(VnMedia) - “Chúng ta đã có hết tất cả các thiết chế rồi, vấn đề bây giờ chỉ làm thôi, không nói nữa, ít nói thôi.” - Đại biểu Nguyễn Đình Quyền kêu gọi khi nói về công tác phòng chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm tham nhũng.
Người thi hành công vụ hãy nhìn lại mình
Theo đại biểu Nguyễn Đình Quyền (TP Hà Nội), trong những năm qua, tội phạm về chống người thi hành công vụ gia tăng.
“Chúng ta cực lực lên án và phải nghiêm trị đối với những hành vi đó. Tuy nhiên, những người thi hành công vụ hãy nhìn lại mình, nếu thi hành công vụ nghiêm thì có xảy ra những trường hợp đó không? Những trường hợp mãi lộ giao thông, những trường hợp bảo kê của bộ máy nhà nước, những trường hợp dung túng, v.v... những biểu tượng thi hành công vụ như vậy làm sao không có sự phản kháng của người dân.?” – đại biểu Nguyễn Đình Quyền đặt câu hỏi và đề nghị, một mặt cần lên án nhưng một mặt trong quá trình thi hành công vụ cần phải bảo đảm trở thành mẫu mực để cho người dân tin và tuân thủ.
Về công tác phòng chống tham nhũng, đại biểu Nguyễn Đình Quyền cho biết, ông tâm đắc với một câu nói trong báo cáo của Chính phủ, đó là tình trạng "nói không đi đôi với làm".
“Chúng ta đã có hết tất cả các thiết chế rồi, vấn đề bây giờ chỉ làm thôi, không nói nữa, ít nói thôi. Tôi cho rằng đã đến lúc nói phải đi đôi với làm trong phòng, chống tham nhũng. “ – đại biểu đoàn Hà Nội kêu gọi.
Ông cho rằng, trong công tác phòng, chống tham nhũng, biện pháp phòng ngừa quan trọng nhất hiện nay là công khai và minh bạch trong tất cả các lĩnh vực, về tất cả các tiêu chí, kể cả công tác cán bộ, bổ nhiệm, lên chức…
“Ngay cả quy hoạch cán bộ tôi thấy luôn luôn đóng dấu mật. Tôi thấy quy hoạch cán bộ có gì phải đóng dấu mật? cho tất cả quần chúng nhân dân biết, cho tất cả người trong cơ quan biết, để người ta thấy rằng người đó xứng đáng hay không xứng đáng làm lãnh đạo. Tôi cho rằng phải công khai minh bạch, vì công khai minh bạch là biện pháp quan trọng nhất, hữu hiệu nhất trong việc phòng ngừa tham nhũng.” – đại biểu Quyền khẳng định.
Đại biểu Nguyễn Đình Quyền |
Khao khát thần tượng
Trong phần phát biểu của mình, đại biểu Nguyễn Đình Quyền đã nhắc lại một điều khiến ông cảm thấy đau đớn, đó là những tội phạm nhân trẻ tuổi, nhất là những tội phạm giết người còn là vị thành niên. Theo ông, có một nguyên nhân cần được chỉ ra trong việc phát sinh tội phạm trẻ, đó là sự khủng hoảng về niềm tin, ý thức hệ trong thế hệ trẻ.
Dẫn ví dụ về đám tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đại biểu Nguyễn Đình Quyền nói: “Qua đám tang Đại tướng, chúng ta thấy người dân Việt Nam, thế hệ trẻ Việt Nam khát khao với niềm tin, khát khao với thần tượng, khát khao với biểu tượng như thế nào. Chúng thấy rằng ở đâu đó đã có sự khủng hoảng về niềm tin trong thế hệ trẻ. Bao nhiêu thế hệ trẻ người ta sẵn sàng xếp hàng, người ta tôn thờ niềm tin, thần tượng, biểu tượng đó.”
Từ phân tích trên, đại biểu Nguyễn Đình Quyền cho rằng, các thế hệ cha anh ngày nay hãy nhìn lại mình để làm những tấm gương cho thế hệ sau. “Đó là điều hết sức quan trọng, phải trở thành tấm gương cho những thế hệ sau nhìn vào, tin và noi theo.” – đại biểu Quyền tâm huyết nói.
Trong khi đó, cũng nói về niềm tin, về tấm gương, nhưng đại biểu Hoàng Hữu Phước (TP Hồ Chí Minh) lại đặt ra vấn đề khá “lạ”, nhưng lại là một thực tế, đó là việc nêu gương người tốt việc tốt nhiều thập niên qua ở Việt Nam chỉ giới thiệu gương liêm khiết toàn là người lao động nghèo như tài xế tiết kiệm xăng để trả lại cơ quan, nhân viên thu ngân trả lại tiền để quên của khách hàng. Người tạp vụ dọn phòng trả lại cho khách một chiếc nhẫn kim cương v.v... Song chưa bao giờ có bất kỳ thông tin nào đúng nghĩa về đức thanh liêm, tức là thứ đức của quan chức cấp cao.
“Đảng và Chính phủ cần tạo được làn sóng nêu gương từ những cán bộ cao cấp mới thu phục được nhân tâm đối với nỗ lực chống tham nhũng của Đảng và Chính phủ, các cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh phải đồng nghĩa với việc cơ sở ấy phải có danh sách cụ thể Đảng viên nào liêm khiết do có hành động cụ thể nào để được gọi là liêm khiết. Đảng viên nào đã thực thi đúng chủ trương của Đảng trong phòng, chống tham nhũng qua thành tích đưa ra ánh sáng những vụ việc tham nhũng cụ thể nào được nhân dân tin tưởng cung cấp thông tin đến đâu và bảo vệ thành công người dân tố giác tham nhũng ra sao.” – đại biểu Hoàng Hữu Phước “hiến kế”.
Cũng nói về niềm tin, đại biểu Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận) cho rằng, sự mất niềm tin không phải chỉ lớp trẻ mà kể cả trong nhân dân, trong một bộ phận cán bộ đảng viên. “Mất niềm tin là mất hết, vì vậy phải làm sao tạo niềm tin cho lớp trẻ, cho nhân dân trong nhiệm vụ đấu tranh chống tham nhũng. Muốn tạo được niềm tin, muốn chống tham nhũng có hiệu quả thì theo tôi phải tập trung con người, bố trí được cán bộ, chọn được cán bộ tâm huyết, có trách nhiệm. Chính những người này sẽ làm gương và sẽ đầu tàu trong đấu tranh chống tham nhũng…” – đại biểu Nguyễn Bắc Việt nói.
Ý kiến bạn đọc