Hà Nội chưa thể đặt tên đường Đại tướng trong năm nay

19:17, 24/11/2013
|

(VnMedia) - Theo dự kiến, Hà Nội sẽ chọn đường phố để đặt tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào kỳ họp HĐND tháng 12 tới đây; tuy nhiên, do chưa chọn được tuyến đường thích hợp nên việc này sẽ lùi lại sang năm sau.

>>
Mộ phần của Đại tướng được bảo vệ như thế nào?

>>
Hết Lễ tang, hàng nghìn người vẫn về viếng mộ Đại tướng

Theo Tờ trình số 82/TTr-UBND, của UBND thành phố Hà Nội trình HĐND thành phố về việc đặt tên và điều chỉnh độ dài một số đường, phố trên địa bàn năm 2013 thì việc đặt tên đường, phố mang tên Võ Chí Công, Võ Văn Kiệt, Võ Nguyên Giáp sẽ tiếp tục được nghiên cứu, xây dựng kế hoạch sau.

Còn tại kỳ họp HĐND thành phố cuối năm 2013 sẽ được tổ chức vào tháng 12 tới đây, thành phố sẽ chỉ xem xét, đặt tên và điều chỉnh độ dài của 34 đường, phố của 10 quận, huyện. Trong đó, có 11 đường phố mang tên địa danh; 1 đường phố mang tên di tích lịch sử văn hóa; 16 đường, phố mang tên danh nhân và 6 đường phố điều chỉnh kéo dài.

Ảnh minh họa

Người dân đến viếng mộ Đại tướng tại Vũng Chùa. Ảnh: Xuân Tùng

Cụ thể, thành phố sẽ có các đường, phố mới như: Phố Tố Hữu, dài 3,4km từ cuối đường Lê Văn Lương giao cắt với đường Khuất Duy Tiến qua địa bàn huyện Từ Liêm đến ngã tư giao với đường Vạn Phúc, quận Hà Đông; Phố Bạch Thái Bưởi, quận Hà Đông từ ngã tư giao với đường Nguyễn Khuyến đến giao với đường Yên Phúc, dài 950m; Phố Quan Hoa, quận Cầu Giấy dài 1.160m cho đoạn từ Cầu Cót chạy ven sông Tô Lịch đến giao cắt với đường Cầu Giấy.

Ngoài ra, còn các tuyến đường, phố mới được đặt tên danh nhân như: Đoàn Khuê; Vũ Tông Phan, Nguyễn Huy Nhuận, Nguyễn Văn Lộc, Trần Kim Xuyến, Nguyễn Đình Hoàn, Thành Thái; đặt tên theo địa danh như: Văn Quán, Văn Yên, Yên Lãng, Phú Xá, Phú Thượng, Xuân Canh, Phúc Lộc, Sở Thượng, Tân Nhuệ…

6 tuyến phố được đề nghị điều chỉnh kéo dài gồm: Phố Dịch Vọng, quận Cầu Giấy; phố Trung Kính, quận Cầu Giấy, phố Yên Bình, quận Hà Đông; phố Yên Phúc, quận Hà Đông; phố Thanh Am, quận Long Biên, phố Hoàng Như Tiếp, quận Long Biên.

Lúc 18h9 phút ngày 4/10, Đại tướng đầu tiên, Tổng tư lệnh tối cao Quân đội nhân dân Việt Nam Võ Nguyên Giáp đã qua đời tại Viện Quân y 108 khi ông vừa bước sang tuổi 103. Sau khi qua đời, thi hài của Đại tướng đã được chuyển từ khu chăm sóc đặc biệt nơi chữa bệnh trước kia đến nhà lạnh trong sự nghiêm cẩn của những người lính bồng súng.

Biết tin Đại tướng mất, những ngày sau đó, hàng chục nghìn người dân đã về ngôi nhà số 30 Hoàng Diệu (Hà Nội) - nơi Đại tướng ở để tiễn biệt. Sau khi được Đảng, Chính phủ, Nhà nước tổ chức trọng thể lễ truy điệu vào sáng 13/10, thi hài Đại tướng đã được máy bay đưa về Quảng Bình để an táng. Tại buổi lễ an táng chiều 13/10, hàng trăm nghìn người dân Quảng Bình và các tỉnh trong cả nước đã tập trung về Vũng Chùa tiễn biệt Đại tướng về với đất mẹ. 


Sau khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần, lãnh đạo Hà Nội đã giao Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch xây dựng phương án đặt tên đường mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Một trong những tuyến đường được nhiều người gợi ý lựa chọn là đường Nhật Tân nối sân bay Nội Bài và đường Điên Biên Phủ gần nhà Đại tướng. Tuy nhiên, đến nay Hà Nội vẫn chưa chọn được tuyến đường thích hợp để trình HĐND thành phố vào kỳ họp tới.
 
Được biết, sau khi Đại tướng từ trần, đến nay đã có ít nhất 6 tỉnh, thành phố xây dựng phương án đặt tên đường mang tên Đại tướng. Mới đây nhất, thành phố Vũng Tầu là địa phương đầu tiên trên cả nước đặt tên đường mang tên Đại tướng.

Xuân Tùng

Ý kiến bạn đọc