(VnMedia) - Mặc dù liên tục chịu gió mạnh cấp 12, giật cấp 13, cấp 14, nhưng do có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, các lực lượng quân và dân trên các đảo đều được an toàn. Chưa có thông tin người thiệt mạng ngoài 3 người mất tích ở Quảng Ninh…
Do có sự chuẩn bị chu đáo nên thiệt hại do bão số 24 đã được hạn chế đến mức thấp nhất - ảnh: VnE |
Ngay đầu giờ sáng nay, tại Hải Phòng, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão Trung ương đã có cuộc họp tổng hợp đánh giá sơ bộ những thiệt hại ban đầu do bão số 14 gây ra để có hướng khắc phục kịp thời. Cuộc họp do Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải chủ trì.
Theo thống kê mới nhất về các vùng chịu ảnh hưởng của bão, chưa ghi nhận thiệt hại về người. Trên các đảo, nơi liên tục chịu gió mạnh cấp 12, giật cấp 13, cấp 14, do có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, các lực lượng quân và dân trên các đảo đều được an toàn. Ven biển các khu neo đậu cũng không ghi nhận sự cố vỡ hay chìm tàu.
Ban Chỉ đạo nhấn mạnh tinh thần khẩn trương, tích cực của chính quyền, cơ quan khí tượng thủy văn trung ương, các cơ quan truyền thông đã thông tin nhanh, kịp thời, chính xác diễn biến của cơn bão.
Theo Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão Trung ương về tình hình hồ chứa khu vực phía Bắc và khu vực Trung Bộ từ Thanh Hóa đến Quảng Bình, hiện các hồ chứa cơ bản đã đầy, một số hồ đang tràn tự do hoặc xả tràn như: Pa Khoang đang tràn tự do (Điện Biên); Núi Cốc xả 50m3/s (Thái Nguyên); Yên Lập xả 100m3/s (Quảng Ninh); Suối Hai đang tràn tự do (Hà Nội); Sông Mực xả 200m3/s, Yên Mỹ xả 40m3/s (Thanh Hóa); Sông Sào xả 75m3/s, Vệ Vừng, Khe Đá, Xuân Dương đang tràn tự do (Nghệ An); Kẻ Gỗ xả 350 m3/s, Sông Rác xả 50m3/s, Kim Sơn xả 6m3/s (Hà Tĩnh); Vực Tròn xả 98m3/s (Quảng Bình).
Một số vùng hạ du của các hồ chứa nước lớn cần lưu ý về phòng tránh lũ lụt khi các hồ xả lũ trong đợt mưa lũ này gồm Núi Cốc (Thái Nguyên); Đầm Hà Động (Quảng Ninh); Cấm Sơn (Bắc Giang); Cửa Đạt (Thanh Hóa); Vực Mấu, Sông Sào (Nghệ An).
Kết luận cuộc họp sáng ngày hôm nay, Phó Thủ tướng Chinh phủ Hoàng Trung Hải đã đánh giá cao tinh thần nghiêm túc của chính quyền và sự hợp tác phòng chống bão của người dân ở các địa phương. Các tỉnh đã làm tốt công tác chuẩn bị ứng phó với bão. Truyền thông cũng phát huy sức mạnh từ trung ương đến các thôn, xã góp phần giảm thiểu thiệt hại do bão số 14 gây ra.
3 người mất tích ở Quảng Ninh
Thông tin mới nhất chúng tôi vừa nhận được từ Hải Phòng, theo ông Nguyễn Bá Tiến, Chánh văn phòng Ủy ban phòng phòng chống lụt bão Tành phố, toàn Hải Phòng có 6 nhà dân và 1 trường học có 3 phòng bị tốc mái. Các công trình đê điều, công trình giao thông và hạ tầng kỹ thuật khác nhìn chung đảm bảo an toàn.
Trong khi đó, theo ông Phạm Đình Hòa, Chánh văn phòng Ban phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ninh, Bão đổ bộ vào Quảng Ninh từ 22 giờ ngày 1/11, thời điểm gió mạnh nhất là từ 0-2 giờ sáng, ở thành phố Hạ Long và đảo Cô Tô gió đã giật đến cấp 13. Lượng mưa phổ biến tính đến 7 giờ ngày 11 là khoảng 200mm.
Thống kê sơ bộ đến 9h30 ngày 11/11, không có người chết và bị thương nhưng có 3 người mất tích. 18 nhà đổ, 525 nhà tốc mái một phần, 14 nhà bị ngập, 16 chiếc tàu thuyền bị chìm, 68 bè mảng bị hư hỏng hoặc chìm, 2 cột ăng ten viễn thông bị đổ, 1 nhà lưới trồng hoa rộng hơn 3000m2 bị đổ, khoảng 279ha hoa màu bị hư hỏng, sạt lở một số tuyến giao thông tỉnh lộ. Rất nhiều cây xanh bị đổ.
Theo nhận định của ông Hòa thì với một cơn bão lớn như bão số 14, với thời gian đổ bộ kéo dài thì những thiệt hại đã được đáng kể.
Ông Hòa cũng cho biết, hiện nay nước sông ở một số nơi đã lên cao như sông Ba Chẽ, sông Tiên Yên, trong khi dự báo trời vẫn có thể tiếp tục có mưa. Do vậy, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tuyên truyền để người dân không ra sông vớt củi, không được lội qua các ngầm khi đã có nước cao khoảng 30-40cm.
Ý kiến bạn đọc