(VnMedia) - Bên lề Quốc hội sáng 5/11, đại biểu Dương Trung Quốc đã trao đổi về vụ án oan giết người khiến ông Nguyễn Thanh Chấn phải ngồi tù 10 năm qua.
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc |
- Những ngày gần đây, vụ án oan 10 năm của ông Nguyễn Thanh Chấn đang khiến dư luận rúng động. Ông cảm nhận như thế nào về vụ án này?
Thứ nhất là tôi mừng cho họ, nhưng vẫn suy nghĩ về cái gì gây nên oan ức đó.
Tất nhiên ở đây là vấn đề xã hội, vấn đề rất lớn. Cái gì khiến cho sau 10 năm mọi chuyện mới sáng tỏ. Vậy câu chuyện cách đây 10 năm là như thế nào? Tỷ lệ án oan là bao nhiêu? Trong án oan ấy có bao nhiêu án oan được giải? Đó là một câu hỏi rất là khó, là một ẩn số.
Nếu theo dõi ở Quốc hội ta sẽ thấy một thực trạng là cơ quan tham gia vào quá trình điều tra tố tụng đều nói về sự quá tải của mình, về số lượng những vụ án và chất lượng của các cơ quan tham gia... Đặc biệt tôi chú ý đến việc áp lực khối lượng xét xử được nhân lên, bởi nhiều vụ việc phải xét xử đi, xét xử lại rất nhiều lần qua các cấp, có trường hợp mỗi cấp lại có những kết luận gần như trái ngược lại nhau. Chính vì thế mà ở đây tôi cho rằng, nó có vấn đề liên quan đến chất lượng của bộ máy điều tra, bộ máy xét xử.
- Ông nghĩ như thế nào khi một công dân vô tội phải ký vào các bút lục nhận tội?
Chỉ khi ra tòa thì họ mới khai, bởi vì chắc chắn thời kỳ tạm giam là thời kỳ họ chịu nhiều áp lực trực tiếp. Họ biết rằng khi ra tòa họ mới có thể nói điều họ muốn nói.
Về nguyên tắc là chúng ta cấm việc sử dụng những nhục hình. Nhưng điều đó có thực thi được hay không thì lại là chuyện khác. Ở đây chính là vai trò của các luật sư. Nếu luật sư được tham gia tố tụng ngay từ đầu, và được thực thi hết trách nhiệm của mình, thì đó sẽ là yếu tố đảm bảo việc giám sát trong quá trình điều tra, để tránh hiện tượng tiêu cực, sai lệch bản chất sự việc.
- Theo cảm nhận của ông, cải cách tư pháp 10 năm qua đã làm được những điều như ông nói chưa?
Chưa làm được. Chúng ta thấy vai trò của luật sư tuy đã thay đổi rất nhiều, nhưng hiện nay số lượng luật sư còn rất ít. Điều kiện tiếp cận, thuê luật sư cho số đông những người dân vẫn còn hạn chế. Tôi cho điều này dẫn đến tình trạng đó. Nhưng vấn đề còn lại là khi việc xảy ra hồi đó (cách đây 10 năm), nếu các cơ quan điều tra đi đến cùng sự việc thì sẽ khắc phục được phần nào.
- Chúng ta có nhiều vụ án oan sai, nhưng vụ án này là do hung thủ ra đầu thú. Còn những vụ khác thì cơ hội được minh oan sẽ không thể xảy ra?
Lẽ ra thông thường cơ quan điều tra phải là người góp phần. Nhưng vụ việc này, hung thủ ra đầu thú không biết là do họ tự giác hay chịu áp lực của xã hội, trong đó có câu chuyện gia đình phải tự đi giải oan cho mình. Và hiện trạng tự xử như thế không giống như những hiện trạng khác. Nó thể hiện sự giảm sút của vai trò pháp luật.
- Cách đây vài năm, tại mỗi kỳ họp Quốc hội, án oan sai được đưa ra nói rất mạnh mẽ nhưng gần đây không có mấy. Phải chăng án oan đang ít đi? Hay các đại biểu Quốc hội không quan tâm đến vấn đề này nữa?
Tôi chưa rõ là việc này trong quá trình gia đình làm thì các cơ quan dân cử, Hội đồng Nhân dân, đại biểu Quốc hội đã tiếp cận được chưa, và đã tạo ra áp lực theo quy định của pháp luật hay chưa? Thí dụ như hiện nay tôi cũng có một vài vụ án đang đặt vấn đề, nhưng nhiều khi chính bản thân chúng tôi đưa ra yêu cầu với Tòa án Tối cao, Tòa án Tối cao chưa trả lời thì đã xử lại rồi. Nếu lần này có cơ hội để mà chất vấn Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao thì tôi sẽ hỏi.
- Theo ông, làm sao để không có những người bị kết án oan như những vụ vừa rồi, hay nói cách khác cải cách tư pháp phải giải quyết bài toán này thế nào?
Đây là một câu trả lời khó, nhưng rõ ràng là phải làm sao cho mọi chuyện minh bạch trong quá trình xét xử, và hỗ trợ tư pháp cho các phạm nhân, nhất là đối với những người không có điều kiện để tự bảo vệ mình.
- Xin cảm ơn ông.
Ý kiến bạn đọc