(VnMedia) - Tin mới nhất cho biết, thay vì đi vào Thanh Hóa, bão số 14 đổi hướng đi lên phía Bắc nước ta. Tâm bão được xác định là Hải Phòng, Thái Bình và Quảng Ninh, được dự kiến đổ bộ khoảng giữa đêm nay…
Hình ảnh dự báo đường đi của bão số 14 |
Chiều nay 10/11, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương (TTDBKTTV TƯ) đã họp báo thông báo sự chuyển hướng đột ngột của cơn bão số 14 (tên quốc tế là Haiyan).
Theo ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc TTDBKTTV TƯ, ngay từ sáng 10/11, bão số 14 có thay đổi nhiều về hướng. Thay vì đi vào Thanh Hóa, bão đi lên phía Bắc nước ta và ảnh hưởng đến các tỉnh ven biển Bắc Bộ.
Hồi 17 giờ ngày 10/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,7 độ Vĩ Bắc; 108,3 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Thanh Hóa – Quảng Ninh khoảng 270 - 330km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, cấp 13 (tức là từ 118 đến 149 km một giờ), giật cấp 14, cấp 15.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 14, ở các tỉnh Trung Trung Bộ, Bắc Trung Bộ và ven biển Bắc Bộ đã có gió giật mạnh cấp 6 – 7, có nơi giật cấp 8 như Dung Quất (Quảng Ngãi). Ở đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) có gió giật mạnh cấp 8, ở đảo Bạch Long Vĩ ( Hải Phòng) có gió giật mạnh cấp 12. Các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Định đã có mưa vừa đến mưa to; lượng mưa phổ biến tính đến 13 giờ chiều nay (10/11) khoảng 40 – 100mm, một số nơi lớn hơn như Hòn Ngư (Nghệ An) 172mm; Nam Đông (Huế) 156mm; Trà Bồng (Quảng Ngãi) 155mm; Bạch Mã (Thừa Thiên Huế) 297mm.
Đến chiều tối nay, bão tiếp tục di chuyển nhanh dần theo hướng giữa Tây Bắc và Bắc Tây Bắc và tiến vào bờ biển các tỉnh Đông Bắc Bộ.
Đáng chú ý, tâm bão được xác định là Hải Phòng, Thái Bình và Quảng Ninh. Sau đó, bão sẽ di chuyển tiếp lên phía Bắc, tan thành áp thấp nhiệt đới trên địa phận Trung Quốc.
Ông Tăng cảnh báo, các đảo Cát Bà, Cát Hải, Cô Tô cần phải khẩn trương phòng tránh bão vì đây là các điểm sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Về thời điểm đổ bộ, ông Tăng cho biết, bão sẽ cập bờ khoảng 22h ngày 10/11, muộn nhất sẽ lùi đến khoảng 3h sáng ngày 11/11. Như vậy, khu vực từ Thanh Hóa trở vào được dự báo sẽ nằm trong vùng an toàn.
Khi đổ bộ, bão sẽ mạnh cấp 10, tâm bão có gió giật cấp 12-13. Do ảnh hưởng của bão, khu vực Vịnh Bắc Bộ (bao gồm đảo Hòn Ngư, các huyện đảo Cô Tô, Bạch Long Vĩ, Cát Hải) có gió mạnh cấp 8, cấp 9, sau tăng lên cấp 10 – 11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12 – 13, giật cấp 14, cấp 15. Các tỉnh từ Quảng Trị đến Thanh Hóa có gió mạnh cấp 6 – 7, giật cấp 8 – 9. Ở các tỉnh ven biển phía Đông Bắc Bộ có gió mạnh dần lên cấp 7 – 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9 – 11, giật cấp 12 – 13.
Ở khu vực Bắc Trung Bộ và các tỉnh phía Đông Bắc Bộ có mưa vừa mưa to, riêng vùng đồng bằng ven biển và khu vực Đông Bắc Bắc Bộ có mưa to đến rất to. Khu vực ven biển các đảo từ Ninh Bình – Quảng Ninh cần đề phòng nước dâng do bão kết hợp với triều cường cao từ 3.5 – 4.5m. Sóng biển 2.0 – 4.0m, vùng gần tâm bão có thể tới 6m.
Các tỉnh nằm sâu Khu vực Bắc bộ như Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Giang, Lạng Sơn sẽ chỉ có gió cấp 5- cấp 7.
Đến 4 giờ ngày 11/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 21,3 độ Vĩ Bắc; 106,4 độ Kinh Đông, trên khu vực các tỉnh phía Đông Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9 (tức là từ 62 đến 88 km một giờ), giật cấp 10, cấp 11.
Được biết, tỉnh Thanh Hóa chiều nay đã dừng lệnh di dời dân sau diễn biến mới nhất của bão. Ông Tăng cho biết, hiện bão vẫn có cấp gió giật khá mạnh khi quần thảo trên Vịnh Bắc Bộ, khoảng cấp 13, giật cấp 14 – 15. Tốc độ của bão đã giảm xuống còn 25-30km/h.
Trước đó, trong chiều nay, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 14, ở các tỉnh Trung Trung Bộ, Bắc Trung Bộ và ven biển Bắc Bộ đã có gió giật mạnh cấp 6 - 7, có nơi giật cấp 8 như Dung Quất (Quảng Ngãi). Ở đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) có gió giật mạnh cấp 8, ở đảo Bạch Long Vĩ ( Hải Phòng) có gió giật mạnh cấp 12.
Một điều khiến người dân các khu vực Đông Bắc Bộ lo lắng nhất là mưa lụt. Các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Định đã có mưa vừa đến mưa to; lượng mưa phổ biến tính đến 13 giờ chiều nay (10/11) khoảng 40 – 100mm, một số nơi lớn hơn như Hòn Ngư (Nghệ An) 172mm; Nam Đông (Huế) 156mm; Trà Bồng (Quảng Ngãi) 155mm.
Tuy nhiên, theo ông Tăng, dự báo, các tỉnh Bắc Bộ sẽ có mưa trên dưới 100mm nhưng không kéo dài, có thể giảm ngay từ chiều 11/11. Riêng hai tỉnh Điện Biên, Lai Châu có mưa không đáng kể hoặc không mưa.
Thời tiết các khu vực đêm 10 và ngày 11/11:
Phía Tây Bắc Bộ: Nhiều mây, có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và dông. Gió nhẹ. Nhiệt độ thấp nhất từ 17 – 20 độ C. Nhiệt độ cao nhất từ 23 – 26 độ C.
Phía Đông Bắc Bộ: Nhiều mây, có mưa vừa, mưa to, riêng vùng đồng bằng và khu Đông Bắc có mưa to đến rất to. Gió bắc đến tây bắc cấp 4 – 5, riêng vùng ven biển đêm nay có gió mạnh cấp 7 – 8, vùng gần tâm bão cấp 9 – 10, giật cấp 11 – 12. Trời trở lạnh. Nhiệt độ thấp nhất từ 19 – 22 độ C. Nhiệt độ cao nhất từ 22 – 25 độ C.
Hà Nội: Nhiều mây, có mưa to đến rất to. Gió bắc đến tây bắc cấp 4 – 5, giật cấp 6. Trời trở lạnh. Nhiệt độ thấp nhất từ 20 – 23 độ C. Nhiệt độ cao nhất từ 22 – 25 độ C.
Thanh Hóa - Thừa Thiên Huế: Nhiều mây, đêm và sáng có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Gió tây bắc đến tây cấp 4 – 5, riêng phía bắc đêm có gió mạnh cấp 6 – 7, giật cấp 8. Nhiệt độ thấp nhất từ 20 – 23 độ C. Nhiệt độ cao nhất từ 25 – 28; phia nam có nơi 29 - 31 độ C.
Đà Nẵng đến Bình Thuận: Mây thay đổi, có mưa rào và dông vài nơi; riêng phía bắc đêm nhiều mây, có mưa rào rải rác và có nơi có dông. Gió nam đến đông nam cấp 2 – 3. Nhiệt độ thấp nhất từ 23 – 26 độ C. Nhiệt độ cao nhất từ 28 – 31 độ C.
Tây Nguyên: Mây thay đổi, có mưa rào và dông vài nơi. Gió tây nam cấp 2 – 3. Nhiệt độ thấp nhất từ 19 – 22 độ C. Nhiệt độ cao nhất từ 27 – 30 độ C.
Nam
Ý kiến bạn đọc