Dự thảo Luật Đất đai: Vấn đề minh bạch, công bằng đã được tiếp thu

13:56, 06/11/2013
|

(VnMedia) - Tuy cho rằng Dự thảo Luật Đất đai vẫn còn nhiều vấn đề, nhưng đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TP Hồ Chí Minh) đã đánh giá cao, cho rằng Dự thảo thảo đã tiếp thu tốt nhiều ý kiến, đặc biệt là những điều liên quan đến minh bạch, công bằng và hợp lý.

Ảnh minh họa

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh)

 
Chênh lệch địa tô sẽ không còn vào túi tư nhân

-
 Bà đánh giá như thế nào về Dự thảo Luật Đất đai vừa được trình bày trước Quốc hội sáng nay, đặc biệt là về phần thu hồi đất?
 
Khi người dân hy sinh để đóng góp vào sự phát triển của đất nước, điều đó cần được ghi nhận bằng những chính sách chứ không phải ghi nhận bằng lời nói. Chính sách đó là gì? Là chênh lệch địa tô phải được vào trong ngân sách, túi của nhà nước. Từ túi ngân sách của nhà nước đó mới đầu tư trở lại để phát triển đất nước và các phúc lợi công cộng khác, để người dân được hưởng một cách công bằng.
 
Hiện nay, điều mà người dân bị thu hồi đất rất bất bình là chênh lệch địa tô đa số vào túi tư nhân. Tất nhiên, ở mức độ nào, tỷ lệ như thế nào thì cần phải được tính toán kỹ lưỡng. Do vậy, luật kỳ này đặt vấn đề tài chính về đất đai, chênh lệch địa tô đó phải được tính lại và tôi cho rằng đã đáp ứng được phần nào yêu cầu người dân. Nó không bất công. Tôi có miếng đất, tôi đang kinh doanh, đưa cho người khác cũng kinh doanh mà địa tô đó lại không được điều tiết một cách hợp lý thì người ta thấy rằng đó là không ổn. Tôi thấy rằng đó là vấn đề mà qua các lần góp ý, Ủy ban dự thảo đã tiếp thu.
 
Lần này khi sửa Luật Đất đai, Ban soạn thảo đi cơ sở rất nhiều. TP Hồ Chí Minh cũng góp ý rất nhiều, xuất phát từ thực tiễn địa phương, từ ý kiến của người dân, từ những việc mình rất bất cập trong thực hiện Luật Đất đai cũ. Từ đó rút kinh nghiệm ra, góp ý vào, dự thảo này tiếp thu rất tốt. Kỳ họp này tiếp tục điều chỉnh nữa thì Luật Đất đai lần này đưa vào áp dụng sẽ tốt.
 
- Vậy trong dự thảo luật, bà thấy điểm nào còn chưa hài lòng cần sửa đổi?

Tất nhiên vẫn còn nhiều vấn đề. Vấn đề thu hồi đất vẫn là vấn đề rất nóng hiện nay cần nói một cách chỉn chu hơn. Như thu hồi vì mục đích kinh tế - xã hội. Mục đích kinh tế - xã hội là một phạm trù mênh mông, nếu người thực hiện chính sách đó mà có tâm trong sáng, biết nghĩ đến quyền lợi của người dân đi đôi với quyền lợi phát triển chung của đất nước thì thực hiện không có vấn đề gì để nói. Nhưng nếu người ta muốn lợi dụng vẫn có đường để lợi dụng. Chính vì vậy cần tính toán để ghi vào Luật cho có tính thực tiễn nhất, chứ không phải là vấn đề lý thuyết.
 
Vấn đề lý thuyết thì dễ rồi nhưng cần có tính thực tiễn. Có nghĩa từ thực tiễn đưa vào trong luật, từ trong luật nó lại điều chỉnh lại thực tiễn một cách hợp lý thì tôi cho rằng vấn đề thu hồi đất vẫn là vấn dề luật lần này cần tính toán thêm nữa. Vấn đề thứ hai là vấn đề điều tiết chênh lệch địa tô, tôi vẫn băn khoăn, làm sao để quyền lợi người dân hy sinh cho sự phát triển chung của đất nước phải phục vụ đúng mục đích phát triển của đất nước chứ không đi vào túi riêng của bất cứ cá nhân nào.
 
Vấn đề minh bạch, công bằng đã được tiếp thu, chỉnh lý
 
- Quay trở lại riêng về TP. Hồ Chí Minh. Theo bà, Thành phố có đặc thù gì trong thu hồi, quản lý đất đai mà Luật lần này đã giải quyết được?
 
Đặc thù chính của TP. Hồ Chí Minh là quá trình đô thị hóa rất nhanh, đi liền đó là chỉnh trang đô thị nên dẫn đến thực tế thu hồi đất rất lớn. Đó là đặc thù của quá trình phát triển. Và tất nhiên, khi thu hồi đất nhiều sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng người dân rất lớn. Do vậy, đòi hỏi khung pháp lý pháp lý phải hết sức chặt chẽ và phù hợp với thực tiễn thì mới giải quyết được những bất cập trong quá trình phát triển.
 
Nếu không giải quyết vấn đề đó sẽ nảy sinh 2 vấn đề mâu thuẫn với nhau. Một là quá trình đi lên rất nhanh của Thành phố - một đô thị lớn, phát triển quá nhanh, đô thị không chỉ phục vụ riêng dân đô thị Thành phố mà phục vụ cả nước. Nhưng nếu chúng ta không giải quyết được vấn đề bất cập về chính sách thì có một bộ phận dân cư không nhỏ chịu thiệt thòi và chịu  hi sinh cho quá trình phát triển đó. Đó là sự mâu thuẫn mà các nhà quản lý, lãnh đạo phải nghiêm túc xem xét, giải quyết.
 
Luật đất đai lần này tiếp thu đáng kể từ thực tiễn, từ bất cập của TP Hồ Chí Minh và từ thực tiễn giải quyết của Thành phố. Nghĩa là, khi động đến luật, vướng luật, Thành phố luôn có đề nghị các bộ ngành xem xét và tháo gỡ. Từ những tháo gỡ cục bộ đó, lần này là cơ hội điều chỉnh những điều luật cho phù hợp với thực tiễn.
 
Ví dụ như vấn đề tái định cư, HĐND Thành phố có Nghị quyết riêng về vấn đề tái định cư, đặt vấn đề trước khi thu hồi đất thì phải làm dự án tái định cư trước. Bởi vì trước đó có một thực tế là chúng ta cứ thu hồi đất, cứ đền bù, cứ nói tái định cư, nhưng dự án tái định cư chưa làm, thậm chí 3 năm, 5 năm, có dự án 10 năm sau dự án tái định cư đó vẫn chưa làm. Do vậy, lãnh đạo Thành phố và HĐND Thành phố có Nghị quyết phải làm dự án tái định cư trước rồi mới tính đến thu hồi đất của người dân. Đó là thực tiễn mà lần này luật đất đai có quy định.
 
Cái thư hai, cùng diện tích đất của một người sử dụng đất nhưng thuộc 2 dự án khác nhau như dự án phục vụ công cộng (trường học) và một dự án phát triển kinh tế. Trong cơ chế đền bù của mình trong thời gian vừa qua có 2 mức giá khác nhau. Lần này trong dự án luật có điều chỉnh vấn đề đó. Liền kề, một mục đích sử dụng, điều kiện sinh lời như nhau… thì giá như nhau. Tôi cho đó là công bằng.
 
Như vậy, minh bạch, công bằng, hợp lý đã được thực tiễn đặt ra và kỳ này có sự tiếp thu, điều chỉnh. Tôi cho rằng như vậy người dân ủng hộ.
 
- Xin cảm ơn bà.

Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai)

 

 Ảnh minh họa

 Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai)

Vấn đề khiếu nại của công dân liên quan đến đất đai có trên 70% khiếu nại xung quanh các vấn đề thu hồi đất và bồi thường hỗ trợ tái định cư. Dự án Luật Đất đai sửa đổi lần này đáp ứng được những nội dung cơ bản và tôi cho rằng có điểm rất mới, đó là phần thu hồi đất có bồi thường hỗ trợ tái định cư, hỗ trợ đời sống, việc làm cho người bị thu hồi đất. Theo tôi, sau khi Luật ban hành cần có những văn bản hướng dẫn kịp thời để tổ chức thực hiện cho tốt vấn đề này.

 

Có một điều bản thân tôi góp ý đã nhiều lần và nhiều đại biểu quan tâm xung quanh cơ chế thu hồi đất, đó là Dự án luật Đất đai sửa đổi làm sao giải quyết được tách bạch những dự án phục vụ cho lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và lợi ích kinh tế xã hội. Riêng dự án kinh tế xã hội, cần phân rõ Nhà nước thu hồi đất đối với những dự án phục vụ lợi ích công cộng, hay lợi ích quốc gia, kể cả hạ tầng thu hồi đất để phục vụ cho việc phát triển các công trình phúc lợi xã hội. Nếu quy định thu hồi đất cho các dự án kinh tế phục vụ các dự án đầu tư thuần túy cho nhà đầu tư, theo tôi phải xem xét tính toán cân nhắc.

 

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình:)

 

Theo tôi, giá đền bù đất từ xưa đến nay có kẽ hở trục lợi cho một nhóm lợi ích, chứ người dân không phải là nguyên nhân cơ bản gây ra khiếu kiện, khiếu nại. Vì mục đích quốc phòng hay kinh tế, an sinh xã hội, người dân vẫn sẵn sàng giao đất. Tuy nhiên, giá trị đất người dân sử dụng bao năm nay so với giá thị trường quá thấp, nảy sinh điều kiện không công bằng. Luật Đất đai sửa đổi lần này quy định rõ đền bù theo giá thời điểm thu hồi và theo tôi, Chính phủ cũng nên quy định rõ ngay ai là người thu hồi và ai người giám sát, tham gia. Ví dụ, khi các tỉnh định giá đất, Hội đồng nhân dân đóng vai trò gì? Hay ĐBQH tham gia vấn đề gì? Đó là những vấn đề và yếu tố kèm theo để đảm bảo tính chính xác trong quá trình định giá đất.

 

Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc):

 

Nhiều đại gia, tiểu gia phát triển từ việc mua đi bán lại đất bằng cách mua trên giấy rồi bán lại đất nền. Theo tôi, luật lần này sẽ quản lý chặt chẽ hơn những hiện tượng nêu trên. Còn những doanh nghiệp đầu tư phát triển cho xã hội, theo tôi làm đúng thì sẽ rất tốt vì Luật bảo vệ cho người thực hiện dự án và bảo vệ quyền lợi cho người dân nếu được thực thi.



Xuân Hưng - (bài, ảnh)

Ý kiến bạn đọc