(VnMedia) - Theo báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng, trong năm 2013, đã có 41 người đứng đầu bị xử lý vì để xảy ra tham nhũng…
Tồng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh vừa thay mặt Chính phủ báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng năm 2013 gửi Quốc hội.
Phát hiện 3 trường hợp "khai gian"
Theo báo cáo, các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đã báo cáo việc kê khai tài sản, thu nhập năm 2012. Trong đó, có 113.436 người kê khai lần đầu, trên tổng số 115.883 người phải kê khai (đạt 97,9%); 519.320 người kê khai bổ sung, trên tổng số 526.632 người phải kê khai bổ sung (đạt 98,6%); có 376.197 người được công khai bản kê khai tài sản, thu nhập tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi thường xuyên công tác.
Đặc biệt, có 3 trường hợp qua xác minh đã kết luận về việc kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, đó là 2 trường hợp tại Bộ Công an, đã xử lý kỷ luật cảnh cáo 1 trường hợp và 1 trường hợp đang xem xét, xử lý; 1 trường hợp tại Công ty Cao su Bình Thuận, đã thi hành kỷ luật về Đảng bằng hình thức cảnh cáo.
Ngoài ra, có 58 trường hợp bị xử lý kỷ luật do chậm kê khai, chậm tổng hợp, báo cáo, trong đó 18 trường hợp ở tỉnh Bình Phước và 40 trường hợp tại TP. Hồ Chí Minh.
Báo cáo của Chính phủ cũng nhận định, các cấp, các ngành đã quan tâm, tích cực thực hiện các quy định của pháp luật về kê khai tài sản, thu nhập; hầu hết cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện kê khai đã kê khai tài sản, thu nhập theo quy định; bước đầu đã hình thành tài liệu về bản kê khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, phục vụ công tác quản lý cán bộ, công chức.
Tuy nhiên, báo cáo cho biết vẫn còn một số đơn vị thống kê, báo cáo không đúng thời gian quy định, số liệu còn trùng lắp, chưa chính xác; việc xác minh tính trung thực của việc kê khai còn ít do các cơ quan có thẩm quyền chưa chủ động theo dõi, tiến hành xác minh bản kê khai tài sản, thu nhập.
Ảnh minh họa |
41 người đứng đầu bị xử lý
Báo cáo của Chính phủ cho biết, trong năm 2013, đã có 41 trường hợp người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó, có 4 người đã bị xử lý hình sự (Bắc Giang 2 người và Bắc Ninh 2 người); 33 người đã bị xử lý kỷ luật hành chính, 4 trường hợp khác đang được các cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý (giảm 14% so với cùng kỳ năm trước) .
“Nhìn chung, việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng chưa đạt yêu cầu và còn tình trạng nhầm lẫn giữa việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng với việc xử lý người đứng đầu do trực tiếp thực hiện hành vi tham nhũng. Bên cạnh đó, quy định về trình tự, thủ tục và thẩm quyền xử lý trách nhiệm người đứng đầu cũng còn nhiều vướng mắc, cần sửa đổi cho phù hợp” – ông Huỳnh Phong Tranh nêu rõ.
Liên quan đến việc chuyển đổi vị trí công tác; xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, báo cáo của Chính phủ cho biết, việc chuyển đổi vị trí công tác đã được thực hiện trong nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước. Các cấp, các ngành đã tiến hành chuyển đổi vị trí công tác 16.542 cán bộ, công chức.
Tuy nhiên, Chính phủ thừa nhận, quá trình thực hiện cũng bộc lộ hạn chế: Đối với một số vị trí công tác cần có kiến thức, kỹ năng chuyên môn chuyên sâu nhưng chưa có người phù hợp để chuyển đổi, gây khó khăn cho cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý cán bộ, công chức, viên chức.
Về hoạt động thanh tra, kiểm toán, báo cáo cho biết đã kiến nghị xử lý, thu hồi cho nhà nước hàng nghìn tỷ đồng, hàng trăm ha đất; đã phát hiện, chuyển sang cơ quan điều tra một số vụ việc có liên quan đến tham nhũng; kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền khắc phục, chấn chỉnh kịp thời những sơ hở, thiếu sót trong quản lý nhà nước, nhất là trong cơ chế chính sách, pháp luật.
Tuy nhiên, theo báo cáo, việc thực hiện, xử lý sau thanh tra, kiểm toán còn có những bất cập nhất định, hiệu quả chưa được như mong muốn. Ngoài ra, việc bố trí lực lượng, xây dựng nội dung, kế hoạch thanh tra, kiểm toán trong một số vụ, việc cụ thể còn chưa sát thực tiễn; hiện tượng trùng lắp trong hoạt động thanh tra chuyên ngành chưa được khắc phục.
Đặc biệt, qua nhận và giải quyết đơn thư tố cáo tham nhũng cho thấy, việc người dân tham gia tố cáo tham nhũng chưa nhiều, tình trạng này có nguyên nhân xuất phát từ việc giải quyết đơn thư tố cáo còn để kéo dài, trong khi đó thực hiện cơ chế bảo vệ người tố cáo của các cơ quan nhà nước chưa tốt nên tâm lý người tố cáo sợ bị trả thù từ đó ngại tố cáo tham nhũng.
Nhận xét về tình hình tham nhũng, báo cáo của Chính phủ viết: “Việc thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, xử lý nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, kết hợp với hiệu ứng tích cực có được từ đợt sinh hoạt chính trị trong toàn Đảng triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đã có tác dụng răn đe tham nhũng. Một số lĩnh vực, qua khảo sát, tình hình tham nhũng đã có xu hướng giảm so với kết quả khảo sát trước đó như thuế, hải quan, truyền thông, dịch vụ đăng ký và cấp phép.
“Tuy nhiên, tình hình tham nhũng chưa có dấu hiệu giảm, vẫn diễn ra ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực với những thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó phát hiện. Tình trạng sách nhiễu, vòi vĩnh, gây phiền hà ở một bộ phận công chức, viên chức nhà nước vẫn còn diễn ra ở một số lĩnh vực. Tham nhũng, lãng phí trong quản lý và sử dụng đất đai, tín dụng, ngân hàng, quản lý vốn và tài sản tại một số doanh nghiệp nhà nước đã gây thiệt hại lớn về kinh tế, gây bất bình trong xã hội”… - Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh khẳng định.
Trong năm 2013, ngành thanh tra phát hiện 80 vụ, 90 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng với số tiền 117,5 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi 117,5 tỷ đồng; đã thu 59 tỷ đồng, kiến nghị xử lý hành chính đối với 04 tập thể, 28 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra 11 vụ, 34 đối tượng. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Quốc phòng, TP.Hải Phòng, các tỉnh Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Tĩnh, Ninh Thuận, Quảng Ngãi, Bình Phước, Bình Thuận là những ngành, địa phương phát hiện và xử lý nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực. |
Ý kiến bạn đọc