Án oan 10 năm: Những ai sẽ bị xử lý?

15:42, 06/11/2013
|

(VnMedia) - "Luật chỉ giao cho Viện kiểm sát có quyền kháng nghị tái thẩm, nên Viện kiểm sát là người đầu tiên phát hiện, xác minh và Viện Kiểm sát phải đứng ra xin lỗi trước dân. Còn các cơ quan kia thì phải tiến hành xử xong mới xin lỗi…"

 

Vụ án oan khiến một người phải ngồi tù 10 năm trong tuyệt vọng đang tiếp tục được dư luận, trong đó có các đại biểu Quốc hội, đặc biệt quan tâm. Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã trao đổi với báo chí về vụ việc bên hành lang Quốc hội.


Ảnh minh họa

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền - Viện trưởng Viện KSND tỉnh Lâm Đồng


- Ông đánh giá như thế nào về phản ứng của các cơ quan chức năng trước vụ việc?

 

Sau khi nghe tin này các cơ quan nội chính đã hết sức dũng cảm, dám nhìn thẳng về cái sai, thấy sai, nhận sai, dám giải quyết cái sai. Nhưng sau khi hậu quả xảy ra, sau khi minh oan thì phải bồi thường cho nó thỏa đáng và phải tiến hành kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của những người liên quan đến việc này. Làm sao để hạn chế tối đa việc oan sai.

 

Hiện nay, các cơ quan truyền thông đã lên tiếng mạnh mẽ rồi thì các cơ quan phải thấy sai và nhận lỗi với người dân. Phải bồi thường vật chất và tinh thần trong thời gian vừa qua đối với ông Chấn.

 

- Theo ông, biện pháp sửa sai sẽ phải như thế nào thì mới thỏa đáng?

 

Việc sai này xảy ra lâu rồi, thế nhưng, phải quy trách nhiệm của những người trước đây đã tham gia vào việc điều tra, truy tố, xét xử, chứ không phải một ngành. Bây giờ sai thì ngành tòa án phải đứng ra bồi thường, tránh trường hợp đùn đẩy trách nhiệm. Cơ quan nào xử lý cuối cùng thì cơ quan đó phải đứng ra bồi thường và xin lỗi dân. Còn quy trách nhiệm thì phải đồng trách nhiệm, kể cả điều tra, truy tố, xét xử. Cái sai đầu tiên là từ điều tra.

 

- Ông có nhận thấy dấu hiệu ép cung qua biên bản bản nhận tội?

 

Điều này thì phải điều tra, xác minh để làm rõ. Nếu có ép cung, mớm cung thì phải xử lý những người đó.

 

- Chúng ta có 3 cơ quan tố tụng nhưng vẫn để xảy ra oan sai. Vậy theo ông, sai là do đâu?

 

Nếu xác định lỗi cố ý của cơ quan điều tra thì phải xử lý hình sự chứ không xử lý hành chính được. Còn đối với cơ quan công tố, tòa án căn cứ theo hồ sơ nên có thể nhận thức sai thì tùy theo mức độ để xửu lý. Còn điều tra viên mà rõ ràng ép cung, mớm cung, nhục hình để người ta nhận tội thì phải xử lý kỷ luật.

 

- Ông nói rằng lỗi ban đầu từ cơ quan điều tra, vậy thì phải xử lý như thế nào?

 

Theo Luật Bồi thường Nhà nước, cơ quan cuối cùng phải thực hiện công khai xin lỗi và bồi thường thiệt hại trước. Vì đợi phân chia trách nhiệm thì rất là lâu, nên luật quy định cơ quan tố tụng cuối cùng giải quyết việc đó, phải thay mặt 3 cơ quan để xin lỗi, bồi thường thiệt hại. Còn trong quá trình điều tra xác minh làm rõ nguyên nhân sai bắt đầu từ đâu và ai là người trực tiếp sai. Oan sai mà cố tình do ép cung, mớm cung, nhục hình để người ta nhận tội thì phải xử lý hình sự.

 

Trước hết, Viện kiểm sát là cơ quan có quyền kháng nghị tái thẩm. Luật chỉ giao cho Viện kiểm sát có quyền kháng nghị tái thẩm, chứ không ai có quyền kháng nghị tái thẩm cả. Cho nên Viện kiểm sát là người đầu tiên phát hiện, xác minh thì Viện kiểm sát đứng ra xin lỗi trước dân. Còn các cơ quan kia thì phải tiến hành xử xong, thì mới xin lỗi.

 

- Ông nghĩ thế nào về việc ý kiến cho rằng vụ này phải xử giám đốc thẩm chứ không phải tái thẩm?

 

Theo tôi tái thẩm là đúng vì đây là tình tiết mới.

 

- Tình tiết mới nhưng lại lộ việc ông Chấn bị oan sai?

 

Oan sai thì tái thẩm để minh oan. Còn giám đốc thẩm là hủy án đi để xét xử lại.

 

- Theo ông, trường hợp này có phải là cá biệt không hay còn nhiều vụ khác nữa?

 

Trước đây đã có rồi. Đã có nhiều vụ án xử đến chung thân rồi, nhưng “người chết” lại trở về. Cho nên phải thận trọng tối đa. Các cơ quan tiến hành tố tụng phải tiến hành chặt chẽ, nhưng cũng phải ràng buộc lẫn nhau. Phối hợp nhưng phải ràng buộc lẫn nhau chứ gần gũi nhau quá, bỏ qua cho nhau thì dẫn đến sai phạm.

 

- Theo ông, tình trạng họp án có làm mất đi tính độc lập không?

 

Về nguyên tắc là như vậy. Tới đây sẽ xác định về trách nhiệm cá nhân rõ hơ chứ không đưa ra tập thể để bàn như trước đây.

 

- Vị thẩm phán phiên tòa 10 năm trước nói phúc thẩm đã xử rồi, còn oan sai giờ trách nhiệm là thuộc Tòa tối cao, thuộc Quốc hội. Ông thấy ý kiến này thế nào?

Tôi cho rằng, oan sai cấp nào thì cấp đó phải chịu trách nhiệm. Ví dụ như Tòa án Tối cao đã xử phúc thẩm thì Tòa án Tối cao phải chịu trách nhiệm, chứ không phải đổ cho cấp dưới sai thì lên đây tôi sai. Cái này cũng không thuộc thẩm quyền của Quốc hội nữa, vì các "anh" sai thì "anh" phải tự sửa.

- Xin cảm ơn ông!


Tuệ Khanh - (ghi)

Ý kiến bạn đọc