Chuyện kể những người làm giúp việc "cho Tây"

10:07, 14/11/2013
|

Nếu như nghề giúp việc cho người Việt vẫn còn đó những mảng màu tối sáng,  thì
nghề giúp việc cho Tây lại là những mảng mầu hoàn toàn mới, nếu không nói là vô cùng tươi sáng. Được hưởng lương cao, và hơn cả là được đào tạo khá bài bản. Nghề giúp việc cho Tây đang trở thành một công việc "hot” trong thời buổi "việc ít, người nhiều”,  nhưng cũng đòi hỏi khả năng làm việc chuyên nghiệp.

Với công việc trông trẻ em nước ngoài sau giờ học,  mỗi người giúp việc có thể được hưởng lương từ 5 đến 8 triệu/ tháng.

Không chỉ là kinh nghiệm

Nếu như đa phần các gia đình người Việt Nam khi tuyển người giúp việc đều giao cho họ quán xuyến nhiều công việc một lúc như nấu nướng, dọn dẹp, trông trẻ… Thì với các gia đình người nước ngoài đang sống và làm việc tại Việt Nam công việc cho người giúp việc được phân chia rất rõ ràng. Không khó để bắt gặp 3 đến 4 người giúp việc cùng làm tại một gia đình người nước ngoài. Công việc họ được giao rất cụ thể, người đảm nhiệm việc nấu nướng, dọn dẹp; người trông trẻ, cá biệt có gia đình có 2 người trẻ nhỏ thì 2 người trông; người chăm sóc cây cối và… người chăm sóc thú cảnh. Chính sự phân chia như vậy, nên hầu hết những giúp việc cho người nước ngoài khi được hỏi rất ít khi than phiền và khá toàn tâm, toàn ý với công việc. 

Tuy nhiên, để có được một công việc với mức lương từ 5 đến 8 triệu/ 1 tháng những người giúp việc phải qua một quá trình đào tạo và tuyển chọn khá khắc nghiệt. Theo bà Hồng Phượng (Giám đốc công ty Gia An – chuyên cung cấp người giúp việc cho các gia đình người nước ngoài) cho biết: "Cái khó trong tuyển chọn người giúp việc cho người nước ngoài chính là vấn đề ngoại ngữ”. Với những công việc đơn thuần như dọn dẹp hay trông trẻ thì việc đào tạo chỉ cần một tháng là người giúp việc có thể thuần thục. Nấu được các món ăn phương Tây thì cần ba tháng là có thể làm được một số món ăn cơ bản. Những cái khó nhất vẫn là làm sao để họ hiểu và giao tiếp được những công việc bằng ngôn ngữ nước ngoài... Hầu hết những người xin làm giúp việc hiện nay trình độ học vấn vẫn còn khá thấp, phần nhiều mới chỉ tốt nghiệp hết phổ thông trung học. Cá biệt, hiện nay có khá nhiều sinh viên ngoại ngữ mới ra trường cũng chọn làm công việc này. Tuy nhiên, cũng theo chị Hồng Phượng thì cũng giống như những gia đình Việt, người nước ngoài vẫn thích chọn những người giúp việc có độ tuổi từ 30 trở lên và đã có nhiều năm kinh nghiệm. 

Ăn cơm Tây, nói tiếng Tây

Mặc dù sống tại Việt Nam, nhưng những người giúp việc lại hầu như tiếp xúc với một môi trường hoàn toàn Tây hóa. Theo chị Thu (giúp việc cho một gia đình người Mỹ). "Tôi đảm nhận việc trông trẻ, công việc chỉ thực sự bận vào buổi chiều khi bọn trẻ đi học về.  Trẻ con Tây từ bé đã có tính tự lập cao, nên việc chăm sóc khá nhàn. Với  những đứa trẻ này không thể áp dụng phương pháp của Việt Nam "nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”. Đôi khi chăm chút quá mức chủ nhà rất không hài lòng. Mình là người Việt nhiều lúc nhìn bọn trẻ nghịch ngợm đất cát, leo trèo sẽ cản lại, nhưng với trẻ Tây là phải để chúng thoải mái, tự nhiên chơi”. 

Cũng giống như chị Thu, chị Thảo (giúp việc cho gia đình người Đức) cũng đảm nhận nhiệm vụ chăm sóc nhưng là chăm… chó cho gia đình chủ. Hai chú chó bẹc giê Đức thuần chủng được ông bà chủ mang từ quê nhà sang giao cho chị toàn quyền chăm sóc với chế độ đã được "khoa học nghiên cứu”. Hàng ngày, nếu ông bà chủ bận, từ 5h sáng chị phải đi tập thể dục cùng 2 chú chó nặng hơn 1 tạ đi gần 1 vòng quanh Hồ Tây. Sau đó về nhà, phải rửa chân cho chúng, rồi cho ăn sáng. Chị Thảo kể "Nhà ở quê cũng nuôi một đống chó, chó ăn thừa thức ăn của chủ. Nhà Tây thức ăn thừa toàn đồ ngon thấy tiếc đem cho chúng ăn. Ông bà chủ thấy mình cho ăn như vậy mắng rát tai. Với họ thức ăn của chó và người được phân định rất rõ ràng”.

Ngoài những yêu cầu cơ bản là chăm chỉ, thật thà, ngoại ngữ và đúng giờ, để có một công việc trong một gia đình người nước ngoài, thì người giúp việc cũng cần phải tìm hiểu về thuần phong, mỹ tục, văn hóa ứng xử đất nước của nhà chủ. Cũng theo chị Phượng thì đã có rất nhiều trường hợp giỏi việc, giỏi tiếng nhưng vẫn bị "out” vì không quen được với nếp sống, phong cách của gia đình nhà chủ

Kỹ năng tìm việc

Với đặc thù công việc được làm trong môi trường sống toàn người nước ngoài, nên gần như cuộc sống, ăn uống của những người giúp việc cho Tây là đầy đủ nếu không nói là sung sướng. Rất nhiều người sau một thời gian làm việc tại các gia đình người nước ngoài đã "đỏ da, thắm thịt” hơn trước. Ngay cả, về hình dáng cách thức ăn mặc, cách nói chuyện cũng phần nhiều bị Tây hóa. Sự thay đổi đó khiến nhiều người giúp việc "khốn đốn” trong những lần về thăm quê. Cô Hảo (Sơn La) đã 8 năm làm việc cho gia đình người nước ngoài, mới ngày đầu lên thành phố vẫn còn chân lấm, tay bùn. Thì chỉ sau gần 2 năm sống với chủ nhà người Pháp, cô đã thay đổi hoàn toàn. Vì quen với cách nói đan xen nửa Tây, nửa Ta mà mỗi lần về quê là cả một hành trình dài "giải thích”. Cô Hảo kể "Ở lâu cách nói chuyện bị nhiễm, nhiều lúc thành bản năng. Về nhà nhiều lúc thuận miệng lại phun ra một tràng tiếng Tây. Rồi trong cách ăn uống cũng bị ảnh hưởng quá nhiều không còn được cái "chân chất” như xưa. Nhiều người bảo lên thành phố làm, Tây hóa quên hết cả quê hương. Nhiều lúc cũng thấy tủi lòng!” 

Với đặc thù công việc làm cho người nước ngoài nên hầu như những người giúp việc toàn lấy Tết dương lịch làm Tết nguyên đán. Khoảng thời gian từ Noel qua Tết dương lịch gần 1 tháng cũng là lúc những người giúp việc được về quê "ăn Tết”. Theo chị Hảo, "Thời gian này hầu hết các gia đình Châu Âu đều về nước ăn Tết, nên chúng tôi được nghỉ dài ngày. Việc trông nhà họ thường thuê bảo vệ riêng. Còn Tết âm lịch vẫn phải làm bình thường, đã mấy năm rồi tôi chưa được ăn cái Tết truyền thống cùng gia đình”.

Không giống như những gia đình người Việt, những gia đình người nước ngoài thường chỉ sinh sống tại Việt Nam theo nhiệm kỳ (4-5 năm). Cũng chính vì vậy, đã xảy ra trường hợp rất nhiều người giúp việc rơi vào tình trạng thất nghiệp sau khi chủ nhà về nước. 

Rất nhiều người giúp việc mặc định giá của mình nên rất khó để chuyển một công việc tại một gia đình mới cho họ. Theo kinh nghiệm của một số người giúp việc đã làm lâu năm như chị Hảo thì thông thường để có một công việc có tính chất tiếp nối, các chị đều nhờ cậy vào chính gia đình nhà chủ hiện tại. Thông qua sự giới thiệu của chủ cũ với người tiền nhiệm mới sang nhận công tác sẽ có nhiều cơ hội được nhận việc mới ngay. Tuy nhiên trong thời buổi "người khôn, việc khó” thì tính cạnh tranh của nghề này cũng rất cao.


Theo Đại đoàn kết

Ý kiến bạn đọc