Phải lấy ý kiến nhân dân trước khi chia tách, sáp nhập

13:18, 18/11/2013
|

(VnMedia) - Uỷ ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đề nghị chỉnh lý lại khoản 2 Điều 110 dự thảo Hiến pháp như sau: “Việc thành lập mới, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính phải lấy ý kiến nhân dân địa phương…”.

 

Sáng nay (18/11), Quốc hội đã nghe Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ và hội trường và chỉnh lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; dự thảo Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013).

 

Phát biểu ngay sau đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, chương trình kỳ họp Quốc hội đã quyết định ngày 28/11, Quốc hội sẽ quyết định thông qua Hiến pháp này. Điều đó vừa thể hiện tinh thần trách nhiệm của mình, là đại biểu của toàn dân, vừa thể hiện nguyên tắc đại biểu Quốc hội được nhân dân và Hiến pháp giao cho.

 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định sẽ tiếp tục tiếp thu những ý kiến hợp lý nhất để có bản dự thảo tốt nhất. “Mặc dù có thể còn ý kiến khác nhau, nhưng chúng ta đã làm hết sức mình, hết trách nhiệm và làm việc theo nguyên tắc tập trung, dân chủ. Ngày 28 này phải thể hiện sự đồng thuận đó”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.


 Ảnh minh họa

 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng

 

Theo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội trường, một trong những điểm quan trọng của Dự thảo còn nhiều ý kiến, đó là chương về chính quyền địa phương.

 

Theo đó có đại biểu Quốc hội tán thành với quy định về đơn vị hành chính và chính quyền địa phương như Dự thảo. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị Hiến pháp quy định khái quát về các đơn vị hành chính, còn việc phân định cụ thể đơn vị hành chính dưới cấp tỉnh sẽ do luật định phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo. Về mô hình, Hiến pháp cần xác định chính quyền địa phương gồm Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân.

 

Một số ý kiến khác đề nghị bổ sung đơn vị hành chính hải đảo; quy định rõ thẩm quyền thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt thuộc Quốc hội hay Ủy ban thường vụ Quốc hội.

 

Trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đề nghị quy định về đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương như sau:

 

Về đơn vị hành chính (Điều 110), Dự thảo tiếp tục giữ quy định về các đơn vị hành chính tại Điều 118 của Hiến pháp năm 1992 nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ, ổn định trong cả nước và xin bổ sung quy định về đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội thành lập như Dự thảo.

 

Việc không bổ sung đơn vị hành chính hải đảo vào Điều 110 là vì khi xác lập đơn vị hành chính ở hải đảo phải căn cứ vào các đặc điểm về diện tích, quy mô dân số và các yếu tố khác liên quan,… mà cơ quan có thẩm quyền xác định hải đảo đó là đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện hay cấp xã. Đối với đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp thấy rằng, do đây là loại đơn vị hành chính có tính chất “đặc biệt” với những cơ chế, chính sách đặc thù về kinh tế cũng như về hành chính, có thể không phù hợp với một số quy định của luật. Vì vậy, việc thành lập các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt này phải do Quốc hội quyết định; còn đơn vị hành chính kinh tế - đặc biệt trực thuộc trung ương hay trực thuộc tỉnh thì sẽ do luật định khi Quốc hội quyết định thành lập.

 

Về tổ chức chính quyền địa phương (Điều 111), Dự thảo quy định chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính địa phương của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam . Cấp chính quyền địa phương gồm Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do luật định.

 

Về điều kiện thành lập mới và điều chỉnh địa giới hành chính (Điều 110), có ý kiến đề nghị bổ sung nguyên tắc thành lập mới, chia tách, sáp nhập, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính phải lấy ý kiến của nhân dân địa phương nhằm bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân ở địa phương, bảo đảm tính ổn định của các đơn vị hành chính, bảo đảm chặt chẽ, tránh tình trạng “nhập - tách” thiếu căn cứ.

 

Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp nhận thấy, ý kiến nêu trên là xác đáng. báo cáo giải trình do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thay mặt Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp ký, đề nghị Quốc hội cho tiếp thu và chỉnh lý lại khoản 2 Điều 110 như sau: “Việc thành lập mới, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính phải lấy ý kiến nhân dân địa phương và do Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định”.

 

Về chức năng, nhiệm vụ của chính quyền địa phương (Điều 112), có ý kiến đề nghị trong Hiến pháp cần quy định khái quát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương để làm cơ sở cho luật quy định cụ thể.

 

Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp tán thành với ý kiến nêu trên và đề nghị Quốc hội cho bổ sung vào Điều 112 quy định, “Chính quyền địa phương tổ chức và bảo đảm việc thi hành Hiến pháp, pháp luật tại địa phương; quyết định các vấn đề của địa phương do luật định; chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước cấp trên”.

 

Về Hội đồng nhân dân (Điều 113), có ý kiến đề nghị quy định Hội đồng nhân dân quyết định dự toán và phân bổ ngân sách địa phương; phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương.

 

Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp thấy rằng, theo quy định tại Điều 111 của Dự thảo thì chính quyền địa phương có nhiệm vụ, quyền hạn quyết định các vấn đề của địa phương do luật định. Một trong những vấn đề quan trọng nhất là quyết định ngân sách. Tuy nhiên, Hiến pháp chỉ quy định khái quát, còn nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của chính quyền địa phương, của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân sẽ do luật quy định. Vì vậy, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đề nghị Quốc hội cho giữ như Dự thảo.

 

Về Ủy ban nhân dân (Điều 114), có ý kiến đề nghị bỏ cụm từ “Uỷ ban nhân dân do Hội đồng nhân dân cấp trên trực tiếp phê chuẩn theo đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp” để thực hiện thống nhất nguyên tắc: ở mỗi cấp chính quyền địa phương đều có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân.

 

Tiếp thu ý kiến nêu trên, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đề nghị Quốc hội cho chỉnh lý lại nội dung này như quy định tại Điều 114 của Dự thảo.


Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc