(VnMedia) - “Cử tri cho rằng “nợ xấu” về tài chính, tiền tệ cũng đáng lo ngại, song lo ngại nhất là “nợ xấu” lòng tin và “tồn đọng” trách nhiệm trong phòng chống tham nhũng” – đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) nói…
Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến |
Hôm nay (7/11), Quốc hội dành cả một ngày để thảo luận về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm cũng như công tác phòng chống tham nhũng.
Dẫn chứng chính báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội trong phiên khai mạc, rằng công tác phòng chống tham nhũng (phòng chống tham nhũng) chưa đạt yêu cầu, tham nhũng chưa thực sự bị ngăn chặn và đẩy lùi, đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) nói: “Trước đây, chúng ta cho rằng do hệ thống chính sách, pháp luật bất cập, bộ máy chưa hoàn thiện, nhưng nay Luật Phòng chống tham nhũng đã được sửa đổi, bổ sung, cơ quan chuyên trách được tổ chức đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. Nói một cách hình ảnh là chúng ta đã bầy binh bố trận rầm rộ, bài bản, dàn quân toàn tuyến, khí thế hừng hực, quân lực và hỏa lực hùng hậu, song “giặc nội xâm” tham nhũng chưa bị sát thương bao nhiêu, tiêu diệt chưa được là mấy.”
Đại biểu tỉnh Quảng Trị cho rằng, khi quyết tâm chính trị đã có và mà kết quả lại chưa đạt, điều đó chứng tỏ hiệu quả phòng chống tham nhũng đang nằm ở khâu triển khai thực hiện.
“Cử tri cho rằng “nợ xấu” về tài chính, tiền tệ cũng đáng lo ngại, song lo ngại nhất là “nợ xấu” lòng tin và “tồn đọng” trách nhiệm trong phòng chống tham nhũng.” – đại biểu Tiến thẳng thắn và khẳng định: “tham nhũng chưa bị chặn đứng và đẩy lùi có nghĩa là tham nhũng đang tiến về phía chúng ta và chính chúng ta có dấu hiệu đang dần bị đẩy lùi.”
Đại biểu tỉnh Quảng Trị cũng cho biết, đại biểu Quốc hội và cử tri còn băn khoăn vì việc xử lý dường như mới dừng lại ở những người đứng đầu các đơn vị kinh tế, trong khi bản thân các đơn vị không thể tự mình gây thất thoát, tham nhũng hàng nghìn tỉ đồng, nhiều triệu đô la nếu không có sự buông lỏng quản lý, sự tiếp tay, tiếp sức thậm chí là đồng hành, đồng lõa, đồng phạm của một số cán bộ, công chức các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương,.
“Dư luận xã hội cho rằng công tác phòng chống tham nhũng mới dừng lại việc bắt sâu nhỏ ở lá, cành, chưa diệt được sâu lớn đục khoét tận thân, gốc, rễ cây, đó mới chính là nguyên nhân làm suy kiệt nhựa sống của cơ thể xã hội.” – ông Tiến ví von.
Người chống tham nhũng “đơn thương độc mã”
Đại biểu Lê Như Tiến chỉ ra một nghịch lý là, cơ quan trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia chống tham nhũng “ tầng tầng, lớp lớp”, song phần lớn các vụ tham nhũng lại do người dân và các phương tiện thông tin đại chúng phát hiện.
Nhưng ông còn cảm thấy đáng buồn hơn khi gần đây có hiện tượng người dân đã thờ ơ, không mấy mặn mà, thiếu lửa, giảm nhiệt huyết chống tham nhũng.
Đó là bởi vì, khi người dân phát hiện tham nhũng, cung cấp thông tin cho cơ quan có trách nhiệm nhưng không được xử lý cũng không phản hồi. Hơn nữa, người đứng lên đấu tranh chống tham nhũng đôi khi lại là nạn nhân của kẻ tham nhũng.
“Kẻ tham nhũng vốn có sẵn tiền và quyền lực trong tay, không từ một thủ đoạn đê hèn nào như dùng xã hội đen để dằn mặt, chủ động gây ra những vụ tai nạn giao thông để trả thù, ngụy tạo chứng cớ, tố cáo ngược người chống tham nhũng, lén bỏ ma túy vào nhà, vào xe, giương “bẫy tình” rồi vu oan giá họa, bắt cóc người thân để gây áp lực…v.v. Trên thực tế, nhiều người đứng ra tố cáo hoặc quyết liệt chống tham nhũng trở thành những người “đơn thương độc mã”, đã tạo ra một tâm lý xã hội “người ngay sợ kẻ gian”, tâm lý thờ ơ, vô cảm hoặc “makênô” (mặc kệ nó).” – đại biểu Tiến dẫn chứng.
Ngay cả với đại biểu Quốc hội, theo ông Tiến, cũng có người khuyên “im lặng là vàng”. “Nhưng đại biểu Quốc hội đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri mà không nói lên tiếng nói của cử tri thì suốt đời là người “mắc nợ”.” – đại biểu Lê Như Tiến tâm huyết nói.
Đại biểu Tiến cũng chia sẻ: “Có vị đại biểu tâm sự, mỗi lần ra họp Quốc hội, lãnh đạo địa phương căn dặn rất kỹ lưỡng, muốn phát biểu gì cũng được trừ phát biểu về tham nhũng vì nếu phát biểu, khi còn cơ chế xin - cho, mình xin… ai cho? Càng không nên phát biểu về tham nhũng ở địa phương vì dại gì “vạch áo cho người xem lưng” và vì thế, “tiếng nói chống tham nhũng có nguy cơ bị triệt tiêu ngay trên diễn đàn Quốc hội.”
Về minh bạch tài sản, đại biểu tỉnh Quảng Trị cho rằng, có kê khai mà không công khai, vì bản kê khai tài sản thường được “cất rất ngăn nắp, kín đáo, cẩn mật trong tủ hồ sơ của các cơ quan quản lý cán bộ” mà không niêm yết công khai nơi công tác, nơi cư trú của người có chức, có quyền.
“Khi người dân không kiểm soát được thu nhập của công chức thì kê khai chỉ mang tính hình thức, chiếu lệ mỗi khi đề bạt, bổ nhiệm, bầu cử, ứng cử hoặc bỏ phiếu tín nhiệm. Tai mắt nhân dân trong phòng chống tham nhũng không có điều kiện để tỏ tường vì thiếu thông tin, thiếu sự minh bạch.” – đại diện cho tiếng nói cử tri tỉnh Quảng Trị nói.
Xuân Hưng
Ý kiến bạn đọc