(VnMedia) - Siêu bão HaiYan có sức mạnh vượt xa mọi thang đo quốc tế sẽ có sức tàn phá kinh hoàng với những nơi mà nó quét qua. Chiều 8/11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc họp khẩn về công tác phòng chống cơn bão kinh hoàng này.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, siêu bão HaiYan đã quét qua Philippines và chính thức đi vào phí Đông Nam Biển Đông lúc chiều tối 8/11. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển nhanh theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 35km, với sức ảnh hưởng trong vòng bán kính 500km.
Siêu bão này là cơn bão mạnh nhất trong lịch sử thế giới, cũng là cơn bão mạnh nhất trong lịch sử trên Biển Đông. Đây cũng sẽ là cơn bão mạnh nhất được trong lịch sử được ghi nhận sẽ đổ bộ vào Việt Nam.
Chiều nay, chiều 8/11, với tinh thần khẩn trương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với sự tham dự của các bộ ngành và các tỉnh, thành phố ven biển từ Thanh Hóa cho đến Cà Mau, các tỉnh Tây Nguyên để lên rà soát các phương án đối phó với cơn bão này.
Tại phiên họp, Thủ tướng nhấn mạnh, siêu bão này là một cơn bão lớn chưa từng thấy, với sức gió vượt qua mọi thang đo sức gió quốc tế, có tốc độ di chuyển nhanh, diễn biến phức tạp và chắc chắn có sức tàn phá hết sức ghê gớm. Thủ tướng yêu cầu cả hệ thống chính trị, bao gồm các cấp ủy của các địa phương, đặc biệt là các tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Cà Mau, các tỉnh Tây Nguyên; Chính phủ, các bộ, ngành, lực lượng quân đội và công an tập trung chỉ đạo, quyết tâm cao nhất, bằng tất cả các giải pháp, tất cả các lực lượng, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ nội dung nêu trong công điện của Thủ tướng Chính phủ, các công điện của Ủy ban Phòng chống lụt bão Trung ương nhằm ứng phó với siêu bão này, với mục tiêu giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về tính mạng của nhân dân cũng như tài sản của nhân dân và nhà nước.
Người dân Philippines sơ tán tránh sự hủy diệt của bão HaiYan |
Theo thông tin được cập nhật của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, trưa và chiều mai, vùng ven biển các tỉnh miền Trung bắt đầu chịu ảnh hưởng của bão. Khoảng 4 giờ sáng ngày 10/11, bão sẽ đổ bộ vào các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi. Từ 7 giờ đến 13 giờ cùng ngày, bão có khả năng đi dọc theo bờ biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Nghệ An.
Do phạm vi ảnh hưởng lớn, các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Quảng Bình, các đảo Lý Sơn, Cồn Cỏ, Hòn Ngư có gió mạnh từ cấp 12 đến cấp 15, giật cấp 15 đến cấp 17. Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Nghệ An, Hà Tĩnh đến Bình Định, Phú Yên có gió cấp 8 đến cấp 12, giật trên cấp 12.
Từ chiều 9/11, các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Phú Yên có mưa to đến rất to, trung bình khoảng 200mm, nhiều nơi 500-600mm. Với cường độ như trên, bão sẽ làm nước biển dâng cao từ 5m – 6m, sóng cao đến 8m, tâm sóng cao đến 10m.
Với tất cả những thông số như trên, Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương và Ủy ban Phòng chống lụt bão Trung ương khi so sánh với các siêu bão trên lịch sử thế giới đã nhận định, đây là cơn bão có tính hủy diệt, sức tàn phá hết sức khủng khiếp. Nếu không có các phương án phòng tránh chắc chắn, cụ thể thì thiệt hại sẽ không tưởng tượng nổi.
Trước dự báo về sức tàn phá hủy diệt của bão HaiYan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu các Bộ ngành và các địa phương liên quan dừng tất cả các cuộc họp và các công việc chưa cấp bách để tập trung chỉ đạo phòng chống bão. Thủ tướng cũng đã quyết định cử các Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Hoàng Trung Hải, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát ngay trong chiều nay xuống các địa phương để phòng chống bão.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ngay trong chiều nay họp và có các phương án phòng chống bão, hỗ trợ di rời nhân dân khỏi các vùng nguy hiểm, chuẩn bị các phương tiện, phương án cứu hộ cứu nạn và đảm bảo an ninh trật tự.
Thủ tướng nhấn mạnh, thông tin lúc này hết sức quan trọng, do đó trước hết, Thủ tướng yêu cầu Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cập nhật liên tục thông tin dự báo, các phương tiện thông tin đại chúng liên tục đưa thông tin về cơn bão cũng như các thông tin dự báo và cảnh báo. Đây là yêu cầu rất quan trọng vì sẽ giúp người dân chủ động phòng chống bão. Thủ tướng cũng yêu cầu các công ty viễn thông đảm bảo giữ liên lạc thông suốt từ Trung ương đến địa phương để đảm bảo công tác phòng chống bão.
Một nhiệm vụ cũng hết sức cấp bách là nhanh chóng đưa tàu thuyền và ngư dân vào bờ tránh trú bão.
Tính đến 11 giờ 00 ngày 8/11, Biên phòng các tỉnh, thành tuyến biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang đã phối hợp với gia đình chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, hướng dẫn cho 85.249 phương tiện/385.392 người biết hướng đi của bão để chủ động di chuyển phòng tránh. Điều đáng chú ý là hiện vẫn còn 305 tàu với 4.055 lao động hoạt động ở khu vực giữa Biển Đông (bao gồm Quần đảo Trường Sa). Thủ tướng yêu cầu, tối ngày mai, mọi công việc chuẩn bị, ứng phó với bão ở trên bờ phải hoàn tất.
“Bộ Quốc phòng phải có phương án bảo đảm an toàn tính mạng của chiến sĩ trên các nhà giàn, trên đảo và của nhân dân đang vào tránh trú ở các đảo của Trường Sa” – Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng đặc biệt yêu cầu di dân tránh khỏi những nơi có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi bão, nơi nhà cấp 4 có khả năng bị đổ sập.
Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Công an ngoài phương án di dời thì phải có phương án cứu hộ, cứu nạn, đảm bảo an ninh trật tự, thực hiện cấm lưu thông đường bộ, đường thủy nội địa, hoạt động du lịch tại địa điểm có bão đi qua. Đối với các địa phương, tập trung chỉ đạo an toàn hồ đập, sẵn sàng các phương án ứng phó với mưa lớn, trong đó có Thủ đô Hà Nội; chuẩn bị phương tiện khắc phục hậu quả sau bão. Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các tỉnh chịu trách nhiệm trước Trung ương về nhiệm vụ ứng phó và phòng tránh cơn siêu bão này.
“Tôi đề nghị tất cả các đồng chí Bộ trưởng, lãnh đạo các tỉnh, thành phố tiếp tục tập trung chỉ đạo triển khai thật tốt chỉ đạo của Trung ương, bám mục tiêu thiệt hại thấp nhất tài sản, tính mạng của nhân dân.” - Thủ tướng chỉ đạo.
Để phục vụ cho công tác chỉ đạo phòng, chống và khắc phục hậu quả của bão HaiYan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo lập Sở chỉ huy tiền phương đặt tại Đà Nẵng.
Ngày 8/11, Cục lãnh sự Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có công hàm gửi các nước Malaysia, Indonesia, Trung Quốc và Philippines đề nghị hỗ trợ các tàu thuyền và ngư dân Việt Nam vào tránh trú bão trong trường hợp tàu thuyền và ngư dân Việt Nam không kịp về bờ.
Ý kiến bạn đọc