Quốc hội khai mạc kỳ họp dài nhất trong lịch sử

06:49, 21/10/2013
|

(VnMedia) - Hôm nay (21/10), Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 13 chính thức khai mạc. Đây là kỳ họp dự kiến sẽ kèo dài gần một tháng rưỡi với nhiều vấn đề hệ trọng của quốc gia như thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Luật đất đai (sửa đổi).
 
Ngoài ra, tại Kỳ họp này, Quốc hội cũng sẽ thông qua Luật tiếp công dân, Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng, Luật đấu thầu (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy, chữa cháy, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) cùng nhiều nội dung quan trọng khác.
 
Các nội dung này đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan hữu quan, các Đoàn đại biểu Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo, đúng quy trình.
 
Dự kiến, mở đầu phiên họp sáng nay, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu ý kiến. Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Trưởng Đoàn thư ký kỳ họp Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự kiến chương trình kỳ họp.
 
Sau khi Quốc hội thảo luận và biểu quyết thông qua chương trình kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng sẽ phát biểu khai mạc.
 
Tiếp đó Quốc hội nghe Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trình bày Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2013, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2014; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2011-2015): kết quả thực hiện từ năm 2011 đến nay và phương hướng, giải pháp thực hiện các mục tiêu kinh tế-xã hội đến hết năm 2015.
 
Phiên khai mạc kỳ họp thứ 6 sẽ được Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam tường thuật trực tiếp để cử tri và đồng bào cả nước cùng theo dõi.
 
Chiều nay, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai sẽ trình bày Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật việc làm, sau đó, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật việc làm.


Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc