(VnMedia) - Kể từ hôm nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra đi, hàng vạn người lính đã rơi lệ tiếc thương người anh cả của lực lượng vũ trang nhân dân. Đến viếng Đại tướng hôm nay tại Quảng Bình, nước mắt của họ lại làm tất cả những người có mặt xúc động.
Đứng chờ trong sảnh UBND tỉnh Quảng Bình chờ đến lượt được vào viếng Đại tướng, Thượng tá Nguyễn Trọng Phương, đoàn kinh tế Quốc phòng 92 từ A lưới (Thừa Thiên Huế), vượt hơn 200km ra Quảng Bình từ hôm qua xúc động nói: “Hôm 5/10, nghe tin Đại tướng mất, tôi đã òa khóc. Từ hôm đó, bất cứ khi nào đọc báo, nghe đài… nghe nhắc đến tên Đại tướng là tôi lại khóc”.
Thượng tá Nguyễn Trọng Phương: Khi nghe tin Đại tướng mất, tôi đã òa khóc |
Anh Phương cũng cho biết, ở đơn vị, ngay từ khi nhận được sự chỉ đạo của quân khu 4, đơn vị đã thành lập ban tổ chức xây dựng kế hoạch tổ chức lễ viếng Đại tướng. Sáng nay, hàng nghìn người dân đã đến viếng. “Anh em gọi điện thoại nói rằng người dân đến viếng Đại tướng đông ngoài sức tưởng tượng. Toàn bộ lực lượng, tình nguyện, trí thức trẻ ở địa phương… được huy động phục vụ bà con đến viếng Đại tướng” – anh Phương cho biết và nói rằng, anh đang cố gắng liên hệ để được dự lễ an táng Đại tướng vào ngày mai.
Cựu chiến binh Trương Văn Sơn khóc nức nở sau khi thắp nén tâm hương viếng Đại tướng |
Sau khi thắp nén tâm hương viếng Đại tướng, ông Trương Văn Sơn, cựu chiến binh phường Thu Thủy, thị xã Cửa Lò từ Nghệ An vừa bước ra khỏi phòng vừa nức nở khóc vừa nói: “Đau lòng quá. Khi nghe tin Đại tướng mất, chúng tôi đã vô cùng xúc động, không cầm được nước mắt. Chúng tôi ngồi bên truyền hình theo dõi hình ảnh, tin tức về Đại tướng cả ngày cả đêm. Chúng tôi vào đây từ đêm qua, ở đây túc trực để vào thắp hương. Chúng tôi cũng sẽ ra sân bay để đón Đại tướng và đưa Bác về nơi an nghỉ cuối cùng. Bác là người gần gũi với dân, với tình đồng chí, còn chúng tôi là quân nhân, là người lính của Bác, chúng tôi rất quý trọng Đại tướng. Nhân dân Nghệ An chúng tôi đau lòng lắm, chỉ mong được vào đây gặp Bác một lần, để chào bác lần cuối cùng…!”
cô Nguyễn Thị Lịch cựu chiến binh đoàn Nam Giang (Đà Nẵng): Nghe tin Đại tướng mất… buồn… thương tiếc! |
Cũng là một người lính, từng công tác tại phòng xe máy sư đoàn 472, nay thuộc cựu chiến binh đoàn Nam Giang (Đà Nẵng), cô Nguyễn Thị Lịch xúc động nghẹn ngào mãi mới nói được một câu ngắt quãng: Nghe tin Đại tướng mất… buồn… thương tiếc!
Gọi điện cho phóng viên từ Hà Nội, thương binh nặng Nguyễn Văn Chiến vừa khóc vừa nói, ông rất muốn được vào tận Quảng Bình để tiễn biệt Đại tướng nhưng sức khỏe không cho phép. Đến viếng Đại tướng ngay ngày đầu tiên (hôm 7/10), suốt 5 ngày sau đó, ngày nào ông cũng đến để dẫn các đoàn thương binh khác vào viếng người anh cả mà họ vô cùng kính trọng. Hôm qua, 1 ngày sau khi lễ viếng tại nhà riêng của Đại tướng kết thúc, người thương binh già đã phải vào bệnh viện cấp cứu khi trên người vẫn đang mặc quân phục và ngực đeo đầy huân, huy chương. Dù còn yếu, nhưng ông cũng đang cố gắng để ngày mai cùng với các anh em thương binh đến nhà tang lễ chào vĩnh biệt Đại tướng lần cuối cùng.
Người thương binh già này đã khóc suốt từ hôm Đại tướng ra đi. Ông cũng đã 5 ngày liền đến số nhà 30 Hoàng Diệu dẫn các đoàn thương bình vào viếng Đại tướng |
Ông Chiến cũng kể, bộ ảnh đoàn thương binh nặng vào viếng Đại tướng tại nhà riêng do nhiếp ảnh Vũ Quang Ngọc tặng đã được ông gửi cho người cháu ở nước Anh. Kiều bào ở bên đó rất xúc động và lại chuyển tiếp cho những người thân ở các nước khác thuộc Châu Âu.
Đau xót trước sự ra đi của Đại tướng, thay mặt cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Quân khu 4, Trung tướng Nguyễn Hữu Cường viết: Vĩnh biệt Đại tướng, Thường vụ Đảng ủy – Bộ Tư lệnh và toàn lực lượng vũ trang Quânk hu 4 xin bày tỏ lòng tiếc thương vô hạn và xin hứa sẽ biến đau thương thành hành động cách mạng, nguyện sống, chiến đấu, học tập và công tác theo tấm gương sáng ngời của Đại tướng…”
Đến viếng Đại tướng hôm nay có bác Lại Văn Ly, nguyên là Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Bình từ năm 1968 đến năm 1975. Bác Ly xúc động bồi hồi nhớ lại: “Khi làm việc, tôi được gặp Đại tướng 3 lần, cả ở nhà riêng của Đại tướng ở Hà Nội và cả ở Quảng Bình. Lúc đó tôi là phụ trách giao thông vận tải, gặp Bác, thấy Bác rất chân tình, hỏi han kỹ lưỡng lắm. Bác dặn lực lượng giao thông, quận đội và vận tải phải đoàn kết với nhau, chiến đấu còn gian khổ, quê hương Quảng Bình là quê hương hai giỏi, phải phấn đấu giỏi hơn nữa, cả chiến đấu giỏi, sản xuất giỏi, chi viện cho miền Nam cũng phải giỏi. Nghe tin Đại tướng mất, tôi thấy vô cùng đau xót. 103 tuổi là quý giá, nhưng vẫn muốn bác sống lâu hơn nữa. Người Quảng Bình rất xúc động vì được Trung ương cho phép tổ chức lễ tang Đại tướng bằng nghi thức Quốc tang. Điều này rất hợp lòng người. Việc Bác chọn về yên nghỉ ở Quảng Bình cũng là một niềm xúc động và tựhào đối với chúng tôi.
Có mặt trong lễ viếng, Hòa thượng Thích Tánh Nhiếp, trưởng ban trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Bình, Đại biểu HĐND tỉnh chia sẻ: “Tôi cảm thấy vô cùng thương tiếc Đại tướng, một người đã hy sinh cả cuộc đời cho dân tộc. Tất cả nhân dân đều hướng về Đại tướng. Ban Trị sự phật giáo chúng tôi cũng rất ngưỡng mộ Đại tướng, cảm thấy sự mất mát lớn sau khi Đại tướng qua đời”.
Hòa thượng Thích Tánh Nhiếp viết lời tiễn biệt Đại tướng |
Ý kiến bạn đọc