Các chuyên gia nói về con đường gần nghìn tỷ của Hà Nội

11:20, 12/11/2013
|

(VnMedia) - Sau khi xây dựng những con đường được coi là “đắt nhất hành tinh” như đường Xã Đàn và đoạn Ô Chợ Dừa – Hoàng Cầu với mức đầu tư  khoảng nghìn tỷ đồng mỗi km, mới đây, UBND TP. Hà Nội tiếp tục quyết định xây dựng một con đường tại quận Long Biên với số vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng cho quãng đường dài khoảng 1,5km. Một sô chuyên gia cho rằng, việc đầu tư xây dựng như vậy chưa hợp lý.

 

UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 6431, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng tuyến đường nối từ đường Nguyễn Văn Cừ với đê Tả ngạn sông Hồng. Dự án có chiều dài hơn 1,5km, tổng mức đầu tư khoảng 985,534 tỷ đồng. Như vậy, sau các đoạn đường Kim Liên – Ô Chợ Dừa, Ô Chợ Dừa – Hoàng Cầu được mệnh danh những con đường “đắt nhất hành tinh” với tổng vốn đầu tư bình quân hàng nghìn tỷ đồng/km, đến nay Hà Nội chuẩn bị có thêm con đường được đầu tư hàng nghìn tỷ động cho đoạn đường1565 m. Thời gian thực hiện dự án dự kiến là từ năm 2014 đến năm 2017, theo hình thức Chủ đầu tư trực tiếp quản lý dự án.

 

Đây là một công trình giao thông đường bộ trong đô thị, thuộc loại công trình cấp II, với mặt cắt ngang là 40m. Trong tổng số tiền khái toán là 985,534 tỷ đồng thì chi phí xây dựng chỉ chiếm 256, 662 tỷ, trong khi chi phí bồi thường, hỗ tợ tái định cư là 481, 667 tỷ đồng. Còn lại là chi phí thiết bị, tư vấn, quản lý…

 

Đề cập đến khoản chi phí này, Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Namcho rằng đây là một nhược điểm của các dự án đầu tư công. Theo ông Liêm, nguyên nhân khiến các dự án đầu tư công ở Việt Nam bị đội giá lên cao là do sự không minh bạch và thiếu tính chuyên nghiệp trong việc thiết kế, xây dựng, thi công con đường.Ông Liêm chỉ ra rằng: Tính không minh bạch là do dự án khép kín, từ đơn vị thiết kế, đơn vị cấp vốn, chủ đầu tư cùng thuộc một đơn vị hành chính.

 

Gọi là dự án khép kín vì không ai kiểm tra, kiểm soát. Cũng chính vì sự khép kín nên rất có thể dễ bị lợi dụng để đưa ra những mức giá khó kiểm soát , nhất là giá đền bù giải phóng mặt bằng. TS Phạm Sỹ Liêm cho rằng vì không minh bạch nên cũng nảy sinh tính không chuyên nghiệp, bởi thông thường, những người thực hiện dự án phải có kiến thức, có kinh nghiệm và phải có đạo đức nghề nghiệp.

 

Trên thực tế ngay cả chủ đầu tư dự án, người thực hiện công tác đền bù cũng chưa có tính chuyên nghiệp cao vì việc đền bù thường được giao cho cấp quận, huyện (thường là cấp Sở, Phòng Tài chính,Phòng Xây dựng thực hiện).

 

“Giả sử họ làm vài lần, có kinh nghiệm lại được đổi vị trí công tác khác. Còn nếu của một doanh nghiệp chuyên môn làm việc đó thì họ phải làm tốt và đó là nghề kiếm sống của họ. Cho nên thiếu tính chuyên nghiệp nên những cái như thế làm cho các dự án đầu tư công của Việt Nam đều đắt cả”, ông Liêm nói.

 

Tiến sĩ cũng cho rằng: Đáng lẽ, sau con đường được mệnh danh “đắt nhất hành tinh” thì Thành phố Hà Nội phải rút kinh nghiệm, để ngân sách của Thành phố không phải gồng mình gánh những dự án đầu tư hàng nghìn tỷ đồng.

 

Đồng tình quan điểm này, ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường cho rằng việc Thành phố Hà Nội phải đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cho những quãng đường dài khoảng hơn 1 km là sự lãng phí . Theo ông Võ, chúng ta có những con đường được mệnh danh “đắt nhất hành tinh” vì không tạo ra được cơ chế phù hợp để thu lại được lợi ích từ đất ở 2 bên đường do giá trị con đường mang lại.

 

“Chúng ta vẫn ì ạch cơ chế Nhà nước thu hồi đất để làm con đường, sau đó giá trị tăng thêm 2 bên đường thì số phận ai may mắn được ra mặt đường thì được hưởng không và người ta vẫn gọi là tiền từ trên trời rơi xuống. Đây là cơ chế cực kỳ bất công và Nhà nước cực kỳ nặng nề trong việc đầu tư và hiệu quả đầu tư cứ như thế này thì không hiểu tiền nhà nước đầu tư được mấy con đường như vậy”, ông Đặng Hùng Võ cho biết.

 

Trong khi toàn bộ giá trị con đường do Nhà nước đầu tư mà giá trị bồi thường có thể chiếm đến 70% còn giá trị xây dựng chỉ chiếm 20%. Thậm chí, có những con đường, giá trị bồi thường chiếm tỷ lệ cao hơn nữa trên tổng vốn đầu tư. Vì vậy, Nhà nước cứ phải bỏ rất nhiều tiền ra để làm đường, bồi thường, sau đó tiền đất 2 bên đường tăng lên, Nhà nước cũng không thu được.

 

Cũng theo ông Võ, ở các nước, họ dùng cơ chế góp đất và điều chỉnh lại đất đai, mọi người có đất ở 2 bên đường góp lại, sau đó quy hoạch lại 2 bên đường. Người mất hoàn toàn đất cũng được bố trí tái định cư tại chỗ, người mất một phần đất, được ra mặt đường, mang lại giá trị cao hơn thì diện tích đất cũng phải thu hẹp lại tương ứng. Như vậy, diện tích đất vẫn thu xếp đủ cho những người mất đất nhiều, mất ít, đồng thời một phần đất còn lại sau khi đền bù được đấu giá để lấy tiền xây dựng con đường.

 

Cơ chế này được hầu hết các nước từ Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước trong khu vực ASEAN như Indonesia, Thái Lan, Malaysia áp dụng rất tốt và họ không mất chi phí cho việc xây dựng đường quá nhiều. Thậm chí, nếu tính toán tốt, tiền thu được từ đấu giá đất có khi đủ tiền để xây con đường mới.

 

Theo ông Võ, mặc dù cơ chế này đã được vạch ra từ lâu tại Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, nhưng trong Dự thảo sửa đổi Luật Đất đai đang được Quốc hội xem xét lại không đề cập vấn đề này, như vậy sẽ thiếu tính đồng bộ, thiếu tính thống nhất.

 

 


Hồng Anh

Ý kiến bạn đọc