"Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một người rất tình cảm. Tôi đã từng nhiều lần chứng kiến Đại tướng khóc" - ông Nguyễn Đình Phòng xúc động nhớ lại. |
Mấy ngày qua, kể từ hôm viếng Đại tướng trở về, ông Nguyễn Đình Phòng, nguyên là Đại đội trưởng Đại đội súng cối 82 ly (Tiểu đoàn E102 - Trung đoàn Thủ đô - Sư đoàn 308) lúc nào cũng ở trong tâm trạng bàng hoàng, đau xót. Ông ăn uống rất ít, suốt ngày ngồi trên căn gác trên tầng thượng để lần giở những kỷ vật, những tấm ảnh ông được chụp chung với Đại tướng hay những bức hình ông tự tay chụp người chỉ huy mà mình vô cùng kính trọng.
Là một trong những người đầu tiên đến viếng Đại tướng ngay sau khi ông mất, người cựu binh già xúc động nói: “Không biết có phải là chủ quan không, nhưng tôi cho rằng, tôi là một trong những người có rất nhiều sự tình cờ liên quan đến Đại tướng…”
Nhập ngũ trong năm vào ngày 9/6/1945, chỉ sau khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp thành lập Đội Tuyên truyền Giải phóng quân 6 tháng. Ông chiến đấu ở chiến trường Điện Biên Phủ, trong đơn vị trực tiếp tiêu diệt cứ điểm 310, một trong những cứ điểm quan trọng nhất của Điện Biên Phủ đêm 6/5/1954. Chính đơn vị pháo của ông đã bắn cháy máy bay ở sân bay Mường Sài.
Sau Hiệp định Giơnevơ, ông là Đại đội trưởng của một trong 3 đại đội đầu tiên về chuẩn bị cho tiếp quản Thủ đô tháng 10/1954. Đến năm 1966, ông được phân công nhiệm vụ về công tác tại Bộ Nội vụ và đây cũng là một cơ duyên để ông được làm việc, tiếp xúc nhiều lần với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nguyên do là vì vị cựu binh này làm công tác ở Ủy ban điều tra tội ác chiến tranh, cùng đơn vị với bà Đặng Thị Bích Hà, phu nhân của Đại tướng.
Kể về những lần tiếp xúc, được chuyện trò với Đại tướng, ông Phòng cho biết, Đại tướng là một người rất tình cảm. “Đối với quân đội, Đại tướng có một sức cảm thụ rất lớn. Các chiến sĩ các thời kỳ, nhất là những người như chúng tôi, đã từng chiến đấu, đã từng tiếp xúc, Đại tướng rất tình cảm.” - người cựu binh già nhớ lại.
Cựu chiến binh Điên Biên phủ Nguyễn Đình Phòng rơi lệ trước ngôi nhà 30 phố Hoàng Diệu trong ngày đầu tiên gia đình Đại tướng mở cửa đón người dân đến viếng Đại tướng |
Ông Nguyễn Đình Phòng cũng rưng rưng nước mắt khi nói về “quyết định khó khăn nhất” của Đại tướng, đó là từ quyết định “đánh nhanh, thắng nhanh” thành “đánh chắc, thắng chắc”. “Từ quyết định sáng suốt, tài tình đó, chúng ta đã giành được toàn thắng ở Điện Biên Phủ và giảm được rất nhiều tổn thất” - ông Nguyễn Đình Phòng nói.
Vừa là một cựu binh Điện Biên Phủ, vừa là một người cha có con trai cả hy sinh trong cuộc chiến chống Mỹ, ông Phòng cho rằng, cuộc chiến tranh nào cũng sẽ có những mất mát, hy sinh, kể cả từ thời cha ông ta. Nhưng cuộc chiến tranh thần thánh mà Đại tướng là chỉ huy đã chiến thắng những kẻ thù mạnh nhất để mang lại nền độc lập cho Dân tộc ta, đó là một điều mà trước đó chưa ai làm được.
Kể từ hôm đi viếng Đại tướng trở về, ông ăn uống rất ít và thường giam mình trên căn gác, lần giở từng kỷ niệm, từng bức ảnh. |
“Có người nói, vinh quang của Đại tướng được làm trên xương máu của người lính đã ngã xuống, nhưng đó là những người, những lời nói rất vô tâm. Một cuộc chiến đấu bảo vệ độc lập tự do thì phải có hy sinh, nhất là chúng ta đi lên từ gậy tầm vông, đối đầu với quân đội phương Tây hùng mạnh với đầy đủ vũ khí. Đại tướng, ngoài là một vị tướng tài giỏi còn là một người rất có lòng thương yêu chiến sĩ. Không biết những vị chỉ huy trước kia đối với hy sinh xương máu của chiến sĩ, của đồng bào như thế nào, nhưng thời nay, Đại tướng là người chỉ huy luôn luôn nghĩ đến việc hạn chế đến mức thấp nhất sự tổn thất. Và khi có tổn thất, Đại tướng là người đã mất rất nhiều nước mắt sau mỗi một trận đánh, dù thắng lợi hay thất bại. Tôi đã từng nhiều lần chứng kiến Đại tướng khóc. Đó là khi đến thăm nghĩa trang Độc lập ở Điện Biên Phủ hoặc các nghĩa trang khác, hay khi thăm viếng tận nhà của các cán bộ chiến sĩ hy sinh. Đại tướng là một người chỉ huy biết thương tiếc từng giọt máu của chiến sĩ, đó là điều cao quý nhất. Chính nhờ tư cách đạo đức đó, Đại tướng đã chiếm được lòng thương mến, quý trọng của toàn quân, toàn dân” - ông Nguyễn Đình Phòng xúc động nói.
Có bức ông chụp Đại tướng |
Có bức người khác chụp ông với Đại tướng, cũng có nhiều bức ảnh ông sưu tầm. Hàng trăm bức ảnh khác ông chụp Đại tướng đã được mượn đi để làm tư liệu về Đại tướng. (Trong ảnh: Ông Nguyễn Đình Phòng tặng Đại tướng bức ảnh do chính ông chụp Đại tướng) |
Những cuộn phim ông từng chụp, trong đó có nhiều tấm chụp Đại tướng, được ông giữ cẩn thận như báu vật |
Trong chiến tranh chống Mỹ, vào những năm 1967 đến 1969, do công việc điều tra tội ác chiến tranh, ông Nguyễn Đình Phòng đã nhiều lần đạp xe từ Hà Nội về tận Quảng Bình, đặc biệt là xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, quê hương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nơi chịu nhiều bom đạn nhất. Trong trí nhớ của ông, ngôi nhà đơn sơ của gia đình Đại tướng nơi miền quê nghèo vẫn còn rõ như in cho đến tận ngày hôm nay.
Trong những số báo mà ông gìn giữ suốt nửa thế kỷ qua, chủ yếu là những bài báo viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp - 2 con người vĩ đại, 2 nhân cách lớn mà ông ngưỡng mộ |
Cảm phục trước tài và tâm của Đại tướng, người cựu binh Điện Biên Phủ đã dày công sưu tầm những bài báo, tạp chí, những bức ảnh về Đại tướng. Bản thân ông cũng là người chụp hàng trăm bức ảnh, quay rất nhiều thước phim về Đại tướng và trân trọng lưu giữ.
Hôm nghe tin Đại tướng mất, ông đã rất bàng hoàng. Lần gặp Đại tướng gần đây nhất của ông là vào tháng 5/2006, với tư cách một trong những người chỉ huy chiến đấu tiêu diệt cứ điểm 310 ở Điện Biên Phủ tối 6/5/1954. “Sau đó Đại tướng ốm đi bệnh viện thì tôi không gặp được nữa. Tuy nhiên, trong những lần đến thăm bà Đặng Thị Bích Hà (phu nhân Đại tướng), tôi vẫn hỏi thăm và biết được tình hình sức khỏe của Đại tướng. Dẫu biết rằng chuyến đi này là không thể không xảy ra, nhưng tôi vẫn thấy quá đau đớn” - người cựu binh già 89 tuổi trầm giọng nói, khuôn mặt, ánh mắt tràn đầy một nỗi nhớ thương khôn xiết.
Ý kiến bạn đọc