Xử nghiêm điều tra viên bắt giam người vô tội

08:18, 08/11/2013
|

(VnMedia) - Đại biểu Huỳnh Nghĩa (TP Đà Nẵng) đề nghị, trong Nghị quyết sắp tới của Quốc hội về công tác tư pháp cần yêu cầu xử lý nghiêm các điều tra viên, kiểm sát viên đã khởi tố bắt giam người không có tội…
 
Có tình trạng lạm dụng khởi tố vụ án

Trong phiên thảo luận sáng 7/11 về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, đại biểu Huỳnh Nghĩa (TP Đà Nẵng) cho biết,  qua giám sát cho thấy ngành công an tạm đình chỉ điều tra 5.906 người là con số khá lớn, cao hơn năm 2013. Điều này thể hiện tình trạng lạm dụng việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt khẩn cấp, bắt thay đổi điều tra vẫn còn những vi phạm nghiêm trọng trực tiếp xâm hại đến quyền cơ bản của con người và quyền được tự do thân thể.
 
“Vậy vai trò của ngành kiểm sát trong công tác kiểm sát, tạm giữ, tạm giam, khởi tố điều tra như thế nào? Tôi đề nghị làm rõ vấn đề này để chấm dứt ngay tình trạng nêu trên.” – đại biểu Nghĩa nói và đề nghị, Nghị quyết sắp tới của Quốc hội về công tác tư pháp cần yêu cầu xử lý nghiêm các điều tra viên, kiểm sát viên đã khởi tố bắt giam người không có tội.
 
Về công tác thi hành án tử hình, ông Nghĩa cho biết, hiện nay cả nước có 684 người bị kết án tử hình nhưng mới thi hành xong 2 người, có 9 người viết đơn tự nguyện xin thi hành án, nghĩa là xin được chết nhưng chưa giải quyết.
 
“Nhiều cử tri đặt câu hỏi về tính nghiêm minh của Luật thi hành án hình sự, bởi luật này có hiệu lực từ mùng 1 tháng 7 năm 2011 nhưng vì sao lại để tình trạng này kéo dài như vậy, trách nhiệm thuộc về ai? Đây là vấn đề mang tính nhân đạo, do đó tôi đề nghị Quốc hội cần giám sát tối cao vấn đề này” – đại biểu Huỳnh Nghĩa nói.
 
Theo ông, Nghị quyết 37 yêu cầu khẩn trương tổ chức thi hành án tử hình nhưng thực tế triển khai quá chậm, vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật, cần xử lý không thể kéo dài. “Kỳ họp cuối năm 2012 tôi đã đề nghị Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết cho phép tạm thời tiếp tục thi hành án tử hình bằng hình thức xử bắn nhưng chưa được quan tâm.” – đại biểu Nghĩa bức xúc nói.
 
Ông cũng cho biết, tại kỳ họp này các đoàn Quốc hội Cần Thơ, Hòa Bình, Hưng Yên và thành phố Đà Nẵng thảo luận ở tổ để thống nhất kiến nghị với Quốc hội xem xét, ban hành nghị quyết cho phép thi hành án tử hình bằng hình thức xử bắn trong khi chờ thuốc độc. Vì tử hình là biện pháp răn đe cao nhất của pháp luật, cần được tổ chức thi hành nghiêm túc, kịp thời mới đảm bảo tính nghiêm minh không để kéo dài như năm này qua năm khác làm cho pháp luật không nghiêm gây tâm lý bất an xã hội.

Về giải quyết đơn khiếu nại, giám đốc thẩm, tái thẩm, theo đại biểu Nghĩa, năm qua ngành kiểm sát chỉ giải quyết trên 2.000, đạt tỷ lệ 25% là quá thấp. Điều này cho thấy công tác giải quyết đơn giám đốc thẩm, tái thẩm có chuyển biến nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Theo đại biểu Huỳnh Nghĩa, cả hai ngành Tòa án, Kiểm sát còn tồn đọng trên 10.000 đơn là con số quá lớn.
 
Ông cũng đề nghị ngành tòa án, kiểm sát siết chặt kỷ cương trong công tác cán bộ đối với thẩm phán, kiểm sát viên có án bị hủy do lỗi chủ quan thì phải tiến hành kiểm điểm, làm rõ nguyên nhân sai phạm. Những vụ án oan sai cần xử lý kịp thời, đúng pháp luật, nhằm đem lại công lý cho xã hội. Kiên quyết không bổ nhiệm lại những người có án bị hủy, khắc phục tình trạng che giấu số lượng án bị hủy mỗi khi làm thủ tục tái bổ nhiệm.

Ảnh minh họa

Đại biểu Huỳnh Nghĩa (TP. Đà Nẵng)


Tội phạm dùng chứng nhận tâm thần làm… bùa hộ mệnh

Cũng trong phiên thảo luận sáng 7/11, đại biểu Vũ Xuân Trường (Nam Định) đã nêu lên một thực trạng hết sức đáng ngại, đó là tình hình tội phạm xâm phạm thân thể, xâm phạm trật tự an toàn xã hội không giảm mà có lúc có nơi gia tăng đã diễn biến phức tạp.
 
“Thông qua thực tiễn, chúng tôi thấy có cả nguyên nhân chủ quan của các cơ quan chức năng, của những người làm nhiệm vụ nhưng chúng tôi cũng thấy có cả những nguyên nhân khách quan như khi bắt giữ một số trường hợp phạm tội có tính chất côn đồ, lưu manh, hoạt động dưới dạng băng nhóm, chúng tôi phát hiện không ít trường hợp bọn chúng đều có sổ bệnh án khám, điều trị thậm chí kết luận của cơ quan giám định về tình trạng bệnh lý tâm thần. Bị can thông qua cơ quan giám định đã chuẩn bị kỹ và coi như lá bùa hộ mệnh để trốn tránh pháp luật khi gây án.” – đại biểu Trường cho biết.
 
Theo đại biểu Trường, gặp những trường hợp trên trước hết đều phải áp dụng các biện pháp tạm giữ, tạm giam sau đó mới trưng cầu giám định hoặc giám định lại, nếu kết quả giám định vẫn kết luận bị can là tâm thần trong thời điểm phạm tội thì áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh, sau khi chữa bệnh xong tiếp tục điều tra xử lý theo luật định mặc dù kiên quyết đấu tranh và áp dụng nhiều biện pháp để xử lý với loại tội phạm này. Nhưng trong quá trình triển khai thực hiện theo quy định của Luật tổ chức Viện kiểm sát và Luật tố tụng thì Viện kiểm sát chỉ kiểm sát hoạt động tư pháp của các cơ quan tư pháp mà không có chức năng kiểm sát hoạt động của các cơ quan bổ trợ tư pháp như cơ quan giám định. Theo ông, đây là một kẽ hở, một khó khăn bất cập của pháp luật cần phải được xem xét.


Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc