Sửa Luật Đất đai sẽ làm… đóng băng thị trường bất động sản?

07:48, 25/11/2013
|

(VnMedia) - Theo Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng), nếu quy định các các dự án đầu tư kinh doanh nhà ở không được phân lô bán nền như Điều 194 Dự thảo Luật Đất đai thì sẽ dẫn đến đóng băng thị trường bất động sản…

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

 
Theo Chương trình Kỳ họp, Luật Đất đai dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua vào cuối tuần này. Tuy nhiên, ngoài những điều liên quan đến vấn đề thu hồi đất hay định giá đất thì hiện vẫn còn khá nhiều ý kiến của các đai biểu cho rằng, Dự thảo còn những điều khoản khác chưa phù hợp với thực tế, cần phải tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi.
 
Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng):
Không nên cấm phân lô bán nền

Nghiên cứu quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 194, tôi thấy Ban soạn thảo tiếp thu và thiết kế theo hướng các dự án đầu tư kinh doanh nhà ở không được phân lô bán nền, tôi cho rằng đây là quy định thiếu thực tế và không khả thi, dễ dẫn đến đóng băng thị trường bất động sản. Bởi lẽ, trong một số dự án nhà ở đô thị thường có phân khu chức năng, có khu dành để xây dựng khu chung cư, có khu để xây dựng biệt thự, có khu phải chia lô để bán cho người dân xây dựng nhà ở theo ý muốn của mình, đương nhiên phải tuân thủ theo nguyên tắc, theo quy hoạch, đảm bảo phù hợp với kiến trúc chung. Do đó việc không cho phép chia lô bán nền hoàn toàn không phù hợp với thực tiễn và sở thích của người dân, vì không phải gia đình nào cũng muốn mua nhà chung cư hay biệt thự. Từ đó, tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu và sửa lại điều luật này phù hợp với hiện tại để Quốc hội xem xét quyết định. 
 
Đại biểu La Ngọc Thoáng (Cao Bằng):
Cần có chế tài về việc lấy ý kiến nhân dân

Khoản 1, Điều 43 dự thảo luật yêu cầu cơ quan tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có trách nhiệm phải tổ chức lấy ý kiến đóng góp của nhân dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Tuy nhiên, tôi băn khoăn về tính khả thi của quy định này vì nó chưa đủ mạnh mà mới chỉ dừng lại ở chỗ có trách nhiệm, không có giá trị bắt buộc nên làm cũng được, không làm cũng không sao. Trong luật chưa có các chế tài cần thiết đối với tổ chức liên quan không lấy ý kiến của nhân dân, hoặc không thực hiện đúng quy định, trình tự, thủ tục lấy ý kiến nhân dân. Do vậy, tôi đề nghị thay cụm từ "có trách nhiệm" bằng cụm từ "có nghĩa vụ" và bổ sung vào Điều 43 quy định như sau: "Quy hoạch kế hoạch sử dụng đất không có hiệu lực thực hiện khi không được đưa ra lấy ý kiến của nhân dân, hoặc thực hiện không đúng quy trình, trình tự thủ tục lấy ý kiến người dân". Ngoài ra tôi đề nghị cần bổ sung quy định mức độ đồng thuận của người dân được xin ý kiến tối thiểu cần phải đạt tỷ lệ từ 70% - 80% thì bản quy hoạch, kế hoạch mới có giá trị pháp lý, đây là một nguyên tắc đảm bảo tính dân chủ công khai theo quy định tại Khoản 6, Điều 35 dự thảo.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình):
Cần q
uy định trách nhiệm các cấp khi lấy ý kiến nhân dân

Tôi đề nghị bổ sung vào Điều 49, Điểm 1 vai trò, trách nhiệm của cấp huyện, cấp xã trong việc lấy ý kiến toàn dân tham gia góp ý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bởi 2 lý do. Thứ nhất, thực tế hiện nay trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất người dân không được tham gia. Từ thực tế tham vấn cộng đồng chúng tôi thấy rằng người dân rất có nhu cầu về tham gia quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Thực tế nhiều dự án, nhiều chương trình, kế hoạch thu hồi sử dụng đất người dân không đồng tình với một lý do là người ta chưa biết, chưa tham gia vấn đề quy hoạch sử dụng đất.
 
Thứ hai, đất đai là sở hữu của toàn dân thì cái tối thiểu nhất của sở hữu toàn dân người dân phải được tham gia quy hoạch kế hoạch sử dụng đất. Vừa lấy được ý kiến, vừa lấy được trí tuệ của người dân tham gia kế hoạch sử dụng đất, vừa thực hiện được mục tiêu dân chủ, công khai, với phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra". Nếu người dân biết được quy hoạch, người dân có thể tránh được những thiệt hại. Thời gian qua, người dân không biết nhưng cò đất biết, kẻ đầu cơ biết cho nên lợi dụng mua rẻ, bán đắt, thu lợi nhuận, còn người dân thiệt thòi. Một số trường hợp khác, người dân không biết quy hoạch nên mua phải đất quy hoạch không làm được nhà hoặc mua phải đất không nằm trong quy hoạch, cuối cùng xây dựng nhà bất hợp pháp…
 
Điểm 2 có quy định nhà nước sẽ bồi thường đất cho đối tượng không có đất ở, nhà ở, còn trường hợp đã có đất ở, nhà ở thì không bồi thường đất mà bồi thường tiền. Tôi thấy đây là bất công bằng. Đã thu hồi rồi thì anh phải bồi thường giống nhau, đất là đất cả, mà không có đất thì bồi thường bằng tiền cả, giống Điều 74, chứ không thể có người bồi thường bằng đất, người bồi thường bằng tiền….
 
Đại biểu Đinh Công Sỹ (Sơn La):
Dự thảo quy định trái với Luật Khiếu nại

 
Điều 203 quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai tại Điểm a, Khoản 3, Điều 203 dự thảo quy định. Trường hợp tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân cộng đồng dân cư với nhau thì Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết, nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính. Tôi cho rằng quy định như dự thảo là không phù hợp với Luật khiếu nại. Theo quy định tại Điều 7 của Luật khiếu nại, nếu không đồng ý với quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì cá nhân có quyền khiếu nại lần đầu trực tiếp đến người ra quyết định hành chính. Trường hợp người khiếu nại vẫn không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu thì có thể khiếu nại lên thủ trưởng cấp trên trực tiếp hoặc trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc khởi kiện vụ án hành chính theo quy định của Luật tố tụng hành chính.
 
Như vậy, khi quyết định giải quyết tranh chấp về đất đai thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân cấp huyện mà các bên đương sự không đồng ý vì cho rằng đã xâm phạm đến lợi ích của mình thì quyết định giải quyết tranh chấp khi đó là một quyết định cá biệt có được coi là đối tượng của khiếu nại không. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có phải xem xét lại chính quyết định giải quyết tranh chấp mà mình đã ban hành hay không khi các đương sự yêu cầu. Nếu coi đó là đối tượng của khiếu nại thì phải được thực hiện theo quy trình 2 cấp giải quyết của Luật khiếu nại, tố cáo.

Tuy nhiên, trong dự thảo quy định hiện nay, khi không đồng ý với quyết định giải quyết tranh chấp của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện đương sự có quyền được khiếu nại lên Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và rõ ràng việc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết mới được coi là xem xét lại vụ việc lần đầu. Tôi cho rằng quy định như vậy trái với Luật khiếu nại, đồng thời hạn chế cơ hội của công dân khiếu nại và khởi kiện ra tòa khi đề nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết một cách thấu đáo các tranh chấp về đất đai.


Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc