Được cộng dồn thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp

09:37, 17/11/2013
|

(VnMedia) - Để bảo đảm quyền lợi tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), Dự thảo Luật Việc làm quy định nguyên tắc “cộng dồn” các khoảng thời gian đóng BHTN (liên tục hoặc không liên tục) để xét hưởng BHTN…

Ảnh minh họa

Người lao động được cộng dồn thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp để hưởng trợ cấp khi đã đóng đủ 12 tháng


Ngày 16/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Việt làm, với những điều khoản được điều chỉnh có lợi hơn cho người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp.
 
Theo Dự thảo luật, đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm người lao động làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc với thời hạn như: Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn; Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn; Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng.
 
Trong trường hợp người lao động giao kết và đang thực hiện hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động thì người lao động và người sử dụng lao động của hợp đồng lao động giao kết đầu tiên có trách nhiệm tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
 
Điều 44 của Luật quy định, người sử dụng lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động tại tổ chức bảo hiểm xã hội trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày người lao động bắt đầu làm việc.
 
Hằng tháng, người sử dụng lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo mức quy định tại điểm b khoản 1 Điều 57 của Luật này và trích tiền lương của từng người lao động theo mức quy định tại điểm a khoản 1 Điều 57 của Luật này để đóng cùng một lúc vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
 
Căn cứ vào tình hình kết dư của Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, Nhà nước chuyển kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước vào Quỹ theo mức do Chính phủ quy định tại khoản 3 Điều 59 của Luật này.
 
Đặc biệt, một điểm mới rất có lợi cho người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp, đó là thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được quy định tại điều 45. Theo đó, thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp để xét hưởng bảo hiểm thất nghiệp là tổng các khoảng thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp liên tục hoặc không liên tục được cộng dồn từ khi bắt đầu đóng bảo hiểm thất nghiệp cho đến khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật về lao động hoặc chấm dứt hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật về viên chức mà chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 36 tháng được "thưởng" trợ cấp
 
Để tránh lạm dụng quỹ bảo hiểm thất nghiệp, khoản 2 Điều 49 của dự thảo Luật quy định đối tượng lao động này được hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp khi đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động khác với đối tượng lao động giao kết hợp đồng không xác định thời hạn hoặc hợp đồng xác định thời hạn (từ đủ 12 tháng đến dưới 36 tháng) được hưởng BHTN khi đã đóng BHTN từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng.
 
Theo đó, Điều 50 quy định, mức trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật lao động đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
 
Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.
 
Sau khi chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp thì thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trước đó không được tính để hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần bị chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc tiếp theo của người lao động.
 
Trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, người lao động nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về việc làm cấp tỉnh thành lập.
2.
 
Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày trung tâm dịch vụ việc làm tiếp nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ra quyết định hưởng bảo hiểm thất nghiệp; trường hợp không đủ điều kiện để giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp thì phải trả lời bằng văn bản cho người lao động.
 
Tổ chức bảo hiểm xã hội thực hiện việc chi trả bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày cơ quan bảo hiểm xã hội nhận được quyết định hưởng bảo hiểm thất nghiệp của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
 
Thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính từ ngày thứ 16 kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định.


Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc