Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình tập thể và cá nhân hằng năm gắn với kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, Ban Tổ chức Trung ương đã ban hành hướng dẫn số 22-HD/BTCTW thực hiện kiểm điểm năm 2013.
Kiểm điểm, tự phê bình và phê bình năm 2013 gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng nhằm đánh giá kết quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tập thể; chức trách, nhiệm vụ của cá nhân và kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI); nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành; nâng chất lượng đánh giá, xếp loại tổ chức cơ sở đảng và cán bộ, đảng viên một cách thực chất hơn và góp phần cải cách hành chính trong sinh hoạt Đảng.
Toàn cảnh Hội nghị Trung ương 4 |
Chỉ đạo kiểm điểm chặt chẽ, đúng nguyên tắc; tổ chức kiểm điểm nghiêm túc, phát huy tính tự giác, trung thực, khách quan, tránh hình thức; đánh giá đúng ưu điểm, khuyết điểm trong lãnh đạo, quản lý, điều hành, phong cách, lề lối làm việc, ý thức tổ chức kỷ luật, đạo đức, lối sống và tính tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Lấy kết quả kiểm điểm của tập thể làm cơ sở để kiểm điểm cá nhân; lấy kết quả kiểm điểm của cá nhân để bổ sung, hoàn chỉnh kiểm điểm của tập thể và đánh giá cán bộ, đảng viên, làm căn cứ để quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ.
Đối tượng kiểm điểm: Các cấp ủy, tổ chức đảng và tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị từ Trung ương đến cơ sở; Đảng viên trong toàn Đảng, trừ đảng viên đã được miễn công tác và sinh hoạt đảng.
Nội dung kiểm điểm đối với tập thể gồm kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao; trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo trong việc quán triệt và triển khai thực hiện các chủ trương, nghị quyết, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; trong xây dựng các chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện ở địa phương, cơ quan, đơn vị; chỉ rõ ưu điểm, khuyết điểm, hạn chế và nguyên nhân.
Việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt đảng nhất là trong công tác cán bộ; làm rõ quyền hạn, trách nhiệm của tập thể và cá nhân, nhất là cá nhân người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị trong công tác cán bộ và giải pháp khắc phục những hạn chế, yếu kém; việc đổi mới phương thức lãnh đạo, xây dựng và thực hiện quy định, quy chế làm việc của tập thể lãnh đạo; biện pháp đấu tranh, ngăn chặn, xử lý sai phạm đối với tổ chức và cá nhân.
Kết quả thực hiện các giải pháp nhằm khắc phục hạn chế, khuyết điểm được chỉ ra sau kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) và những vấn đề phát sinh sau kiểm điểm; chủ trương, biện pháp phát hiện, giáo dục, đấu tranh, ngăn chặn suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của tập thể và cá nhân thuộc cấp mình quản lý; vấn đề phát huy dân chủ, tăng cường đoàn kết nội bộ trong tập thể lãnh đạo; kết quả công tác kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên và việc thực hiện Quy định những điều đảng viên không được làm; niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân đối với cấp ủy, tổ chức đảng hoặc lãnh đạo cơ quan, đơn vị.
Kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và Quy định số 101-QĐ/TW ngày 07/6/2012 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương ở địa phương, cơ quan, đơn vị.
Ban Tổ chức Trung ương cũng hướng dẫn cụ thể Nội dung kiểm điểm đối với đảng viên không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý về tư tưởng chính trị; phẩm chất đạo đức, lối sống; thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; ý thức tổ chức kỷ luật.
Trong kiểm điểm tập thể, các cá nhân, nhất là các đồng chí giữ chức vụ lãnh đạo phải kiểm điểm làm rõ kết quả khắc phục, sửa chữa yếu kém, khuyết điểm đã được kết luận hoặc mới phát sinh sau kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) và đề ra nhiệm vụ, giải pháp khắc phục. Báo cáo kiểm điểm tập thể và bản kiểm điểm cá nhân cần chỉ rõ ưu điểm, khuyết điểm, nguyên nhân; xác định trách nhiệm của tập thể, cá nhân và đề ra phương hướng, biện pháp sửa chữa, khắc phục khuyết điểm.
Việc kiểm điểm được tiến hành theo trình tự: tập thể kiểm điểm trước, cá nhân kiểm điểm sau; cấp ủy viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý kiểm điểm trước, đảng viên kiểm điểm sau.
Trong quá trình kiểm điểm đối với tập thể và các cá nhân, nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm nhưng chưa đủ điều kiện để kết luận, cần kịp thời báo cáo cấp ủy cấp trên trực tiếp xem xét, chỉ đạo cho kiểm điểm tiếp hay tạm dừng kiểm điểm. Sau khi có kết luận kiểm tra của cấp có thẩm quyền, tiếp tục kiểm điểm, kết hợp với việc xem xét mức độ kỷ luật đối với tập thể và cá nhân vi phạm (nếu có).
Trên cơ sở kết quả kiểm điểm và tự xếp loại của từng cá nhân, cấp có thẩm quyền sẽ thực hiện đánh giá, phân loại cán bộ theo Quy chế đánh giá cán bộ, công chức ban hành kèm theo Quyết định số 286-QĐ/TW ngày 08/02/2010 của Bộ Chính trị khóa X; chi bộ sẽ xếp loại chất lượng đảng viên theo Hướng dẫn số 07-HD/BTCTW ngày 11/10/2011 của Ban Tổ chức Trung ương về đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên.
Ý kiến bạn đọc