Khó xác định công chức không hoàn thành nhiệm vụ

14:06, 08/11/2013
|

(VnMedia) - Căn cứ vào báo cáo thì tỉ lệ cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ rất ít, trong khi dư luận đánh giá tỉ lệ này là cao. Hiện rất khó xác định đúng và chính xác cán bộ, công chức hoàn thành hay không hoàn thành nhiệm vụ… - báo cáo giám sát của Quốc hội nêu rõ.

>>Có hay không 30% công chức... vô tích sự?
>>Dưới 100 triệu không có chuyện đỗ công chức Thủ đô
>>30% công chức phải "cầm tay chỉ việc" cũng không làm được
 
Theo báo cáo kết quả giám sát “việc thực hiện chính sách, pháp luật trong công tác tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”, của Thường vụ Quốc hội thì bên cạnh những kết quả đạt được thì còn nhiều bất cập, hạn chế.

Ảnh minh họa

Hiện rất khó xác định đúng và chính xác cán bộ, công chức hoàn thành hay không hoàn thành nhiệm vụ... ảnh minh họa


Khó tuyển người giỏi

Theo báo cáo, khi một số ngành, địa phương yêu cầu tuyển dụng cần có bằng tốt nghiệp loại giỏi, loại khá thì đa phần đối tượng dự tuyển tốt nghiệp ở các trường ngoài công lập, hình thức đào tạo không chính quy đủ tiêu chuẩn tham dự; còn các đối tượng có bằng tốt nghiệp loại trung bình ở các trường công lập, hình thức đào tạo chính quy lại không đủ tiêu chuẩn tham dự do cách cho điểm, đánh giá và các hình thức đào tạo ở các trường là khác nhau. Điều này dẫn đến không tuyển dụng được công chức có chất lượng. Trước tình trạng này, một số địa phương đã có quy định khác với văn bản cấp trên như không tuyển dụng người tốt nghiệp trường dân lập hoặc hệ vừa học, vừa làm và ưu tiên người có hộ khẩu thường trú tại địa phương là trái với quy định pháp luật hiện hành.
 
Trong khi đó, đối với công tác tuyển dụng viên chức, cách tính điểm học tập, điểm tốt nghiệp hoặc điểm đào tạo theo tín chỉ ở các cơ sở đào tạo hiện chưa thống nhất, chất lượng đào tạo không đồng đều, đối với những trường hợp đào tạo ở nước ngoài không có điểm học tập… cũng dẫn đến việc lúng túng, vướng mắc trong việc tuyển dụng.
 
Một bất cập khác được Ủy ban Thường vụ của Quốc hội nêu ra, đó là việc tuyển dụng viên chức hiện nay vẫn chú trọng đến bằng cấp và kiến thức về quản lý nhà nước nói chung, trong khi các nội dung thi tuyển chưa thật sự phù hợp, chưa thực sự quan tâm đến năng lực và kỹ năng công tác của người được tuyển dụng. Cùng với đó là chất lượng đào tạo ở một số trường chưa cao, chưa gắn lý luận và thực hành nên dẫn đến chất lượng công tác chuyên môn của một số viên chức sau khi được tuyển dụng còn hạn chế.
 
Chưa có tiêu chuẩn bổ nhiệm

Về việc bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức, Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, các quy định trong một số văn bản của Nhà nước và văn bản của Đảng còn chưa thống nhất, hiện vẫn chưa có quy định cụ thể về tiêu chuẩn bổ nhiệm đối với từng chức danh lãnh đạo, quản lý.
 
Trong khi đó, công tác cán bộ tuy có tiến hành quy hoạch nhưng việc thực hiện quy hoạch ở một số ngành, địa phương vẫn còn lúng túng khi có yêu cầu bổ nhiệm hoặc thay thế; việc bố trí, sử dụng cán bộ có lúc, có nơi thiếu hợp lý, sai quy trình, thủ tục.
 
Ngoài ra, việc đánh giá cán bộ vẫn còn tình trạng chủ quan, cảm tính, nể nang, thiếu tính toàn diện, thiếu những tiêu chí cụ thể, chưa phản ánh đúng thực chất để làm cơ sở cho công tác bổ nhiệm.
 
“Nếu căn cứ vào báo cáo thì tỉ lệ cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ rất ít, trong khi dư luận đánh giá tỉ lệ này là cao. Trên thực tế, cơ chế đánh giá cán bộ, công chức như hiện nay rất khó xác định đúng và chính xác cán bộ, công chức hoàn thành hay không hoàn thành nhiệm vụ.” – báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ.

Qua thống kê số liệu tính đến 31/12/2012:

+ Về trình độ chuyên môn: có 63.557 cán bộ, công chức chưa qua đào tạo, chiếm 11,9%. Tỉ lệ có trình độ cao chủ yếu tập trung ở trung ương và các tỉnh, thành phố lớn;

+ Về trình độ lý luận chính trị: có 282.561 cán bộ, công chức chưa qua đào tạo, chiếm 52,8%;

+ Cán bộ, công chức cấp xã tỉ lệ có trình độ dưới đại học là 163.293 người (chiếm 75,2%); tỉ lệ chưa qua đào tạo về quản lý nhà nước là 113.365 người (chiếm 52,2%) .



Mỹ Hạnh

Ý kiến bạn đọc