Năm 2014, hạn chế phương tiện cá nhân trên nhiều tuyến phố

12:06, 25/11/2013
|

(VnMedia)Bộ Giao thông vận tải vừa đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ một loạt các biện pháp nhằm hạn chế sự gia tăng phương tiện cá nhân ở 5 thành phố lớn: Hà Nội, TPHCM, Cần Thơ, Đà Nẵng và Hải Phòng. Theo đề xuất này, từ 2014, sẽ hạn chế phương tiện cá nhân ở một số tuyến phố theo giờ nhất định trong ngày và trong tuần...

Lý giải cho đề xuất trên, Bộ Giao thông vận tải cho biết, trong 10 năm qua, hệ thống giao thông vận tải tại các thành phố lớn như: Hà Nội, TPHCM, Cần Thơ, Đà Nẵng và Hải Phòng có sự phát triển nhanh chóng. Nhiều công trình giao thông hiện đại như đường cao tốc đô thị, cầu vượt, hầm chui được đầu tư, dịch vụ vận tải hành khách công cộng được quan tâm...

Tuy nhiên, với tốc độ đô thị hóa nhanh và việc di dân tự do không kiểm soát tại các đô thị cùng với sự gia tăng nhanh chóng số lượng phương tiện cơ giới cá nhân (số phương tiện cơ giới cá nhân năm 2012 tại Hà Nội là 4.346.860 xe, tại TPHCM là 5.477.902 xe, tại Hải Phòng là 826.661 xe, tại Đà Nẵng là 578.050 xe, tại Cần Thơ là 568.339 xe) đã gây ra tình trạng ùn tắc giao thông và cản trở quá trình phát triển kinh tế xã hội tại các đô thị.

Theo tính toán của Bộ Giao thông vận tải, giai đoạn 2002-2012, tốc độ tăng trưởng phương tiện hàng năm tăng nhanh ở tất cả các thành phố lớn. Tại Hà Nội: xe con tăng bình quân 17,23%/năm, xe gắn máy tăng bình quân 11,02%/năm, Tại TPHCM: xe con tăng bình quân 14,88%/năm, xe gắn máy tăng bình quân 9,79%/năm. Tại Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ phương tiện đi lại chủ yếu là xe gắn máy (xe ô tô con chiếm tỷ lệ nhỏ so với xe gắn máy).
 
Tốc độ tăng trưởng phương tiện xe gắn máy cao từ 15÷20%/năm, trong khi kết cấu hạ tầng giao thông phát triển không đáp ứng được nhu cầu, gây ra tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên....Do đó, cần có một đề án tổng thể và toàn diện về phát triển hợp lý các phương thức vận tải tại các thành phố lớn ở Việt Nam, bao gồm các giải pháp đồng bộ nhằm kiểm soát, điều tiết một cách hợp lý mức độ sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tại các đô thị cùng với các giải pháp nhằm nâng cao năng lực của hệ thống VTHKCC tại các thành phố, khuyến khích sử dụng xe đạp, tạo ra thị phần hợp lý giữa các phương thức vận tải tại các thành phố nhằm tiến đến sự phát triển bền vững của các đô thị.
 

 Ảnh minh họa

Cảnh ùn tắc giao thông tại một số đô thị lớn của Việt Nam.


Từ kiến giải trên, Bộ Giao thông vận tải cho rằng, trước mắt từ nay đến 2020 cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt theo đúng các quy hoạch đã được phê duyệt của từng thành phố. Đẩy mạnh dự án xe buýt nhanh khối lượng lớn (BRT), tổ chức các làn đường dành riêng cho xe buýt trên các trục giao thông có từ 3 làn xe trên một hướng trở lên; tổ chức đèn tín hiệu giao thông ưu tiên cho xe buýt tại các nút giao trong toàn mạng lưới; ưu tiên thực hiện các dự án đầu tư phương tiện xe buýt thân thiện môi trường.

Ưu tiên đầu tư các điểm trung chuyển đa phương thức bảo đảm kết nối giữa các tuyến xe buýt với các tuyến vận tải công cộng khối lượng lớn và dịch vụ vận tải hành khách bằng xe taxi.

Tổ chức bãi đỗ xe, điểm đón khách cho xe taxi, xe ôm tại các điểm đầu, cuối và trạm dừng xe buýt bên ngoài đô thị; phát triển dịch vụ vận tải công cộng gom khách cho các dịch vụ vận tải công cộng khối lượng vừa và lớn; yêu cầu chủ đầu tư các khu đô thị, khu công nghiệp tập trung, bố trí diện tích cần thiết dành cho điểm đầu, điểm cuối, trạm dừng xe buýt phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân.

Cùng với đó là đầu tư phát triển tại mỗi thành phố lớn một trung tâm quản lý và điều hành vận tải công cộng để quản lý toàn bộ các phương thức vận tải công cộng trong đô thị, bảo đảm khả năng quản lý, giám sát trực tuyến hành trình, thời gian biểu của toàn bộ phương tiện vận tải hành khách công cộng trước tiên là xe buýt, sau đó mở rộng giám sát các phương thức vận tải khác...

Bắt đầu hạn chế phương tiện cá nhân từ năm 2014

Riêng với vấn đề quản lý, kiểm soát sử dụng phương tiện cá nhân tại 5 thành phố, Bộ Giao thông đề xuất, thực hiện phân luồng và kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên một số tuyến phố theo giờ nhất định trong ngày và ngày nhất định trong tuần kết hợp với biện pháp tăng tần suất của phương tiện công cộng và ưu đãi giá vé đối với hành khách tại thời điểm kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân; tăng cường các tuyến đường một chiều đối với phương tiện cá nhân; tổ chức phân tách làn dành riêng cho xe gắn máy và làn xe thô sơ trên các tuyến đường ra vào nội thành có đủ điều kiện về mặt cắt ngang.

Áp dụng nhiều mức thu phí trông giữ phương tiện cơ giới theo hướng giảm dần từ trung tâm ra bên ngoài, tăng dần theo mật độ giao thông; nghiên cứu, thí điểm dự án chuyển đổi phí trông giữ xe thành giá dịch vụ trông giữ phương tiện trong khu vực nội thành thành phố; có cơ chế khuyến khích đầu tư xây dựng và vận hành các công trình đỗ xe thiết yếu trong nội thành.

Nâng cấp, quản lý chặt chẽ diện tích vỉa hè, ưu tiên cho người đi bộ; thiết kế vỉa hè, lối ra vào các công trình công cộng thuận lợi cho người khuyết tật tham gia giao thông; đẩy mạnh việc tổ chức tuyến phố, khu phố dành riêng cho người đi bộ và xe đạp kết hợp với các tuyến vận tải công cộng và bãi đỗ xe cơ giới cá nhân; ưu tiên bố trí diện tích để tổ chức điểm trông giữ xe đạp và các dịch vụ cho thuê xe đạp tự động trong nội thành.

Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ đầu tư phát triển trung tâm điều khiển giao thông đô thị, tích hợp quản lý và điều hành hệ thống đèn tín hiệu, hệ thống giám sát giao thông trực tuyến, hệ thống kiểm soát giao thông bằng camera, tăng cường xử lý vi phạm của phương tiện giao thông qua hình ảnh....

Các biện pháp này được Bộ Giao thông đề xuất bắt đầu thực hiện từ năm 2014. Hiện tờ trình này đang được Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.


Tùng Nguyễn

Ý kiến bạn đọc