Những ai vì dân sẽ ở lại mãi với nhân dân…

08:53, 13/10/2013
|

Như hàng triệu người dân Việt Nam, tôi rất đau lòng khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ra đi. Đại tướng qua đời là mất mát và nỗi đau quá lớn đối với nhân dân và dân tộc Việt Nam. Có lẽ, sau Chủ tịch Hồ Chí Minh, chỉ có Đại tướng nhận được sự tiếc thương nhiều đến thế.

Ảnh minh họa


Đại tướng Võ Nguyên Giáp gặp gỡ bà con ở Bản Giốc (Cao Bằng).


Đại tướng là con rể của làng tôi (xã Thanh Xuân, Thanh Chương, Nghệ An). Nhà tôi cũng có họ hàng xa với nhà phu nhân Đại tướng, vì thế cũng có quan hệ qua lại. Năm 1968, khi Đại tướng ở Nga để chuẩn bị sang Hungary, có một ngày Đại tướng đã nhắn tôi và vài anh em khác đến ăn cơm với Đại tướng ở nhà khách của Đại sứ quán Nga, đó là một kỷ niệm không thể quên và sau này càng nghĩ tôi càng thấm thía.  

Lúc đó, tôi và các anh em khác được Nhà nước cử sang học tập tại Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô. Đại tướng đã dành toàn bộ thời gian trong bữa cơm tối để động viên chúng tôi chuyện học hành. “Các cậu phải cố gắng học cho tốt để sau này về cống hiến cho đất nước. Đất nước hòa bình sẽ cần nhiều cán bộ, thầy giáo, kỹ sư, phải chuẩn bị thật tốt lực lượng để xây dựng đất nước sau chiến tranh. Phải làm giáo dục thật mạnh để theo kịp các nước”, Đại tướng đã dặn dò nhiều lần như vậy. 

Đại tướng cũng nhắc nhở, đất nước chiến tranh, bao nhiêu người phải ra chiến trường, nhiều thầy giáo cũng phải đi lính, con em học hành rất vất vả nên những người được Nhà nước ưu tiên cử đi học càng phải nỗ lực để sau này về xây dựng đất nước. Lúc đó, tôi - một thanh niên 30 tuổi, dù rất hiểu lời dặn dò của Đại tướng nhưng mãi sau này, càng ngày càng thấm thía lời dặn đó. Đó không chỉ là một lời động viên, đó còn là một tầm nhìn chiến lược mà Đảng ta, Bác Hồ, Đại tướng đã chuẩn bị sẵn sàng lực lượng để xây dựng Tổ quốc trong giai đoạn hòa bình. Đó là một trong những lời khắc cốt ghi tâm mà thế hệ chúng tôi sau đó đều ra sức cống hiến để góp phần xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Với tôi, Đại tướng là một nhà giáo thực sự. Dù là một vị Đại tướng vĩ đại, nhưng ở ông vẫn toát lên trọn vẹn sự điềm đạm, chỉn chu của một nhà giáo. Ông không bao giờ nổi nóng với ai. 

Nhiều năm sau này, Đại tướng vẫn rất quan tâm đến công việc của tôi, bởi giáo dục là một trong những lĩnh vực Đại tướng quan tâm nhiều nhất. Năm 1988, tôi gặp Đại tướng ở lễ khai giảng của Đại học Thăng Long (đại học tư đầu tiên của Việt Nam), Đại tướng thân tình hỏi: “Văn Như Cương vẫn để râu đấy à?”. Sau khi biết tôi đang chuẩn bị thành lập Trường Phổ thông dân lập Lương Thế Vinh (trường phổ thông dân lập đầu tiên của Việt Nam từ khi đổi mới), ông đã rất quan tâm, động viên tôi nhiều và hẹn “nhất định sẽ đến dự lễ khai giảng của trường”. Năm 1989, tôi mở trường, Đại tướng đã nhận lời dự lễ khai giảng vào buổi sáng, nhưng sau trường tôi gặp trục trặc phải chuyển sang khai giảng buổi chiều thì Đại tướng đành cáo lỗi vì đã có lịch về Quảng Bình buổi chiều. Dù không đón được Đại tướng đến dự lễ khai giảng nhưng những động viên, quan tâm của ông đã cho tôi sự khích lệ to lớn để có được thành công trong con đường của mình. Với những vấn đề mới, những người tiên phong, Đại tướng luôn dành sự khích lệ, niềm tin lớn lao. 

Đại tướng qua đời là mất mát và nỗi đau quá lớn đối với nhân dân và dân tộc Việt Nam. Có lẽ, sau Chủ tịch Hồ Chí Minh, chỉ có Đại tướng nhận được sự tiếc thương nhiều đến thế. Tôi đã dẫn các em học sinh trường mình đến xếp hàng viếng Đại tướng. Nhìn dòng người ngày càng nối dài ra, trong đó có hàng ngàn bạn trẻ, tôi càng thấm thía hơn bao giờ hết sự lan tỏa của nhân cách Đại tướng. Thế hệ trẻ hôm nay có thể không biết đến chiến tranh, chưa từng được gặp Đại tướng nhưng đức độ, nhân cách của ông đã lan tỏa qua năm tháng, thấm đến từng trái tim son trẻ. Và đó là cái phúc mà Đại tướng để lại cho chúng ta. 

Sau này có thể sẽ không có một đám tang nào được nhân dân khóc thương như vậy nữa. Đại tướng cũng là người cuối cùng của thế hệ lãnh đạo đầu tiên đã ra đi. Nhưng tôi tin rằng đây là cơ hội to lớn để giới trẻ Việt Nam cũng như tất cả người dân chúng ta nhìn lại những gì thuộc về giá trị trường tồn của dân tộc. Những ai vì dân sẽ ở lại mãi với nhân dân…

PGS VĂN NHƯ CƯƠNG


(theo SGGP)

Ý kiến bạn đọc