(VnMedia) - Sau rất nhiều vụ việc kinh hoàng xảy ra trong ngành Y tế như ăn bớt vacxin khi tiêm cho trẻ nhỏ, nhân bản kết quả xét nghiệm, nghi vấn tráo đổi thủy tinh thể và đỉnh điểm là vụ làm chết người, vứt xác xuống sông Hồng, dư luận đang hết sức phẫn nộ với y đức của một bộ phận y, bác sĩ...
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. |
Mấy ngày gần đây, nhiều người đã lên tiếng yêu cầu ngành y tế xin lỗi, thậm chí có ý kiến đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến từ chức. Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc còn thẳng thắn đặt vấn đề: “xin lỗi để mà làm gì khi mà xin lỗi lại tiếp tục xảy ra những vụ đau lòng như thế”.
Trước sự kiện này, các phóng viên báo chí đã tìm mọi cách để được phỏng vấn Bộ trưởng Bộ y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và cho đến tận hôm nay (26/10), Bộ trưởng Kim Tiến mới chính thức có ý kiến trả lời bằng văn bản, trong đó có cả câu trả lời về bình luận của đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc. Tuy nhiên, câu trả lời của bà Bộ trưởng đã không đi thẳng vào vấn đề mà dư luận quan tâm.
Mở đầu câu trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói: "Luật pháp quy định, công dân từ 18 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm về các hành vi của mình. Điều đó có nghĩa là những người từ 18 tuổi trở lên nếu có lỗi, họ phải xin lỗi, nếu phạm luật, họ sẽ bị pháp luật trừng trị."
Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế, Bộ trưởng Kim Tiến chỉ khẳng định “chúng tôi tiếp tục thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được giao. Tiếp tục hoàn thiện và tổ chức triển khai hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực khám bệnh chữa bệnh… Đồng thời Bộ sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh tra giám sát các hoạt động quản lý ngành, phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Y tế và các sở, ngành chức năng của địa phương đẩy mạnh các hoạt động kiểm tra, giám sát hành nghề y tư nhân, trong đó có cả thẩm mỹ, trên địa bàn”.
Bà Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho rằng, Luật Khám bệnh, chữa bệnh đã quy định trách nhiệm quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đối với việc quản lý nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi địa phương. Việc phân công, phân cấp trách nhiệm đã được quy định rõ ràng trong Luật. “Nhưng mỗi khi xảy ra các sự cố, Bộ Y tế đều phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, chính quyền địa phương để xem xét, giải quyết cũng như chấn chỉnh công tác quản lý y tế tại địa phương" - bà Tiến nói.
Đặc biệt, theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, trường hợp bác sĩ Tường làm chết bệnh nhân và vứt xác xuống sông “là trường hợp cá nhân” và những trường hợp đi ngược với đạo đức, nghề nghiệp chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến còn “khảng khái” nói rằng: “Ngành Y còn vô vàn những bác sỹ tận tâm với nghề, ngày đêm hết mình cứu sống bệnh nhân” và “chúng ta không bao che, nhưng cũng không nên quên rằng còn rất nhiều gương người tốt, việc tốt trong ngành Y tế, còn rất nhiều những bác sỹ, nhân viên y tế tận tâm, tận lực với người bệnh”. Bà Tiến khẳng định “họ mới chính là hình ảnh thật của đội ngũ bác sỹ, thầy thuốc cách mạng Việt Nam.”
Sau rất nhiều năm, rất nhiều bê bối, hôm nay, bà Bộ trưởng cũng mới cho biết: "Bộ đang khẩn trương hoàn thành việc xây dựng Thông tư quy định về quy tắc ứng xử và đạo đức nghề nghiệp của cán bộ y tế".
Xuân Hưng
Ý kiến bạn đọc