Hà Nội: Đảm bảo đủ hàng phục vụ Tết Nguyên đán

17:41, 29/11/2013
|

(VnMedia) - Để chủ động đảm bảo cung cầu hàng hoá, bình ổn thị trường phục vụ Tết Nguyên đán 2014. Ngày 28/11, UBND thành phố Hà Nội đã làm việc với Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài chính về công tác chuẩn bị hàng hoá, kiểm soát giá cả thị trường dịp cuối năm.

Tới tham dự, có các đồng chí đại diện Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Tài chính. Về phía Thành phố Hà Nội có đồng chí Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch UBND Thành phố; lãnh đạo các Sở Công thương, Tài chính, NN&PTNT, TT&TT và đại diện 13 doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá của Thành phố.

Ảnh minh họa

  Ảnh minh họa 

Theo báo cáo của Thành phố, tình hình cung cấp hàng hoá thiết yếu và giá cả thị trường trong những tháng cuối năm 2013 vẫn được đảm bảo. Nhu cầu hàng hoá nhân dân trên địa bàn Thành phố bình quân trong tháng là: gạo khoảng 55 nghìn tấn; thịt lợn khoảng 8.500 tấn; thịt gà khoảng 4.250 tấn; trứng gà, vịt khoảng 75 triệu quả; thuỷ hải sản tươi, đông lạnh khoảng 3.400 tấn; dầu ăn khoảng 4,2 triệu lít và khoảng 65.000 tấn rau củ quả tươi.

Theo dự kiến thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán nhu cầu tiêu dùng tăng từ 15 – 18% so với các tháng bình thường trong năm, tập trung vào một số nhóm hàng thiết yếu phục vụ Tết như lương thực, thực phẩm, nhóm hàng bánh mứt kẹo, nước giải khát. Tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ trong tháng Tết Giáp Ngọ khoảng 38.000 tỷ đồng. Trong đó, lượng hàng hoá Hà Nội có thể tự cung cấp được trong tháng: khoảng 20 nghìn tấn gạo (38,5% nhu cầu thị trường), riêng thịt lợn móc hàm Hà Nội có thể cung cấp đủ; thịt gà thương phẩm khoảng trên 2.100 tấn (chiếm 62%); trứng gà, vịt khoảng 30 triệu quả (chiếm 40%); thuỷ hải sản tươi, đông lạnh khoảng 510 tấn (chiếm 15%); thực phẩm chế biến từ thịt gia súc, gia cầm khoảng 800 tấn (20%) và  khoảng gần 36.000 tấn rau củ quả tươi (chiếm 55%). Lượng hàng hoá Hà Nội không tự cung cấp được chủ yếu được khai thác từ các tỉnh, thành phố lân cận như Hải Phòng, Quảng Ninh cung cấp thuỷ, hải sản; Hưng Yên, Thái Bình cung cấp gạo; Hải Dương, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc cung cấp thịt lợn, rau xanh…

Các mặt hàng thiết yếu từ nay tới Tết Nguyên đán có thể tăng nhẹ ở một số nhóm hàng. Cụ thể, nhóm hàng lương thực (chủ yếu là gạo) do ảnh hưởng tính mùa vụ, ảnh hưởng bão nên có xu thế tăng từ 5 – 10% trong tháng 11. Hiện nay giá bán gạo đã bình ổn, tuy nhiên do nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết nên mặt hàng gạo có thể tăng nhẹ. Nhóm hàng thực phẩm, từ tháng 9 đến nay giá thịt lợn tăng khoảng 5 – 8%. Dự kiến trong dịp Tết giá thịt lợn, gà tăng khoảng 5 – 10%. Nhóm rau, củ quả hiện nay vẫn bình ổn, dự kiến trong dịp giáp Tết giá các mặt hàng này sẽ tăng cao.

Để đảm bảo lượng hàng hoá cung cấp, bình ổn thị trường trong dịp giáp Tết Nguyên đán 2014, ngay từ tháng 7/2013, chủ động đã ban hành Chỉ thị số 19/CT-UBND về việc tiếp tục tăng cường biện pháp quản lý giá, bình ổn giá cả, kiềm chế lạm phát những tháng cuối năm 2013 và Tết Nguyên đán Giáp Ngọ năm 2014. Trong Văn bản số 8749/UBND-CT ngày 19/11/2013 về việc đảm bảo hàng hoá, bình ổn thị trường những tháng cuối năm 2013 và Tết Nguyên đán Giáp Ngọ năm 2014.

Bên cạnh đó, UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá tiếp tục thực hiện các chương trình bán hàng lưu động, bình ổn giá, bán hàng về vùng sâu, vùng xa; tổ chức các phiên chợ Việt, phiên chợ ưu đãi… cho nhân dân góp phần đảm bảo thị trường. Trong đó Sở Công thương, Sở Thông tin và Truyền thông; Chi cục quản lý Thị trường Hà Nội và UBND các quận, huyện, thị xã cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo trong việc thực hiện cung cấp hàng hoá, bình ổn thị trường những tháng cuối năm 2013 và Tết Nguyên đán Giáp Ngọ năm 2014 như tổ chức công tác tuyên truyền, thắt chặt kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn hàng nhập lậu, chú trọng tới vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa đánh giá cao sự chủ động Thành phố Hà Nội trong việc chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp tăng số điểm bán hàng bình ổn giá, các điểm bán hàng liên kết; về vốn bố trí tham gia chương trình của Thành phố năm nay tuy giảm hơn năm trước nhưng lượng hàng hoá, lượng cam kết hàng hoá lại tăng lên cũng góp phần tích cực trong thực hiện bình ổn giá; công tác chống buôn lậu, hàng giả hàng nhái được triển khai tích cực, hiệu quả. 

Thứ trưởng đề nghị, trong thời gian tới Thành phố Hà Nội cần quan tâm nhiều hơn tới các nhóm hàng thiết yếu như gạo, thực phẩm (chủ yếu thịt lợn, gà), bên cạnh đó cần tiếp tục thực hiện các chương trình bán hàng bình ổn giá; tăng cường công tác chống hàng lậu, hàng nhái.

Hiện nay Thành phố Hà Nội đang tích cực triển khai các chương trình hợp tác, xúc tiến thương mại với các tỉnh, thành phố khác trong việc đảm bảo hàng hoá cung ứng. Đồng thời, tăng các điểm bán hàng lưu động đến nay đã lên trên 2.200 điểm, góp phần lớn trong việc đảm bảo giá cả thị trường trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán.


Quỳnh Giang

Ý kiến bạn đọc