Những câu chuyện xúc động trong dòng người viếng Đại tướng

06:58, 07/10/2013
|

(VnMedia) - Mỗi người một cảm xúc, mỗi người một câu chuyện, nhưng tất cả đều xoay quanh những tình cảm, những kỷ niệm chất chứa yêu thương, kính trọng đối với vị Đại tướng của nhân dân.

 

13 giờ chiều ngày 6/10. Còn hơn 1 tiếng nữa mới đến giờ viếng Đại tướng nhưng hàng ngàn người đã xếp hàng trên phố Hoàng Diệu để được vào thắp nén hương cho Người. Dù đến từ bất cứ đâu, ở bất cứ lứa tuổi nào, nhưng lúc này, họ đều như người một nhà đến viếng người thân trong gia đình. Chỉ cần nhìn nhau, họ cũng đã cảm nhận được nỗi mất mát chung. Trong lúc chờ đợi, những câu chuyện, những kỷ niệm về Đại tướng đã được chia sẻ...

 

Đứng ngay nghiêm chỉnh ở hàng đầu tiên, kiên trì chờ đợi mấy giờ đồng hồ, anh Hồ Bảo Long, (ở phố Trúc Bạch, Hà Nội) cho biết, anh đến đây từ sáng sớm nhưng chưa được vào viếng nên lại quay về. Đầu giờ chiều quay lại, anh đã thấy một hàng dài người xếp hàng và anh chỉ là người đầu tiên của hàng thứ hai. “Mấy năm nay, tôi luôn theo dõi sức khỏe của Đại tướng. Biết là quy luật của tạo hóa và y học hiện đại cũng không thể kéo dài hơn được, nhưng biết tin Bác mất, tôi vẫn cảm thấy một sự mất mát quá lớn. Bác là vị tướng của toàn dân. Tôi biết và ngưỡng mộ Đại tướng từ khi bắt đầu đi học” - anh Long xúc động chia sẻ.
 

Ảnh minh họa

Ngoài cổng, anh Long đã kiên trì đứng xếp hàng từ đầu giờ chiều để được là một trong những người sớm nhất thắp hương viếng Đại tướng


Ngay cạnh anh Long, cụ bà Nguyễn Thị Bình, 76 tuổi ở 18 Tô Lịch nghẹn ngào nói: Tôi nghe  tin Đại tướng mất, thấy lòng rất buồn. Tôi đến đây lần đầu và cũng là lần cuối cùng được đến với bác để được thắp một nén nhang.


Ảnh minh họa

Những người đầu tiên được vinh dự vào thắp hương nơi bàn thờ của Đại tướng

 

Trong đoàn người viếng Đại tướng, có một phụ nữ liên tục lấy tay lau nước mắt. Khi được hỏi, chị đã phải nghẹn ngào một lúc mới chia sẻ được đôi điều. Chị là Dương Thu Hiền, công tác tại công ty Interco. Chị bảo, gia đình chị “có duyên” được gặp Đại tướng. Bố chị đã từng được gặp Đại tướng, rồi chồng chị, khi đi sửa thiết bị y tế trong viện quân y 108 cũng may mắn được gặp Đại tướng. “Tôi chưa được gặp Bác bao giờ, nhưng những người thân của tôi mỗi lần gặp Bác đều rất xúc động và về kể lại. Qua những lời kể ấy, rồi qua sách báo, bác như trở thành người ruột thịt của em vậy. Hôm qua, lúc biết Bác mất, em thấy thật là đau đớn” – Chị Hiền khóc nức nở trước nỗi mất mát quá lớn.

 

Phạm Minh Nghiêm, một thanh niên sinh sống tại Thanh Hóa cho biết, em một mình đi xe khách ra Hà Nội để được viếng vị Đại tướng huyền thoại mà em kính trọng. “Với em, từ lúc bé, Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp là hai thần tượng. Lúc nghe tin Đại tướng mất, em thấy cứ nghèn nghẹn sao đó, như thể mất đi một người thân vậy.Hôm nay đến đây, em có cảm giác giống như một đại gia đình cùng đến viếng người thân của mình. Người đông như vậy, nhưng ai cũng có ý thức tuần tự xếp hàng và chia sẻ với nhau những tình cảm đối với Bác trong lúc chờ đợi” – Nghiêm vừa xúc động nói, vừa đưa tay ôm vai chị Hiền như ôm một người thân để an ủi, sẻ chia nỗi buồn.

Ảnh minh họa

Đến số nhà 30 Hoàng Diệu, họ đều có cảm giác là người trong một đại gia đình đến viếng người thân của mình. Trong ảnh: anh Long an ủi nỗi mất mát quá lớn lao với chị Hiền

 

Trong dòng người viếng Đại tướng có rất nhiều người từng là những người lính chiến đấu trên các chiến trường ác liệt. Có người đã từng gặp Đại tướng, cũng có người chưa từng được hưởng niềm vinh dự ấy, nhưng họ đều có chung một suy nghĩ, rằng Bác Giáp là vị tướng của họ, và họ là những người lính đã từng xung trận dưới sự chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

 

Bác Chử Văn Hoan, một cựu chiến binh, hiện sinh sống tại quận Long Biên chia sẻ: “Đại tướng là vị tướng tài, đã đánh thắng 2 đế quốc to. Tôi là một cựu chiến binh, là một quân nhân của quân đội nhân dân Việt Nam đã từng chiến đấu dưới sự lãnh đạo của Đại tướng. Nghe tin Đại tướng từ trần, tôi và cả gia đình rất xúc động.” Bác Hoan cho biết đi xe buýt từ Long Biên sang đây từ sớm, rồi lại quay về, rồi lại sang, chỉ mong được một lần “gặp” Đại tướng trước lúc Người ra đi mãi mãi.

 

Ngồi trên hàng trong vườn nhà Đại tướng chờ đến giờ viếng, thương binh nặng Ngô Xuân Chiến cho biết, đêm qua, anh em trong đoàn thương binh nặng của Hà Nội đã có một đêm không ngủ. “Bác mất, những người lính chúng tôi mất một người lãnh đạo lỗi lạc. Tôi đã được gặp Đại tướng 1 lần cách đây 20 năm. Chúng tôi là những người lính một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ, theo lời chỉ huấn của Đại tướng. Được tin Bác mất, đêm qua, anh em trong đoàn thương binh chúng tôi không ngủ, và chúng tôi đã khóc… Hôm nay, tôi đến đây trước rồi về báo cho anh em trại thương binh nặng ngày mai ra viếng Bác” – bác Ngô Xuân Chiến vừa khóc nức nở vừa nói.

Ảnh minh họa

Thương binh nặng Ngô Xuân Chiến khóc nức nở trong vườn nhà Đại tướng

 

Là một trong những người đến sớm, đại tá Nguyễn Văn Hiếu, người đã có 20 năm làm Bí thư cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã phải rất khó khăn để bước lên những bậc thang vốn rất quen thuộc, dù đã có người đỡ. Ông khiến tất cả những người xung quanh phải rơi lệ khi run run nói: Để tôi vào thắp hương cho anh Văn!

Ảnh minh họa

Đại tá Nguyễn Văn Hiếu được người con gái cả đỡ, run run bước từng bước chân lên bậc thang từng rất quen thuộc để thắp nén nhang cho "anh Văn"

 

Con gái cả của đại tá Nguyễn Văn Hiếu xúc động kể: “Bố tôi từng là Chánh văn phòng Bộ Quốc phòng, Chánh văn phòng Quân ủy Trung ương, làm Bí thư cho Bác Văn từ năm 1948 đến năm 1968. Sau này về hưu, bố tôi vẫn tiếp tục làm việc cho cụ, vẫn viết cho cụ. Nhà tôi ở ngay phía sau nhà bác Văn. Hôm qua, khi bố tôi biết tin cụ mất, ông đã bị sốc dù chúng tôi đã phải lựa lời nói rất từ từ. Đối với bố tôi, cụ Văn là nhất trên đời. Đó là một hình tượng mà suốt đời bố tôi sống và làm theo. Bác Văn là người sống rất tình cảm. Lúc mẹ tôi mất, bác Văn sang tận nhà, đám cưới 4 chị em tôi, bác cũng đều sang. Bố tôi coi bác Văn như một người anh ruột, như một người thầy. Trước đây, khi bác Văn nằm viện, bố tôi vẫn vào thăm đều đặn. Nhưng 2 năm trở lại đây, bố tôi yếu quá do bị tai biến nên không vào thăm được. Năm nào sinh nhật bác Văn, bố tôi cũng sang dự.”..

Ảnh minh họa

 Dòng người lặng lẽ đi trong sân nhà Đại tướng

 Ảnh minh họa

Và cùng nhau chia sẻ nỗi mất mát khi chờ đợi đến lượt mình được vào thắp nén hương vĩnh biệt Người

 

Chiều muộn, dòng người vẫn lặng lẽ tiến về phía số nhà 30 Hoàng Diệu để được thắp cho Đại tướng một nén hương. Mỗi người trong số họ mang trong lòng một kỷ niệm, một câu chuyện riêng, nhưng có một điểm chung, đó là họ đều đến đây với một tấm lòng thành kính, tiếc thương sâu sắc đối với vị Đại tướng của nhân dân.


Tuệ Khanh - (bài, ảnh)

Ý kiến bạn đọc