(VnMedia) - “Dân tộc Việt Nam rất sợ nghèo đồng thời là dân tộc tự tôn, tự trọng, ai nói mình nghèo là không chịu. Bây giờ nhiều địa phương rất muốn được xếp vào loại địa phương nghèo, nhiều hộ muốn thuộc diện hộ nghèo... đây là điều mà chúng ta phải suy nghĩ.” Đại biểu Lê Văn Lai (tỉnh Quảng Nam) phát biểu.
Đại biểu Quốc hội Lê Văn Lai |
Trong mấy phiên thảo luận của Quốc hội gần đây, vấn đề an sinh xã hội cho người nghèo được rất nhiều đại biểu quan tâm cho ý kiến, trong đó hầu hết đều công nhận thành quả về xóa đói giảm nghèo.
Như rất nhiều đại biểu khác, tại phiên thảo luận sáng nay (1/11), đại biểu Đại biểu Lê Văn Lai (tỉnh Quảng Nam) đánh giá, chương trình giảm nghèo quốc gia trong thời gian vừa qua là một trong những chương trình rất thành công, có nhiều ý nghĩa, tác động nhiều mặt trong toàn bộ đời sống xã hội.
“Có sự ổn định chính trị, ổn định xã hội trong thời gian vừa rồi là có sự góp phần rất lớn của chính sách giảm nghèo của chúng ta” – đại biểu Lê Văn Lai khẳng định.
Tuy nhiên, đại biểu Lê Văn Lai cũng chia sẻ, với tư cách là người làm công tác quần chúng, tiếp xúc nhiều với nhân dân, ông thấy chương trình giảm nghèo đã đến lúc phải tính lại cách làm.
“Trong thời gian vừa rồi, khi chúng ta tác động trực tiếp đến người nghèo, cái lợi thì rất nhiều, thành tích như các đại biểu phân tích, nhưng điều không mong muốn cũng bắt đầu xuất hiện và bắt buộc chúng ta phải có suy nghĩ.” – đại biểu tỉnh Quảng Nam nói.
Theo ông, điều không muốn đầu tiên là khi thực hiện chính sách người nghèo theo kiểu tác động trực tiếp đến đối tượng nghèo thì giải quyết cho người nghèo tốt, nhưng trong chừng mực nào đó làm “đảo lộn các giá trị”.
“Dân tộc Việt Nam rất sợ nghèo đồng thời là dân tộc tự tôn, tự trọng, ai nói mình nghèo là không chịu. Bây giờ nhiều địa phương rất muốn được xếp vào loại địa phương nghèo, nhiều hộ muốn thuộc diện hộ nghèo. Nếu thôn, ấp, làng nào đó mà không đưa vào diện nghèo thì lập tức bị phản ứng rất gay gắt, đây là điều mà chúng ta phải suy nghĩ” - đại biểu tỉnh Quảng Nam đau đáu nói.
Điều không mong muốn thứ hai, theo đại biểu Lai, là tác động ngược về giá trị đạo đức.
“Con cái muốn đưa cha mẹ ở tuổi 70 ra ở trong một căn lều chỉ nhằm mục đích được xếp vào hộ nghèo để được hỗ trợ. Khi xét hộ nghèo ở các địa phương thì tổ, thôn rất sợ vì người ta kiên quyết không chấp nhận thoát nghèo, nếu đưa vào diện thoát nghèo lập tức bị hiềm khích, bị lên án và oán trách, điều này là một thực tế mà chúng tôi thấy và từ đó dẫn đến việc, mình nói hơi cường điệu một chút tức là làm cho tính đoàn kết cộng đồng ở trong các khu dân cư chừng mực nào đó là bị sứt mẻ đi.” – đại biểu Lê Văn Lai xót xa nói.
Trước thực trạng đau xót trên, đại biểu tỉnh Quảng Nam cho rằng, cần đánh giá lại một cách toàn diện chương trình giảm nghèo trong các năm qua, trong thời gian qua, kể cả hiệu quả, kể cả thành tích và đặc biệt là hết sức quan tâm đến vấn đề chưa được, vấn đề còn tồn tại. Trên cơ sở đó đề ra một chính sách giảm nghèo trong thời điểm sắp đến phù hợp hơn với tính tự tôn dân tộc, cho truyền thống văn hóa, truyền thống đạo đức mà trong chừng mực nào đó đang bị hạn chế.
“Ta xem tivi, thấy người Nhật nhận sự cứu trợ trên tinh thần rất khảng khái, ta không phải phân bì với ai và dân tộc Việt Nam mình không thua gì dân tộc Nhật, nếu xem xét về mặt lịch sử. Nhưng không khéo, những tác động chính sách, những điều nhỏ tác động dần vào, nó làm biến thái và nó làm cho tính tự tôn dân tộc, tính tự cường dân tộc và sức đề kháng của xã hội giảm đi thì có thể là chúng ta sẽ mất đi thứ rất lớn. Cho nên, tôi thấy vấn đề này cần phải xem lại.” – đại biểu Lê Văn Lai thiết tha đề nghị.
Ngồi chờ nghèo: Không giúp!
Thống nhất với ý kiến của đại biểu Đỗ Mạnh Hùng trong phiên thảo luận trước, đại biểu Lê Văn Lai nói: “Thực chất nghèo là vì các điều kiện phải tác động, chứ còn lao động đầy đủ, các điều kiện đầy đủ, người ta ngồi đấy, người ta không làm để chờ nghèo thì không thể đưa vào đối tượng nghèo”.
Với những đối tượng neo đơn, những người già mất sức lao động đại biểu Lai đề nghị tính đến mô hình các nhà dưỡng lão. “Có thể giảm đi phần đầu tư cho các việc khác, cho các chương trình nghèo khác để làm sao ít ra mỗi tỉnh có một nhà dưỡng lão làm mô hình cho việc xây dựng nhà dưỡng lão, chứ chúng ta không thể nào giúp được cho người neo đơn, người lớn tuổi, người già, cứ phó mặc hết cho con cái thì về trách nhiệm xã hội đối với người cao tuổi chúng ta chưa thể hiện đầy đủ.” đại biểu Lê Văn Lai nói và cho rằng, không thể để người cao tuổi sau khi làm việc về hưu, đến tuổi không còn lao động nữa thì số phận của họ phó mặc cho việc có hiếu thảo hay không có hiếu thảo của con cháu.
Nói về hỗ trợ cho người nghèo, đại biểu tỉnh Quảng Nam đề nghị nên hỗ trợ gián tiếp để ủng hộ người nghèo bằng cơ sở hạ tầng xã hội, cơ sở hạ tầng kinh tế. “Trên cơ sở hạ tầng xã hội, đối tượng chúng ta đang nhắm đến không chỉ có người nghèo mà còn đối tượng cận nghèo” – đại biểu Lê Văn Lai “hiến kế”.
Xuân Hưng
Ý kiến bạn đọc