Lãng phí tiền Nhà nước: Trách nhiệm của ai?

14:36, 05/11/2013
|

(VnMedia) - “Thực tế thời gian vừa qua, chúng ta còn nhiều việc lãng phí. Từ việc ban hành chủ trương, quá trình chỉ đạo, thực hiện… còn rất nhiều điều cần phải nói” – đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) trao đổi bên hành lang Quốc hội ngày 4/11.

Ảnh minh họa

Đại biểu Trương Minh Hoàng, tỉnh Cà Mau


 - Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về tình trạng lãng phí tiền của nhà nước hiện nay?

Thực tế trong thời gian vừa qua, chúng ta còn nhiều việc lãng phí. Từ việc ban hành ra những chủ trương, quá trình chỉ đạo, thực hiện… còn rất nhiều điều cần phải nói.
 
Ví dụ như việc cắt, giảm, đình, hoãn, hoặc là ngưng một số công trình dự án, trong đó có việc cắt hơn 400 công trình thủy điện là lãng phí tiền của trong quá trình đầu tư, bởi nó đã phải qua rất nhiều quy trình, thủ tục. Đến khi cắt giảm thì lúc đó doanh nghiệp cũng đã bỏ tiền vào đấy rồi. Lỗi của mình chính là quá trình khảo sát, thực hiện chưa đến nơi, đến chốn. Nhưng hậu quả là lãng phí nhiều vấn đề.
 
Tôi nghĩ rằng, chúng ta phải quy định công khai cho rõ. Như chuyện cần bao nhiêu chức danh, bao nhiêu con người trong bố trí cán bộ thì phải nêu rõ ràng. Ví dụ chức danh này cần bao nhiêu người để khi sinh viên ra trường, họ biết chỗ này, chỗ kia có nhu cầu thì họ đến, chứ để họ “chạy chọt” thì lãng phí thời gian, tiền của, học tập của gia đình và xã hội. Đó chính là lãng phí về nguồn nhân lực.
 
Khi không công khai minh bạch thì họ bằng đường này đường kia cũng “chạy” để vào bằng được, con có những trường hợp người khá giỏi nhưng không có điều kiện (chạy – pv) thì lại không vào được.
 
Hay như chuyện cơ quan tuyển vị trí nào, xây dựng trụ sở cỡ nào, mua sắm xe tiền cỡ nào… thì phải có định mức và quy định công khai để tránh tình trạng, nhiều cơ quan muốn bộ mặt đẹp hơn thành ra các tỉnh đua nhau xây trụ sở hoành tráng, gây lãng phí. Bởi khi thiết kế, thi công, nếu công trình có giá trị cao, thì tỷ lệ phần trăm được hưởng cao, nên ai cũng muốn đẩy giá trị công trình lên cao. Gần như quá nhiều người muốn hưởng ở chỗ này. Theo tôi phải minh bạch chỉ tiêu rõ ràng như cấp tỉnh được xây cỡ nào, huyện được xây cỡ nào.
 
Hay như việc nhiều văn bản thấy lỗi thời rồi, nhưng rất chậm triển khai cũng là lãng phí. Lãng phí trong báo cáo giải trình. Có nhiều loại văn bản quy định từ năm 2007 lãnh đạo có hệ số mức lương từ 0,7 đến dưới 1,20 được sử dụng loại xe mua không quá 550 triệu đồng. Nhưng chúng ta thấy rằng, có lãnh đạo nào ở cấp đó chạy xe dưới 550 triệu không? Việc sử dụng văn bản không hợp lý, và chậm điều chỉnh buộc người ta phải giải trình, rồi thanh tra, báo cáo, từ đó cũng dẫn đến nhũng nhiễu phát sinh. Từ việc lãng phí, rồi đến tham nhũng cũng rất gần.
 
- Vậy theo ông, cần có giải pháp nào để chống lãng phí trong đầu tư công khi mà chúng ta đã nói, giám sát rất nhiều nhưng vẫn không hiệu quả?

Lãng phí trong đầu tư công thì phải tính đến tầm vĩ mô hơn. Ví dụ như với gần 500 đại biểu thì phải tính thế nào để tiết kiệm được từ 1-2% trong kinh tế quốc dân. Cái đó mới là cái quan trọng, và lớn.
 
Phải tính đến tiết kiệm từ cơ sở thì mới đầu tư các công trình phúc lợi lớn hơn. Đầu tư công thì nhiều văn bản đã nói rồi. Cái chính cũng xuất phát từ việc không công khai minh bạch, giao quá nhiều người quản thì ai cũng muốn kéo được công trình, kéo được công việc.
 
Tôi rất thông cảm với lãnh đạo của một số tỉnh, muốn tỉnh mình có dự án này, dự án khác cũng phải gặp gỡ "chỗ này, chỗ khác" để kéo về. Tiền thì chúng ta thấy rồi, thu nhập năm nay đã có hạn chế nên buộc phải cắt giảm. Nhưng đáng nói nhiều công trình cần đầu tư lại cắt giảm nên chả đi đến đâu, không phát huy được.
 
Tôi nói ví dụ đường Hồ Chí Minh mà không có đường Xương Cá đi qua thì cũng không phát huy được chỗ đó. Hay  tỉnh Cà Mau của tôi, có xây dựng cầu bắc qua sông Cái Lớn. Nếu tháng 6/2014 cầu đó xong, nhưng không có đường ô tô nối từ cuối huyện lên, thì cầu đó chỉ là trang trí. Hay hơn 1/4 số xã chưa hoàn chỉnh đường ô tô liên xã. Cái này là chưa đáp ứng bức xúc của bà con nhân dân mà đầu tư làm ảnh hưởng phát sinh nhiều vấn đề. Không chỉ ở các tỉnh miền Nam, mà tôi thấy các tỉnh miền núi dân tộc cũng còn khó khăn lắm, như đường ô tô, hay trường học.
 
- Theo ông, nếu chúng ta xử lý nghiêm thì liệu có lãnh đạo nào còn dùng tiền ngân sách công để mua xe nữa không?

Tôi nói là không chỉ mua phương tiện sử dụng, mà kể cả mua sắm trong các trang thiết bị sử dụng trang trí cho nơi làm việc, hay xây trụ sở không đúng mà chúng ta không công khai, không cương quyết xử lý thì việc đó sẽ còn diễn ra. Theo tôi phải xử lý cho nghiêm từ việc mua phương tiện làm việc, cho đến trang thiết bị, chỗ ngồi. Người nào quyết cho mua những đồ đó thì phải bị xử lý. Do phân cấp, nhưng cũng có trách nhiệm liên đới của người đứng đầu, nhưng cái chính là người nào quyết mua thì phải trị đến nơi đến chốn.

- Xin cảm ơn ông.


Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc