Bão đổi hướng, dự báo lan rộng ra phía Bắc

17:01, 09/11/2013
|

(VnMedia) - Siêu bão HaiYan (cơn bão số 14) sẽ đổi hướng, giảm cường độ nhưng lại ảnh hưởng rộng hơn ra phía Bắc, có thể tới tận Quảng Ninh. Khu vực chịu ảnh hưởng của gió mạnh nhất được dự báo là từ Quảng Trị đến Hà Tĩnh.
 

Ảnh minh họa

Ông Bùi Minh Tăng - Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương - ảnh: Tuệ Khanh


Trước tình hình phức tạp và độ nguy hiểm của cơn bão số 14, chiều nay, Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương đã tổ chức họp báo, thông tin tới các cơ quan báo chí về diễn biến của cơn siêu bão này.
 
Theo ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, sau một đêm quét qua Philippines với sức gió đo được là 260-280km/ha (có phương tiện đưa tin là tới 315km/h), do lực ma sát với mặt đất của các đảo nên cường độ của cơn bão HaiYan đã suy yếu đi khoảng 2 đến 3 cấp độ khi vào đến Biển Đông, còn khoảng cấp 14. Tuy nhiên, đến tối ngày 8/11, cơn bão này lại mạnh trở lại và trưa nay đạt cấp 15, giật trên cấp 17.
 
"Trưa nay, thiếu tướng Trần Quang Khê cho biết, ở đảo Song Tử Tây đã có gió giật cấp 12 mặc dù tâm bão còn cách đảo này khoảng gần 300 km." - ông Tăng dẫn chứng về mức độ kinh khủng của bão HaiYan.
 
Theo ông Bùi Minh Tăng, dự báo trong 24 giờ tới, bão đi theo hướng Tây Tây Bắc, khoảng 30-35km/giờ. Đến sáng ngày mai (10/11), tâm bão có khả năng vào vùng biển các tỉnh từ Quảng Ngãi – Quảng Trị. Cấp bão giảm xuống, còn khoảng cấp 12 đến 14, giật cấp 15, cấp 16.
 
Từ sáng mai (10/11), bão số 14 sẽ đổi hướng di chuyển theo hướng Tây Bắc, men dọc theo ven biển các tỉnh từ Đà Nẵng đến Quảng Trị và suy yếu thêm nữa.
 
“Tại thời điểm này thì chúng tôi nhận định từ chiều đến đêm mai bão sẽ đi vào khu vực các tỉnh từ Quảng Bình đến Thanh Hóa. Khi cập bờ, cường độ bão chỉ còn khoảng cấp 9 đến cấp 12, giật cấp 13 – 14” – ông Tăng cho biết.

Ảnh minh họa

Nhận định mới nhất của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương về đường đi của bão số 14


Theo giải thích của Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương thì như vậy, tình hình về cơn bão đã có sự thay đổi so với nhận định của ngày 8/11. Theo đó, bão ít có khả năng đổ bộ thẳng góc vào các tỉnh miền Trung nên khu vực ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão lại mở rộng nhiều ra phía Bắc, thậm chí các tỉnh Nam đồng bằng Bắc Bộ cũng có thể bị ảnh hưởng của gió bão.
 
Ông Tăng cũng giải thích, do di chuyển lên phía Bắc, bị ma sát với đường bờ và vùng nước có nhiệt độ thấp hơn nên cường độ bão suy giảm, mức độ hủy hoại của gió bão cũng đỡ hơn bởi nếu bão đổ bộ thẳng vào trung Bộ khi cường độ còn mạnh cấp 13 – cấp 14, giật cấp 15, cấp 16 thì sức hủy hoại rất lớn.
 
Tuy nhiên, ông Tăng cũng cảnh báo, mặc dù có suy yếu so với nhận định ban đầu và không đổ bộ vào bờ lúc mạnh nhất, nhưng đây vẫn là cơn bão rất mạnh, tâm bão vẫn sát bờ, khi di chuyển dọc theo ven biển và khi đổ bộ vào đất liền, gió bão vẫn có thể mạnh tương đương, thậm chí mạnh hơn so với hai cơn bão số 10 và số 11 vừa đổ bộ vào miền Trung.
 
Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương Bùi Minh Tăng cũng nhận định, do đây là một cơn bão rất mạnh với vùng gió mạnh lớn hơn cấp 6 rộng khoảng 350-450km, đồng thời khi di chuyển lại có xu hướng dọc theo các tỉnh miền Trung nước ta nên toàn bộ các tỉnh từ Phú Yên trở ra khu vực nam đồng bằng châu thổ Sông Hồng sẽ ghi nhận được gió mạnh cấp 6.

Phân bổ cụ thể của gió bão có thể mô tả như sau:

Tỉnh Phú Yên có gió giật cấp 6, cấp 7

Tỉnh Bình Định có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8 – cấp 10

Tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 7 – 8, giật cấp 9 – cấp 10

Riêng đảo Lý Sơn thuộc Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 9 – 10, giật cấp 11 – cấp 12.

TP Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế có gió bão mạnh cấp 9 – 11, giật cấp 12 – 13

Các tỉnh Quảng Trị - Hà tĩnh là nơi được dự báo sẽ chịu ảnh hưởng mạnh nhất, có gió bão cấp 10 – 13, giật cấp 14 – 15.

Các tỉnh Thanh Hóa – Nghệ An có gió mạnh cấp 9 – 9, giật câp 11-12.

Các tỉnh ven biển Bắc Bộ (có thể tới tận vùng biển Quảng Ninh) có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9

 
Ông Tăng cũng cho biết, khu vực Phú Yên – Quảng Ngãi (bao gồm cả đảo Lý Sơn) sẽ là nơi sớm ghi nhận được gió mạnh nhất, tức là từ khoảng đêm nay trở đi. Sau đó sẽ là gió mạnh sẽ tiếp tục xảy ra ở các tỉnh Quảng Nam trở ra đồng bằng Bắc Bộ.

Mưa lớn có khả năng gây ngập lụt
 
Về tình hình mưa, theo ông Bùi Minh Tăng, do hoàn lưu bão rộng, phạm vi ảnh hưởng lớn nên từ chiều nay, vùng mây vành ngoài mắt bão đã bắt đầu ảnh hưởng đến miền Trung. Khoảng chiều tối nay hoàn lưu mây phía Tây của bão sẽ tác động đến khu vực từ Quảng Trị đến Bình Định. Từ tối nay ở khu vực này sẽ có mưa to đến rất to.
 
Cùng với xu hướng dịch chuyển dần lên phía Bắc của bão số 14 thì từ đêm nay, mưa sẽ lan tới khu vực Quảng Bình, Hà Tĩnh và đén chiều tối mai thì lan tới khu vực Thanh Hóa và Bắc Bộ. Mưa lớn dồn dập kéo dài từ 1-2 ngày với lượng mưa từ 200-400mm, có nơi tới 500mm sẽ gây lũ lớn trên các sông suối, ngập úng ở các thành phố, vùng trũng và lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi.
 
Một mối lo ngại lớn trong cơn siêu bão này, đó là ảnh hưởng của nước biển dâng. Theo Giám đốc Bùi Minh Tăng, khu vực ven biển các đảo thuộc các tỉnh Nghệ An – Quảng Ngãi cần đề phòng nước dâng kết hợp với triều cường cao từ 4-6m, sóng biển cao từ 5-8m, vùng gần tâm bão trên 10.
 
Theo giải thích của ông Bùi Minh Tăng, dù bão có giảm cường độ, nhưng dự báo đổ bộ vào đất liền vào khoảng chiều tối, thời điểm nước triều dâng nên mức độ nước biển dâng và sóng cao vẫn không giảm so với nhận định ban đầu.


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc