Bảo hiểm y tế theo hộ gia đình liệu có khả thi?

14:06, 27/11/2013
|

(VnMedia) - Quy định về việc mua bảo hiểm y tế theo hộ gia đình được cho là một điểm mới đột phá của Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của  Bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, đóng góp cho Điều này của Dự thảo, nhiều đại biểu cho rằng vẫn còn những điểm chưa khả thi…

Ảnh minh họa

Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận)


Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) cho rằng, Dự thảo luật quy định hộ gia đình mua bảo hiểm y tế là toàn bộ người có tên trong sổ hộ khẩu và sống trên cùng một địa bàn xã, phường, thị trấn là chưa rõ, chưa bảo đảm quyền lợi của hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế.

 

“Cụ thể, trong trường hợp người có tên trong sổ hộ khẩu của gia đình nhưng đang sống ở một xã, phường, thị trấn khác đã đăng ký tạm trú tại địa phương họ đang cư ngụ và đăng ký tham gia bảo hiểm y tế tại địa phương đó thì gia đình họ có được xem là hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế để được hưởng những quyền lợi được quy định trong dự thảo luật không? Vì vậy đề nghị Ban soạn thảo tính toán thêm nhằm bảo đảm quyền và lợi ích của hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế.” - đại biểu Nguyễn Thị Phúc lấy ví dụ.

 

Trong khi đó, cũng góp ý về điều khoản này, đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đắk Nông) đề nghị nên sửa, bỏ đi quy định “và sống trên cùng một địa bàn xã, phường, thị trấn” vì trong cuộc sống thực tế có nhiều người phần nhiều là người ở nông thôn là lao động chính trong gia đình có tham gia bảo hiểm y tế tại nơi làm việc trong cùng một sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú, nhưng do điều kiện làm việc không thể sống trên cùng một địa bàn xã, phường, thị trấn là phổ biến.

 

“Nếu quy định như trên thì sẽ gây thiệt thòi cho các thành viên còn lại trong gia đình mà phần nhiều là người phụ thuộc, khi tham gia bảo hiểm y tế không được áp dụng Khoản 3, Điều 13 dự thảo luật sửa đổi, bổ sung giảm được mức đóng bảo hiểm y tế. Bỏ đi quy định trên thì mới đảm bảo được công bằng cho các cá nhân tham gia bảo hiểm y tế và tạo điều kiện thuận lợi cho chính sách của nhà nước đưa bảo hiểm y tế toàn dân mau chóng đi vào cuộc sống.” - đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh nói.

 

Ảnh minh họa

 Tôn Thị Ngọc Hạnh


Trong khi đó, đại biểu Phạm Thị Thu Hồng (Bình Định) cho rằng, quy định hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế bao gồm toàn bộ người có tên trong hộ khẩu hoặc sổ tạm trú mà sống trên cùng một địa bàn xã, phường, thị trấn sẽ có những bất cập trong thực tế.

 

“Hiện nay có hơn 30% dân số chưa tham gia bảo hiểm y tế cho vào đối tượng hộ có mức sống trung bình trên mức cận nghèo ở địa bàn nông thôn, thu nhập bấp bênh nên phải đi làm ăn xa một số tháng trong năm. Nếu quy định hộ gia đình như dự thảo là không khả thi, vô hình chung quy định này loại bỏ những đối tượng người nông thôn di cư sang các địa bàn khác làm ăn.

 

Cũng đồng tình đề nghị bỏ dòng "và sinh sống trên cùng một địa bàn", đại biểu Phạm Thị Thu Hồng đề nghị nên quy định điều kiện thuận lợi trong việc khám, chữa bệnh cho người tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình nhưng đang làm ăn khác địa bàn về việc đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu.

 

Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) thì băn khoăn: “Nếu quy định hộ gia đình là đối tượng tham gia bảo hiểm y tế thì luật sẽ khắc phục được nhược điểm hiện nay là trong cùng một hộ gia đình người bệnh thì đóng người khỏe thì không. Nếu luật quy định "hộ gia đình là đối tượng tham gia bảo hiểm y tế" thay cho "người thuộc hộ gia đình" tôi đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu để sửa đổi Khoản 3, Điều 13 về mức đóng và trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế cho phù hợp.”

 

Đại biểu Nguyễn Minh Phương (TP Cần Thơ) thì trăn trở rằng, số người hiện chưa tham gia bảo hiểm y tế chủ yếu là nông dân ở nông thôn, nhân khẩu trong gia đình đông và do mưu sinh họ không tập trung ở một nơi cố định. Do vậy, đại biểu Minh Phương đề nghị: “Đối với nhóm đối tượng này, dự luật nên theo hướng mở là cho đăng ký bảo hiểm y tế ban đầu ở 2 nơi khác nhau. Về mức đóng tôi đồng ý với dự thảo luật từ người thứ nhất, người thứ hai và từ người thứ sáu trở đi nhưng không nên bắt buộc 100% thành viên tham gia bảo hiểm y tế. Vì thực tế như hiện nay, không phải hộ dân nào cũng có khả năng tham gia bảo hiểm y tế cho tất cả nhân khẩu trong gia đình”.

 

Cũng lo lắng về tình trạng thu nhập của người nông dân và lao động tự do còn thấp, đai biểu Nguyễn Thúy Hoàn (Thái Bình) cho rằng, hiện nay điều kiện kinh tế và thu nhập của người dân, nhất là người dân ở vùng nông thôn còn thấp, nếu quy định bắt buộc sẽ có một số bộ phận dân cư không có điều kiện tham gia.

 

“Vậy xử lý nhóm này như thế nào? Nếu không xử lý thì luật không nghiêm, xử lý thì sẽ xử lý như thế nào thì chưa thấy luật quy định. Tôi đề nghị nên cân nhắc về phí đóng bảo hiểm y tế khi các thành viên trong hộ gia đình tham gia, giảm tỷ lệ đóng từ người thứ hai bằng 70% người thứ nhất và từ người thứ ba trở đi thì bằng 50% người thứ nhất, có như vậy mới khuyến khích được các hộ gia đình tham gia và có như vậy cũng hợp với túi tiền của người dân hơn.” - đại biểu tỉnh Thái Bình đề nghị.

 

Để bảo hiểm y tế là bắt buộc, khả thi, đại biểu Đào Văn Bình (TP Hà Nội) thì đề xuất, tại Khoản 4, Điều 12, quy định nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng cần bổ sung thêm đối tượng thuộc hộ gia đình người làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có thu nhập trung bình trở lên được nhà nước hỗ trợ một phần.

 

Đại biểu Đào Văn Bình cũng đề nghị, Điều 13, Khoản 3 không nên quy định hộ gia đình có 100% thành viên tham gia đóng bảo hiểm y tế mới được giảm vì nếu gia đình có 3/3 người và gia đình có 3/6 người đóng bảo hiểm y tế thì sẽ hưởng mức độ giảm trừ khác nhau, như vậy thiệt thòi cho gia đình có đông người.

 

Trong khi đó, đại biểu Hoàng Việt Phương (Tuyên Quang) đề nghị bổ sung thêm đối tượng là người dân tộc Kinh sống ở vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn, không thuộc đối tượng được cấp hoặc hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế như trong quy định của dự thảo luật.

 

“Trên thực tế, qua giám sát thấy ở những vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn, người Kinh sống ở đây trở thành người thiểu số, trong cùng một môi trường về văn hóa, kinh tế khó khăn như đồng bào dân tộc thiểu số ở đó, thậm chí họ còn có phần khó khăn hơn vì bất đồng về ngôn ngữ và thiếu những người thân ruột thịt. Do đó, tôi đề nghị Ban soạn thảo cần cân nhắc khảo sát, tính toán bổ sung đối tượng này được hưởng hỗ trợ của nhà nước về bảo hiểm y tế, góp phần xóa đói giảm nghèo”.

 

Đại biểu Chu Đức Quang (Lạng Sơn) thì cho rằng, quy định "hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế, bao gồm toàn bộ những người có tên trong sổ hộ khẩu hoặc tạm trú và sống trên cùng một địa bàn xã, phường, thị trấn" là không phù hợp với Bộ luật dân sự năm 2005 và Luật cư trú năm 2006.

 

“Điều 106 Bộ luật dân sự quy định "hộ gia đình mà các thành viên có tài sản chung cùng đóng góp công sức để hoạt động kinh tế chung trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp hoặc một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác do pháp luật quy định là chủ thể khi tham gia quan hệ dân sự thuộc các lĩnh vực này. Điều 15 của Luật cư trú quy định "vợ, chồng có thể có nơi cư trú khác nhau nếu có thỏa thuận". Như vậy, cả hai điều luật này đều không quy định về điều kiện hộ gia đình phải sống trên một địa bàn xã, phường, thị trấn" - đai biểu Chu Đức Quang phân tích.

 

Riêng đại biểu Phạm Thị Phương (Hà Tĩnh) sau khi nghiên cứu Dự thảo đã nhận thấy, Dự thảo có quy định về nhóm tự đóng bảo hiểm y tế theo hộ gia đình, nhưng chỉ cho đối tượng lao động tự do mà chưa có quy định vào cơ chế tham gia bảo hiểm y tế của thân nhân người lao động là cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các doanh nghiệp, trong khi đây là nhóm đối tượng tương đối lớn, tính khả thi khi bắt buộc tham gia cao.


Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc