(VnMedia) - Sau khi được thảm lại vào tháng 10 năm 2009, mặt cầu Thăng Long (Hà Nội) đã liên tục phải sửa chữa, vá lại 26.100 m2 do bong, nứt. Bắt đầu từ ngày 21/11 tới đây, gần như toàn bộ diện tích mặt cầu sẽ được vá và thảm lại bằng công nghệ của Hall Brother.
>> Mặt cầu Thăng Long lại nứt, đe dọa an toàn giao thông
>>Muốn hết nứt mặt cầu Thăng Long thì chờ... làm lại
>>Mặt cầu Thăng Long vẫn tiếp tục nứt toác
Tháng 10/2009, trước tình trạng mặt cầu Thăng Long xuống cấp trầm trọng, Bộ Giao thông vận tải đã quyết định đầu tư hơn 90 tỷ đồng để bóc toàn bộ lớp phủ mặt cầu cũ, làm mới lớp phủ mặt cầu rộng 16,5 m, dài gần 1,7 km.
Thế nhưng chỉ 3 tháng sau khi thông xe, cây cầu huyết mạch ở cửa ngõ Thủ đô nối trung tâm Hà Nội với sân bay Nội Bài đã xuất hiện hàng loạt vết nứt, lồi lõm. Vào thời điểm đó, Viện Khoa học và Công nghệ giao thông (đơn vị tư vấn giám sát) giải thích do không lường trước yếu tố bất lợi của thời tiết nên một số mẻ bê tông nhựa không đạt chất lượng, gây nứt vỡ mặt cầu Thăng Long.
Ngay sau đó, những vết nứt đã được trám lại, song chúng lại tiếp tục nứt và xuất hiện thêm nhiều vết mới. Đến thời điểm này dù đã được vá đi vá lại đến 5-6 lần nhưng mặt cầu Thăng Long vẫn đang tiếp tục bị "băm nát" bởi những vết nứt muôn hình muôn dạng. Sự lặp đi lặp lại của những hư hỏng này đã thật sự gây ra nỗi phiền toái cho người tham gia giao thông ở Thủ đô.
|
Mặc dù đã được vá đi vá lại nhiều lần nhưng đến thời điểm hiện tại, mặt cầu Thăng Long được đầu tư tới 90 tỷ đồng để sửa chữa vẫn nứt đi nứt lại, gây mất an toàn cho người tham gia giao thông. Ảnh: Nhất Minh |
Tại dự án này, việc thi công bằng công nghệ của Hall Brother được triển khai sau khi đã thực hiện thí điểm và tiến hành bằng máy chuyên dụng, thi công lớp bê tông nhựa phủ mặt sử dụng vật liệu dính bám Novabond.
Theo đại diện Ban quản lý dự án, trên diện tích đã được thi công, từ suốt 14 tháng qua, vật liệu Novabond của Hall Brother cho thấy có khả năng dính bám ổn định trong điều kiện làm việc thực tế của mặt cầu Thăng Long.
Hiện tại còn trên 12.000m2 mặt cầu cũ, sau 4 năm khai thác đã xuất hiện nhiều vị trí hư hỏng, cản trở lưu thông và đe dọa mất an toàn giao thông. Hơn nữa, việc bố trí sửa chữa phần diện tích mặt cầu cũ còn lại này làm lắt nhắt và không kịp thời khiến mặt đường bị phá rất nhanh.
Để sửa chữa nốt những vị trí hư hỏng này, tại một cuộc họp của Bộ Giao thông vận tải gần đây, lãnh đạo Bộ đã giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam kí hợp đồng với Hall Brother để sửa chữa nốt diện tích 12.000m2 mặt cầu hư hỏng còn lại. Đồng thời, cào bóc và thảm lại 2cm đối với toàn bộ mặt cầu Thăng Long.
Cũng liên quan đến việc này, mới đây, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Nguyễn Xuân Tân vừa cho biết, sau khi kiểm tra, khảo sát tổng thể mặt cầu Thăng Long cho thấy, đến thời điểm này, có 14.500m2 mặt cầu (phần dàn thép) và 22.000m2 mặt cầu (phần cầu dẫn) cần được sửa chữa gấp.
Theo ông Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội, việc sửa chữa cho 14.500m2 mặt cầu phần dàn thép sẽ theo công nghệ được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt và kinh phí cũng do Bộ Giao thông Vận tải bố trí.
Riêng phần dầm bê tông mặt cầu dẫn do Sở Giao thông Vận tải Hà Nội sửa chữa sẽ dùng kinh phí do Thành phố Hà Nội bố trí. Với phần này, Sở Giao thông Vận tải đề nghị thành phố chấp thuận cho sửa chữa với kinh phí tạm tính là 18,4 tỷ đồng, được trích từ nguồn kinh phí bảo trì đường bộ năm 2013.
Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, trong lần sửa chữa tới các điểm hư hỏng bề mặt cầu sẽ được xử lý bằng vật liệu bê tông nhựa polyme với chất dính bám Novabond của Công ty Hall Brother (Mỹ).
Việc thi công sẽ thực hiện trên 1/2 diện tích mặt cầu, chủ yếu ở phía làn đường từ trung tâm thành phố Hà Nội đi Nội Bài. Phần cầu dẫn sẽ được tiến hành cào bóc, thay thế và thảm lại toàn bộ lớp bê tông nhựa dày 5cm. Thời gian thi công dự kiến thực hiện từ 21 giờ hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau, kéo dài trong 1 tháng (tính đến hết ngày 21/11), với tổng kinh phí hơn 28 tỷ đồng.
Ý kiến bạn đọc