/12), Bộ Tư pháp đã tổ chức họp báo về công tác tư pháp quý IV năm 2013 của Bộ Tư pháp, trong đó công bố 10 sự kiện nổi bật của ngành Tư pháp trong năm 2013.

 Ảnh minh họa

Năm 2013, Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt


Theo Chánh Văn phòng – người phát ngôn của Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng, sự kiện đầu tiên được bình chọn là 1 trong 10 sự kiện của Ngành tư pháp là sự kiện “Ngày Pháp luật” (9/11) đầu tiên được tổ chức thành công trong toàn quốc, đánh dấu bước chuyển hướng chiến lược từ xây dựng, hoàn thiện pháp luật sang tổ chức, thi hành pháp luật;
 
Năm 2013 cũng là năm đầu tiên Chính phủ tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp và khẳng định “công tác tư pháp là nhiệm vụ của Chính phủ, chính quyền địa phương”.
 
Đặc biệt, năm qua, Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã tạo tiền đề quan trọng tạo nên bước đổi mới căn bản về tổ chức, hoạt động quản lý nhà nước về dân cư. Theo ông Trần Tiến Dũng, việc Đề án ra đời và triển khai hiệu quả trên thực tế sẽ giúp đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giúp người dân tiết kiệm thời gian, chi phí; bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân.
 
Năm qua, ngành Tư pháp đã hoàn thiện thể chế và hình thành bộ máy quản lý xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) thống nhất trong toàn quốc, đưa Luật XLVPHC đi vào cuộc sống. Theo đó, chỉ trong năm 2013, Chính phủ đã hoàn thành 50 nghị định XLVPHC và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng tổ chức bộ máy biên chế triển khai thực hiện quản lý thống nhất công tác thi hành pháp luật về XLVPHC của Bộ Tư pháp, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và các cơ quan tư pháp địa phương”.
 
Một sự kiện nổi bật khác, đó là năm 2013, công chứng Việt Nam trở thành thành viên của Liên minh công chứng quốc tế, đánh dấu bước phát triển quan trọng trong lịch sử Công chứng Việt nam, ghi nhận sự  phát triển mạnh mẽ của Công chứng Việt Nam trong những năm qua.
 
Sự kiện nổi bật tiếp theo trong năm 2013 của ngành Tư pháp là việc Thủ tướng Chính phủ công nhận “Ngày truyền thống Thi hành án dân sự” (19/7) và “Ngày truyền thống Luật sư Việt Nam” (10/10). Đây là cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển công tác thi hành án dân sự và nghề Luật sư.
 
Năm 2013, Bộ Tư pháp - Bộ Công an - Tòa án nhân dân tối cao - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ký Quy chế phối hợp liên ngành trong công tác thi hành án dân sự, bảo đảm sự thống nhất chỉ đạo của các ngành từ TƯ đến địa phương. Một phần quan trọng nhờ có sự tăng cường phối hợp liên ngành ở cả 3 cấp, kết quả thi hành án dân sự năm 2013 tăng 97,691 việc (tăng 24,71%) so với cùng kỳ năm 2012 và 18.620 tỷ 438 triệu (180%) so với cùng kỳ năm 2012.

Với việc Chính phủ ban hành Nghị định số 22/20131/NĐ-CP, chức năng, nhiệm vụ của Bộ, Ngành Tư pháp tiếp tục được tăng cường, mở rộng, tạo tiền đề cho sự phát triển của Bộ, Ngành Tư pháp trong diện mạo mới. Các nhiệm vụ mới được Chính phủ giao cho Bộ Tư pháp như: quản lý thống nhất công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, quản lý nhà nước về kiểm soát thủ tục hành chính, theo dõi tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, là cơ quan đầu mối quốc gia thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị, là đại diện pháp lý của Chính phủ trong việc giải quyết các tranh chấp quốc tế..
 
Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã thông qua Luật Hòa giải cơ sở (có hiệu lực từ 1/1/2014) tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế và vật chất để tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở tiếp tục phát triển. Luật dũng giúp kịp thời ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật ngay từ co sở, giảm bớt các vụ việc phải chuyển đến tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết; góp phần bảo đảm ổn định chính trị, trạt tự an toàn xã hội.
 
Theo bình chọn của Ngành Tư pháp, năm 2013, công tác đào tạo cán bộ pháp luật và các chức danh tư pháp có bước phát triển quan trọng khi Đề án “xây dựng trường Đại học Luật Hà Nội và trường Đại học Luật TP.HCM thành các trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật” và đề án “Xây dựng học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp” được phê duyệt.


Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc