Những quy định ít ngờ của Bộ trưởng Đinh La Thăng

08:06, 25/10/2013
|

(VnMedia) - Sau khi về điều hành Bộ Giao thông, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã góp phần thúc đẩy tiến độ các công trình xây dựng ngành, ông còn đưa ra nhiều quy định ít ngờ...

>>Bộ trưởng ra văn bản yêu cầu đi công tác bằng máy bay giá rẻ

>>Cấm cán bộ ngành Giao thông can thiệp xử phạt

Được bổ nhiệm đứng đầu ngành Giao thông vào tháng 8/2011, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng ngay sau đó đã có hành động quyết liệt để thúc đẩy tiến độ các công trình xây dựng ngành giao thông bằng việc đi thăm và “trảm tướng” ở một số công trình xây dựng chậm tiến độ. Sau động thái quyết liệt trên của ông, nhiều công trình xây dựng ngành giao thông lớn sau đó đã về đích đúng tiến độ, thậm chí còn vượt từ 3-18 tháng.

Không những vậy, ông còn là người đưa ra nhiều quy định ít ngờ nhất như: "ép buộc" các cán bộ, nhân viên dưới quyền phải thực hiện để làm gương và nhằm tích kiệm chi phí cho ngân sách.

Một trong những quy định đó là việc ông yêu cầu cán bộ, công nhân viên ngành giao thông vận tải gương mẫu sử dụng và vận động người thân đi xe buýt tại Hà Nội và TPHCM tối thiểu 1 ngày/tuần. Điều đáng nói là quy định này được ông Thăng đưa ra ngay sau khi vừa về ngồi "ghế nóng" Bộ Giao thông vận tải được 2 tháng.

Theo công văn hoả tốc số 6323/BGTVT-VT ký ngày 6/10/2011, để từng bước khắc phục tình trạng ùn tắc trầm trọng giao thông đô thị tại Hà Nội và TPHCM, tạo nếp sống văn minh đô thị, Bộ trưởng Bộ Giao thông yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong ngành giao thông vận tải có trụ sở, văn phòng đại diện, chi nhánh tại Hà Nội và TPHCM chủ trì, phối hợp với công đoàn, đoàn thanh niên và các đoàn thể yêu cầu cán bộ, nhân viên sử dụng xe buýt đô thị tối thiểu 1 ngày trong 1 tuần. CBCNV trong ngành dùng các hình thức thích hợp chủ động tuyên truyền, vận động người thân và cán bộ, nhân dân tại Hà Nội và TPHCM sử dụng xe buýt.

Ông cũng yêu cầu các Vụ, Cục, Tổng cục, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ, Ban PCLB & TKCN, Công đoàn GTVT Việt Nam, Công đoàn Cơ quan Bộ, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Cơ quan Bộ, Viện Chiến lược và phát triển GTVT, Viện Khoa học và Công nghệ GTVT, các Ban Quản lý dự án thuộc Bộ, Cục, Tổng cục, các Tổng công ty 90, 91 và Tập đoàn thuộc Bộ về việc cán bộ, công nhân viên ngành GTVT gương mẫu sử dụng và vận động người thân sử dụng xe buýt tại Hà Nội và TPHCM.

Được biết, trong thời gian ra quyết định này, tân Bộ trưởng Đinh La Thăng đã đích thân đi xe buýt 2 lần, còn Vụ Vận tải (Bộ GTVT) đã thực hiện đi xe buýt hàng tuần.

 Ảnh minh họa

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng. Ảnh: Tùng Nguyễn

Sau quy định trên được khoảng nửa tháng, ngày 18/10/2011, ông Thăng ký văn bản số 6630, gửi các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp (thuộc Bộ) cấm cán bộ lãnh đạo tham gia chơi golf.

Theo văn bản trên, thời gian qua, một số lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chưa tích cực chỉ đạo, điều hành công việc, dẫn đến việc xử lý công việc còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ công trình, dự án và hoạt động chung của đơn vị. Một trong những nguyên nhân là do cán bộ mất quá nhiều thời gian để chơi golf (kể cả trong các ngày nghỉ).

Vì vậy, ông yêu cầu các chủ tịch, thành viên hội đồng thành viên, tổng giám đốc (hoặc giám đốc), phó tổng giám đốc (phó giám đốc), chủ tịch công ty và tương đương tại các doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ GTVT (bao gồm cả tập đoàn, tổng công ty 91), các lãnh đạo thuộc diện Bộ quản lý từ cấp vụ và tương đương trở lên không chơi golf, không tổ chức hoặc tham gia các giải golf, để tập trung chỉ đạo, điều hành sản xuất kinh doanh và giải quyết công việc chuyên môn được giao....Quy định này của Bộ trưởng Đinh La Thăng đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều vào thời gian đó.

Bẵng đi một thời gian, tháng 4/2013, trước tình trạng
 cán bộ, công nhân viên ngành giao thông sau khi vi phạm Luật Giao thông còn có các biểu hiện chống đối, tiêu cực hoặc sử dụng các mối quan hệ để can thiệp vào việc xử lý vi phạm của lực lượng tuần tra, kiểm soát, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã ban hành chỉ thị nghiêm cấm cán bộ, công chức can thiệp vào việc làm trên.

Theo người đứng đầu ngành giao thông, trong bộ phận người tham gia giao thông vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông vẫn có cả cán bộ, công nhân viên ngành GTVT. Thậm chí, khi vi phạm, nhiều người còn có các biểu hiện chống đối, tiêu cực hoặc sử dụng các mối quan hệ để can thiệp vào việc xử lý vi phạm của lực lượng tuần tra, kiểm soát.
 
Vì vậy, ông yêu cầu cán bộ, công chức, thủ trưởng các cơ quan đơn vị thuộc Bộ GTVT cần nhận thức đầy đủ, tuyệt đối chấp hành và tuyên truyền, vận động người thân pháp luật về trật tự an toàn giao thông khi tham gia giao thông; gương mẫu, ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông; đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông.
 
Ông yêu cầu cán bộ, công chức trong Bộ không lợi dụng bất kỳ mối quan hệ nào để can thiệp vào việc thực thi công vụ, xử lý của các lực lượng chức năng đối với các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông của bản thân mình và của người khác.
 
Cán bộ không bao che cho bất kỳ hành vi vi phạm nào của cấp dưới; kiểm điểm nghiêm khắc mọi cá nhân vi phạm khi nhận được thông báo từ các lực lượng chức năng chuyển tới. Đặc biệt, không lợi dụng địa vị, chức vụ, quyền hạn, uy tín, mối quan hệ và ảnh hưởng của mình để can thiệp vào việc xử lý vi phạm của các lực lượng chức năng.
 
Mới đây nhất, ngày 22/10 vừa qua, sau lời kêu gọi tại cuộc họp sơ kết 9 tháng đầu năm, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng đã ký văn bản yêu cầu nhân viên, cán bộ ngành giao thông phải chủ động sắp xếp, bố trí lịch công tác để mua vé hàng không giả rẻ nhằm tiết kiệm kinh phí.

Người đứng đầu ngành giao thông yêu cầu, khi cử người đi công tác, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải chấp hành đúng tiêu chuẩn về sử dụng phương tiện đi lại khi đi công tác.

Đối với cán bộ, công chức thuộc cơ quan Bộ (bao gồm lãnh đạo Bộ và các cán bộ, công chức thuộc các Vụ, Ban, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ), khi có yêu cầu phải đi công tác bằng máy bay thì nghiêm chỉnh chấp hành các quy định như: Phải đúng đối tượng, tiêu chuẩn được đi công tác bằng máy bay theo quy định; Chủ động sắp xếp, bố trí lịch công tác để mua vé hàng không giả rẻ nhằm tiết kiệm kinh phí; Trường hợp do yêu cầu công việc đã cố định lịch trình, không mua được vé hàng không giá rẻ thì chủ động lựa chọn loại vé hợp lý trên tinh thần tiết kiệm tối đa.

Một lãnh đạo trong ngành hàng không cho biết, máy bay giá rẻ và máy bay hạng thường, về cơ bản chỉ khác nhau ở các dịch vụ đi kèm, bù lại có thể tiết kiệm được một khoản tiền. Bản thân lãnh đạo này cho biết ông cũng chỉ đi vé hạng thường mỗi lần đi công tác, không cần ngồi hạng thương gia.

Trao đổi với VnMedia về những quy định này, một số chuyên gia trong lĩnh vực ngành giao thông cho rằng, mặc dù chưa thể kiểm chứng hiệu quả của những quy định trên của Bộ trưởng Đinh La Thăng hiệu quả đến đâu nhưng bằng việc ban hành những quy định này cũng cho thấy, ông là người có những quy định rất tích cực. Những quy định này là những động thái rất đáng hoan nghênh khi mà không phải bộ, ngành nào cũng làm được.

Theo vị chuyên gia này, nếu như mỗi ngành, mỗi bộ đều có những quy định hợp với điều kiện làm việc của mình thì không những tiết kiệm được cho cơ quan, bộ, ngành mà còn tiết kiệm được cho xã hội...


Tùng Nguyễn

Ý kiến bạn đọc